Bộ Công thương vừa đưa ra dự thảo quy định các chất độc hại trong điện tử. Theo đó, khối lượng chì (Pb) trong mỗi sản phẩm phải dưới 0,1%, thủy ngân (Hg): 0,1%, Cadimi (Cd): 0,01%, Crôm (Cr): 0,1%, Polybrominated Biphenyl (PBB): 0,1%, Poly Brominated Diphenyl Ete (PBDE): 0,1%. Việc quy định mức độ các chất độc hại này là cần thiết. Tuy nhiên, để ứng dụng được quy định này vào thực tế không dễ.
Việc quy định số lượng các chất thải độc hại có trong ti vi giúp bảo vệ môi trường tốt hơn. Ảnh: ĐỨC THÀNH |
Khó thực hiện vì 3 không
Tiêu chuẩn về hàm lượng hóa chất độc hại này sẽ được áp dụng đối với hầu hết các sản phẩm điện, điện tử thông dụng như điện thoại di động, máy vi tính, máy quay phim, tivi, đài, quạt máy, máy lạnh, máy giặt, máy hút bụi, máy dệt, máy may, bàn ủi, lò nướng, lò vi ba, chảo điện, đồng hồ đeo tay, các loại nhạc cụ...
Ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, từ trước đến nay, các sản phẩm điện, điện tử nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước đều không bị ràng buộc về hàm lượng chì, thủy ngân, Cadimi...
Trong khi đó, đây là các chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, cần phải quy định hàm lượng tối đa đối với 6 loại hóa chất độc hại trong sản phẩm. Thế nhưng để triển khai, ứng dụng quy định này vào thực tế thì không dễ.
Ba lý do để quy định này khó khả thi là vì phần lớn sản phẩm điện tử nước ta đều nhập khẩu; cơ quan chức năng không có trang thiết bị đo đạc, phân tích; không có cán bộ đủ năng lực, chuyên môn để kiểm tra. Ông Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, khẳng định: Với các nước trên thế giới, sở dĩ có thể áp dụng và triển khai được quy định trên vì họ kiểm soát được chất lượng sản phẩm tại nguồn. Điều này có nghĩa là họ ban hành quy định cho các doanh nghiệp sản xuất để tuân theo.
Trường hợp, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm không đạt tiêu chuẩn quy định có thể phải đối mặt với những biện pháp chế tài thương mại cực kỳ khắt khe, thậm chí phá sản. Còn với thực trạng sản phẩm điện tử nước ta, hiện chủ yếu nhập khẩu, việc kiểm soát quản lý được ví như kiểm tra đầu ngọn. Hơn nữa, đa số lượng hàng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch nên việc kiểm soát chất lượng sản phẩm càng khó.
Việc xử lý chất thải điện tử hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết, hiện chưa có thống kê cụ thể nào về chất thải điện tử. Theo khảo sát của sở, phần lớn chất thải đều được các đơn vị tư nhân thu gom, tái chế. Họ tận dụng những linh kiện có thể bán lại hoặc xuất sang nước ngoài. Phần không tái sử dụng được, cho vào rác đô thị. Mặt khác, cho đến nay thành phố chưa trang bị cơ sở hạ tầng để thu gom và xử lý loại chất thải này. Ước tính, kinh phí đầu tư nhà máy xử lý chất thải điện tử với công suất 70 tấn/ngày khoảng 15 triệu USD.
Chế tài mạnh - liệu có khả thi?
Trên thực tế, hiện các cơ quan chức năng chưa có đủ trang thiết bị để phân tích, đo đạc nồng độ chất thải có trong linh kiện điện tử. Kinh nghiệm từ việc quản lý hóa chất độc hại trong linh kiện điện tử tại nhiều nước trên thế giới chủ yếu dựa vào việc doanh nghiệp tự công bố chất lượng. Cơ quan chức năng chỉ kiểm tra ngẫu nhiên hoặc khi có phản ánh của dư luận. Vấn đề còn lại là họ đề ra quy định xử lý hành vi vi phạm rất nghiêm ngặt để doanh nghiệp không dám vi phạm. Do đó, theo ông Nguyễn Văn Lai, để dự thảo trên khả thi, cần phải thắt chặt quản lý chất lượng sản phẩm nhập khẩu. Riêng với những sản phẩm nhập qua đường tiểu ngạch, phải tăng cường lực lượng kiểm tra.
Tuy nhiên, ông Lê Hoài Quốc cho biết, hiện trang thiết bị phân tích, xác định nồng độ chất thải trong sản phẩm điện tử chỉ mới trang bị trong phòng thí nghiệm, phục vụ nhu cầu tự kiểm tra chất lượng của doanh nghiệp. Còn trang thiết bị để cán bộ quản lý thị trường có thể kiểm tra thực địa thì chưa có. Do vậy, cơ quan chức năng cần tính đến yếu tố đầu tư trang bị thiết bị đo kiểm cho cán bộ chuyên môn.
Riêng vấn đề xử lý rác điện tử, ông Nguyễn Trung Việt nhấn mạnh, rác điện tử có giá trị kinh tế rất cao nếu được tái chế, tái sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, cần cân nhắc thêm vì việc xử lý, tái chế và sử dụng rác điện tử thường phát sinh chất thải là nước, khí và tro (khi đốt), gây ảnh hưởng tới môi trường. Do đó, cần xây dựng biện pháp chế tài “đánh” mạnh vào tài chính của doanh nghiệp xử lý như phạt thật nặng các doanh nghiệp nhập rác hoặc tái chế rác gây ô nhiễm môi trường; bồi thường chi phí khắc phục ô nhiễm môi trường; tịch thu toàn bộ lượng sản phẩm sau xử lý, tái chế để bán và sung vào quỹ môi trường. Và biện pháp này cũng áp dụng đối với những doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn quy định. Có như vậy mới mong ngăn chặn tình trạng chất thải điện tử gây hại cho môi trường sống của người dân.
(Theo Ái Vân // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com