Nguồn thu từ xăng dầu hiện chiếm tới hơn 10% tổng thu ngân sách Nhà nước |
Vụ Chính sách thuế vừa báo cáo Bộ Tài chính phương án điều hành thuế nhập khẩu xăng dầu trong thời gian tới. Điều mà cơ quan này quan tâm hơn cả khi xây dựng biểu tính thuế vẫn là mục tiêu ổn định tổng thu ngân sách.
Có vẻ như với nhiều trách nhiệm được đặt trên vai, giá mặt hàng xăng dầu khó có thể hoàn toàn “theo thị trường”. Tình thế này được nhận định là sẽ khó thay đổi trong một thời gian ngắn.
Thuế - lo ngân sách
Theo Vụ Chính sách thuế, việc điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu (theo dự thảo Nghị định mới thay thế cho Nghị định 55/2007/NĐ - CP về kinh doanh xăng dầu) sẽ tuân thủ các nguyên tắc: mức thuế suất thuế nhập khẩu được quy định ổn định đối với từng chủng loại xăng dầu. Cụ thể sẽ giảm bớt mức thuế suất xuống còn 2 - 3 mức cho mỗi nhóm xăng, dầu. Cơ quan này dự kiến sẽ xây dựng 2 nhóm mặt hàng. Nhóm thứ nhất gồm xăng, dầu hỏa, nhiên liệu bay (có thuế nhập khẩu cao hơn); nhóm thứ hai gồm dầu diezzen, dầu mazut (có mức thuế thấp hơn). Hiện mức chênh lệch là 10%.
Là một vụ chức năng của Bộ Tài chính, yếu tố đầu tiên được cơ quan này quan tâm khi xây dựng ba-rem tính thuế là đảm bảo số thu ngân sách ổn định. Theo kế hoạch dự toán ngân sách năm 2009, thu ngân sách đối với nhóm mặt hàng này khoảng 40.000 tỷ đồng. Cụ thể gồm thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng); thuế giá trị gia tăng (10% cho các sản phẩm xăng và dầu); thuế nhập khẩu (xác định trên cơ sở tham khảo biến động giá dầu thô thế giới). Mức thuế xăng dầu được điều hành từ 0 đến 40%.
Giá - lo bình ổn
Mặc dù khẳng định giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, song theo Vụ Chính sách thuế thì “vẫn có sự quản lý của Nhà nước”. Như vậy thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn; việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng được thực hiện theo nguyên tắc, trình tự được quy định cụ thể. Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá (bao gồm cả điều chỉnh thuế nhập khẩu) khi giá cơ sở tăng hoặc giảm trên 12% so với giá bán lẻ tại một thời điểm nhất định.
40% là mức thuế nhập khẩu kịch trần |
Cơ quan này đưa ra khoảng giá cần điều chỉnh trên cơ sở giả định mức giá bình quân 30 ngày của dầu thô WTI tại thị trường Singapore biến động trong khoảng giá từ 45 USD đến 95 USD/thùng. Trường hợp biến động ngoài khoảng giá trên, Nhà nước sẽ can thiệp điều chỉnh đặc biệt như tăng thuế nhập khẩu kịch trần theo cam kết WTO (40%) hoặc giảm xuống mức sàn 5 - 0%, hoặc áp dụng các biện pháp kết hợp khác như sử dụng quỹ bình ổn giá.
Quá nhiều “nhiệm vụ”
Trên thực tế, tiếng là được kinh doanh theo cơ chế thị trường nhưng mặt hàng xăng dầu - do phải gánh một lúc quá nhiều trách nhiệm - vẫn chưa lúc nào được thực sự theo đúng giá thị trường.
Tại hội thảo “Những vấn đề quản lý nhà nước và kinh doanh xăng dầu hiện nay” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây có ý kiến dẫn ra rằng, mặt hàng này đang phải gánh tới 6 trách nhiệm: Thứ nhất, đảm bảo an ninh năng lượng (nên nhập theo phân bổ hạn ngạch tối thiểu, có dự trữ quốc gia phòng khi có chiến tranh, dịch bệnh…). Thứ hai, phải đảm bảo nguồn thu cho ngân sách (nên thuế có thể tăng kịch trần 40%, tận thu khi giá thế giới giảm và có hàng loạt các loại phí, phụ thu). Thứ ba, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng (nên có quy định về giới hạn điều chỉnh giá bán). Thứ tư, phải giữ ổn định thị trường (nên có quy định giảm tần suất biên độ điều chỉnh giá bằng việc trích và sử dụng Quỹ bình ổn). Thứ năm, phải đảm bảo doanh nghiệp có lãi vì xăng dầu vẫn là mặt hàng kinh doanh bình thường. Thứ sáu, trả nợ ngân sách cho Nhà nước đã tạm ứng cho doanh nghiệp bù lỗ trước kia (riêng trong bối cảnh hiện nay). Lẽ dĩ nhiên, không thể tránh khỏi những xung đột kéo dài khi mặt hàng xăng dầu phải đáp ứng cả 6 “nghĩa vụ” trên.
Và như vậy, dù giá thế giới tăng hay giảm thì với cơ chế hiện nay giá xăng trong nước sẽ khó lòng mà đi theo giá thế giới theo đúng nghĩa thị trường. Để giải bài toán này, các cơ quan quản lý gặp không ít khó khăn vất vả. Những bất hợp lý trong cơ chế điều hành mặt hàng này được Bộ Tài chính cắt nghĩa là do “quá độ” để chuyển sang cơ chế thị trường thực sự. Song, các doanh nghiệp lại cho rằng, cách thức điều hành này đã và sẽ làm méo mó các yếu tố thị trường của xăng dầu.
Bộ Công Thương cũng thừa nhận đây là điểm nghịch lý nhất của mặt hàng thiết yếu này. Cách điều hành hiện nay cho thấy sự ôm đồm của Nhà nước, làm cho sự vận hành của mặt hàng xăng dầu đáng lẽ là đơn giản thì hóa ra phức tạp và rắc rối. Sự điều tiết của Nhà nước là cần thiết đối với một quốc gia mà nguồn thu từ xăng dầu chiếm tới hơn 10% thu ngân sách. Vấn đề là Nhà nước cần can thiệp lúc nào, mức độ nào là hợp lý. Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 55/2007/NĐ - CP về kinh doanh xăng dầu hiện đang được lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, đã có ý kiến cho rằng, sự ra đời Nghị định mới này vẫn chưa thể giải quyết được những bất hợp lý trong quản lý kinh doanh mặt hàng này.
Liên bộ Tài chính - Công Thương đã thống nhất chọn một phương án sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định. Phương án này quy định: Khixăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng làm giá vốn bình quân trong thời gian dự trữ lưu thông (hiện là 20 ngày) tăng đến 7% so với giá bán lẻ hiện hành, doanh nghiệp được quyền tăng giá, không cần đăng ký như cũ mà chỉ cần gửi quyết định về để cơ quan nhà nước hậu kiểm. Nếu giá vốn tăng 7 - 12%, doanh nghiệp được điều chỉnh tăng ngay 7%. Nếu giá thế giới tăng đột biến làm giá vốn tăng trên 12%, Nhà nước sẽ can thiệp bằng việc cho điều chỉnh giá, lùi thuế, không trích quỹ bình ổn và các biện pháp tài chính tiền tệ khác. Trường hợp giảm giá, nếu giá vốn bình quân giảm 7 - 12%, doanh nghiệp phải giảm giá tương ứng. Nếu giảm trên 12%, Nhà nước tính toán khôi phục các chính sách điều tiết. Ba-rem thuế nhập khẩu xăng dầu được xây dựng theo 2 phương án. Vụ Chính sách thuế đề nghị thực hiện phương án thứ 2 (giả định giá dầu thô WTI tăng hoặc giảm trong khoảng giá 48 USD/ thùng đến 94 USD/ thùng) (xem biểu). |
(Theo Phương Linh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com