Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xoay xở với bài toán vật giá leo thang

Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo buộc doanh nghiệp phải đầu tư kho chứa, nhà máy xay xát... nhằm sàng lọc doanh nghiệp, lập lại trật tự kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam, nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo. Tuy nhiên, giá cả đầu vào leo thang, việc điều chỉnh tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng của Ngân hàng Nhà nước đang tác động mạnh đến sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, trước khó khăn chung, họ sẽ tiết giảm tối đa chi phí không cần thiết để bảo toàn vốn.

Liên kết doanh nghiệp với hàng xáo

Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại thành phố Cần Thơ thừa nhận: Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay làm theo kiểu lấy ngọn chứ không từ gốc, việc đầu tư vùng nguyên liệu chưa được quan tâm đúng mức. Nghị định 109 là giải pháp sàng lọc doanh nghiệp, hạn chế tình trạng cạnh tranh lẫn nhau. Việc tranh mua, tranh bán của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo thời gian qua đã làm yếu đi thế cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường.

Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của phần lớn các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Theo thống kê của ngành công thương các tỉnh thành ĐBSCL, năm 2010 lượng gạo xay xát và lau bóng toàn vùng đạt trên 13,8 triệu tấn, nhưng tốc độ tăng bình quân chỉ 2,86%/năm. Do đa phần doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng này quy mô nhỏ, hầu hết hệ thống kho của doanh nghiệp trữ gạo chứ không trữ lúa.

Ông Trần Phước Thuấn, Phó giám đốc Công ty cổ phần Nông sản Thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ, cho rằng làm gạo phải có vựa lúa mới đủ khả năng đàm phán hợp đồng, định giá bán tùy từng thời điểm trên thị trường. Doanh nghiệp đầu tư kho để nông dân gửi lúa vào, nông dân cũng an tâm sản xuất, không lo đầu ra, hạt gạo sẽ vận hành thông suốt hơn. Ông Thuấn nói: “Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp đều tập trung đầu tư kho dự trữ, giá đất sẽ nhảy vọt, giá thiết bị máy móc cũng tăng, có thể xảy ra cuộc cạnh tranh giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Trong điều kiện lãi suất ngân hàng ở mức cao, giá cả đầu vào leo thang, các doanh nghiệp sẽ khó khăn khi vay vốn đầu tư. Do vậy, các doanh nghiệp lớn cần tập hợp hàng xáo, doanh nghiệp nhỏ lại để cung ứng lúa gạo cho mình”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ DNTN Tấn Tài 1 ở Bà Đắc, huyện Cái Bè (Tiền Giang), hầu hết các đại lý, vựa lúa gạo hay doanh nghiệp trên địa bàn Bà Đắc đều cung ứng cho công ty xuất khẩu gạo ở TPHCM, Đồng Nai chứ chưa đủ khả năng xuất khẩu trực tiếp, kể cả DNTN Tấn Tài 1. “Hầu hết doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đều mua gạo nguyên liệu về lau bóng xuất khẩu chứ không mua lúa do hiệu quả kinh tế thấp”, ông Phú nói. Theo ông, đặc thù mua bán lúa gạo vùng ĐBSCL, Nhà nước cần hỗ trợ cho vay vốn để doanh nghiệp đầu tư kho.

Hạn chế đầu tư mới

Cùng với những ràng buộc trong kinh doanh lúa gạo theo Nghị định 109, thì giá cả đầu vào leo thang, tỷ giá tăng cũng là thách thức rất lớn cho doanh nghiệp. Theo tính toán của lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tại Cần Thơ, đối với doanh nghiệp vay vốn lưu động để mua nguyên liệu sản xuất sẽ rất khó. Nếu trước ngày 11-2 (ngày điều chỉnh tỷ giá tăng 9,3%), doanh nghiệp vay một đô la Mỹ chỉ chịu lãi suất 900-1.000 đồng (kỳ hạn 3 tháng), còn hiện tại phải trả 1.100 đồng. Do vậy, những doanh nghiệp phải mua đô la Mỹ trả lại cho ngân hàng, phải trả thêm một khoản chênh lệch rất lớn.

Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, cho biết: “Trong tình hình khó khăn hiện nay, công ty vẫn không bó hẹp sản xuất, mà tiết giảm tối đa các chi phí không cần thiết để đảm bảo lợi nhuận và tăng trưởng của công ty. Riêng đối với những khoản vay đầu tư thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, các dự án đầu tư… công ty phải cân nhắc”.

Ngoài lĩnh vực xuất khẩu gạo (đạt khoảng 45 triệu đô la Mỹ năm 2010), Công ty Lương thực Sông Hậu còn sản xuất bao bì phục vụ đóng gói gạo xuất khẩu của công ty, cung cấp cho Tổng công ty Lương thực, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở khu vực Nam sông Hậu và một phần cung ứng ra thị trường. Trung bình, mỗi năm công ty cần 600 tấn hạt nhựa để sản xuất bao bì. Trước tình hình điều chỉnh tỷ giá, cộng thêm các khoản chi phí khác gia tăng theo tỷ giá, giá thành sản xuất của công ty đã đội lên gần 14,3% so với trước. Dù vậy, theo ông Trượng, trước mắt công ty không thể tăng giá bán vì nếu tăng giá sẽ mất khách hàng.

Trong tình hình khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp chọn cách tiết giảm chi phí, một số doanh nghiệp khác thì tập trung củng cố thị trường hiện có. Ông Phan Anh Dũng Quốc Huân, Phó giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, cho biết: “Năm 2011, công ty tiếp tục khai thác và mở rộng thị trường trong nước, củng cố mạng lưới cung ứng gạo cao cấp ở hệ thống các siêu thị trong nước; phát triển những thị trường có tiềm năng thuộc khu vực Trung Đông, châu Âu và một số đảo khu vực Thái Bình Dương”. Mục tiêu xuất khẩu năm 2011 của công ty khoảng 250.000 tấn quy gạo, với kim ngạch trên 71 triệu đô la Mỹ.

Bảo toàn vốn trước biến động của tỷ giá, vật giá leo thang là bài toán mà các doanh nghiệp đang phải giải.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Chăn nuôi, nghề cá: Giá tăng, sản xuất khó chồng khó
  • Nông nghiệp Việt Nam - Cơ hội đặt ra trước thách thức : Khẳng định lợi thế
  • Thử thách cho khu vực kinh tế tư nhân
  • Những doanh nhân Việt Nam học tập theo con đường của Trung Quốc
  • Phá rừng dưới 'vỏ' xóa nhà tạm
  • Thoái hóa đất, nguy cơ sa mạc hóa ở miền Trung
  • Phấn đấu đến năm 2030 loại trừ sốt rét
  • Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Những "căn bệnh" kinh tế cần chữa chạy
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi