Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bảo vệ trẻ em: Chưa thực chất

Bảo mẫu cho trẻ uống thuốc ngủ, cô giáo nhốt trẻ vào thang máy, thầy giáo phạt học sinh ngất xỉu, chủ nhà đánh người giúp việc là trẻ vị thành niên đến tàn tật… Là những bức tranh buồn về bạo hành trẻ em.

Công tác bảo vệ trẻ cần thực chất hơn, đó là ý kiến của bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA); ông Trần Ban Hùng, Trưởng ban Bảo vệ Trẻ em của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) tại Việt Nam và ông Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Các vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em được công luận quan tâm thời gian gần đây có nói lên rằng vấn nạn này đang gia tăng?

Bà Nguyễn Vân Anh: Không chắc nạn bạo hành trẻ em có gia tăng hay không nhưng với các phương tiện truyền thông dễ dàng hiện nay, xã hội biết đến nhiều vụ việc hơn. Vấn đề là nhiều trường hợp có tính nghiêm trọng và không thể chấp nhận được, không thể để trôi qua mà không phản ứng gì. Lương tâm con người dù đứng ở vị trí nào cũng không được phép thờ ơ trước những vụ việc như vậy, vì nó xâm phạm quyền, tinh thần và thân thể của đối tượng yếu đuối nhất trong xã hội là trẻ em. Trẻ em quá bé nhỏ, chưa có đủ sức khỏe thể chất lẫn tinh thần để chống chọi với bạo hành.

Thưa bà, dư luận đang bàn nhiều đến cái xấu, cái ác ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Đó có phải là cản trở lớn cần giải quyết trong công tác bảo vệ trẻ em?

Bà Nguyễn Vân Anh: Trước một vụ việc, người ta thường lên tiếng phán xét người vi phạm là xấu, là ác, nhưng đứng ở góc độ bảo vệ trẻ em, câu hỏi không phải là tại sao xã hội có những con người ác đến thế mà phải hỏi tại sao những tệ nạn như vậy lại có cơ hội diễn ra; tại sao người công nhân không có những chỗ giữ trẻ tin cậy với chi phí vừa túi tiền để gửi con; tại sao những kẻ không có tấm lòng, không có kỹ năng lại được phép làm việc trông trẻ… Nếu cứ chỉ trích cá nhân và chỉ giải quyết những vụ việc cụ thể bị phát hiện thì không là giải quyết vấn nạn.

Quan điểm của tôi là cần nhìn lại cả hệ thống bảo vệ trẻ mà ta đang có. Tôi biết hệ thống đó có mạng lưới tận phường xã, khóm ấp nhưng chủ yếu quanh quẩn việc “dán nhãn” hơn là thực chất. Trên một trang mạng, tôi từng thấy đưa tin, đăng ảnh người đứng đầu một địa phương đang đưa phong bì cho bảy em gái bị cưỡng bức đứng dàn hàng ngang. Với tôi điều đó vô cùng phản cảm, phi nhân văn. Người ta chỉ muốn tô màu cho bản thân mình mà không nghĩ đến sự tổn thương của người khác. Làm cán bộ càng cần cảm xúc về đồng loại và trách nhiệm cải thiện xã hội chứ không phải để đánh bóng bản thân, tô vẽ thành tích.

Cần nhìn nhận thế nào về cách mà các cơ quan hữu trách đang ứng xử với nạn bạo hành trẻ em hiện nay?

Ông Trần Ban Hùng: Nhìn chung, các trường hợp đánh đập, bạo hành trẻ em đều bị xử phạt nhẹ. Giáo viên phạt học sinh thụt dầu đến ngất, đánh học sinh đến phải nhập viện mà chỉ bị khiển trách, nặng nhất là đuổi việc. Ở các nước khác, khi ra tòa, sự công bằng của luật pháp sẽ không tính đến yếu tố người vi phạm là thầy giáo mà nương tay vì… tôn sư trọng đạo! Thậm chí, khi một người với lương tâm, trách nhiệm của một nhà giáo mà vẫn phạt học sinh đến gây thương tích cho các em thì càng phải bị xử phạt nặng hơn.Còn trường hợp hai vợ chồng hành hạ cháu Hào Anh, tòa xử hai vợ chồng mỗi người 23 năm tù là quá nặng. Hành vi đó dã man nhưng chưa bằng tội giết người hay những người làm thiệt hại của công đến hàng ngàn tỉ đồng. Tôi thấy, xử phạt phải dựa theo luật định, không thể theo cảm tính.

Gần đây, có khá nhiều vụ bạo hành trẻ em do chính người thân, thậm chí là những người ruột thịt của các em gây ra. Có thể lý giải thực trạng này như thế nào?

Ông Trần Ban Hùng: Nhiều người khi bị phê phán sử dụng bạo lực với trẻ lại đổ thừa cho văn hóa “thương cho roi cho vọt..”. Ở Việt Nam, hành lang pháp luật về bảo vệ trẻ em khá đầy đủ, vấn đề là thực hiện chưa tốt. Điều đáng buồn là vẫn còn rất nhiều người lớn kể cả người làm ông bà, cha mẹ, hay người trong ngành giáo dục, tư pháp vẫn tin rằng người lớn được phép đánh trẻ em, trong khi luật pháp nghiêm cấm. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền luật pháp về bảo vệ trẻ em cần được quan tâm củng cố. Luật pháp phải ngấm sâu vào đời sống xã hội mới là luật pháp toàn diện. Tôi đã từng hỏi một công dân Thụy Điển đã học và biết về luật bảo vệ trẻ em như thế nào. Chị ấy cho biết chị không học mà lớn lên với nó. Rằng: “Mỗi sáng, khi uống sữa, tôi thấy các quy định được ghi trên hộp sữa”. Nói thật, ta chưa có những chương trình cập nhật kiến thức pháp luật gia đình một cách hiệu quả.

Ông Đặng Hoa Nam: Tôi cho rằng nhận thức của người lớn về việc tôn trọng trẻ em, về quyền của trẻ em chưa tốt, chưa rõ. Khi nào quyền của các em còn chưa được người lớn nhận thức đầy đủ thì nạn bạo hành trẻ em còn tiếp diễn. Mặt khác, kỹ năng nuôi dạy không có bạo lực đối với trẻ chưa được cập nhật rộng rãi. Trẻ em cũng chưa được trang bị kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cũng như chưa nhận thức đầy đủ về những quyền của mình được pháp luật bảo hộ.

Hàng năm, Chính phủ chi khá nhiều tiền cho các chương trình bảo vệ trẻ em nhưng dường như không mấy hiệu quả, vậy còn thiếu điều gì?

Ông Đặng Hoa Nam: Theo tôi, cần tiếp tục bổ sung các quy định xử lý tội bạo hành, ngược đãi trẻ em cụ thể hơn nữa, làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan liên quan và có chế tài cụ thể hơn. Các biện pháp chế tài hiện nay mới chỉ can thiệp vào những vụ bạo hành nghiêm trọng, chưa đủ để xử lý những vụ ít nghiêm trọng hoặc đang ở dạng nguy cơ, mà công tác bảo vệ trẻ cần phải can thiệp từ sớm.Cùng với việc bổ sung quy định là việc rà soát, cải tiến lại hệ thống bảo vệ trẻ em. Đây là trách nhiệm công nhưng có thể khuyến khích các tổ chức xã hội, dịch vụ tư nhân tham gia dưới sự giám sát của Nhà nước. Các hoạt động, dịch vụ chăm sóc trẻ cũng cần phải được chú trọng từ khâu phòng ngừa chứ không chỉ tập trung giải quyết hậu quả.

Hiện tại, chúng ta đang thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội chuyên nghiệp. Việc chuyển đổi cơ cấu bộ máy bảo vệ chăm sóc trẻ em (sáp nhập Ủy ban Dân số bà mẹ và trẻ em vào Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em) cũng gây xáo trộn mạng lưới cũ, cần được tiếp tục hoàn thiện. Hiện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015. Nội dung đang được xem xét, điều chỉnh và dự kiến sẽ được phê duyệt trong quí 1-2011. Đây là điều kiện tốt để triển khai một hệ thống bảo vệ trẻ em tốt hơn ở Việt Nam.

Nhìn từ góc độ các tổ chức phi chính phủ, những kinh nghiệm nào có thể bổ sung những mặt còn thiếu trong công tác bảo vệ trẻ em ở Việt Nam?

Ông Trần Ban Hùng: Mạng lưới bảo vệ trẻ em ở địa phương cần có sự vào cuộc thực sự của cả ngành công an, y tế và các ban ngành khác. Tốt nhất, phải có cán bộ xã hội chuyên nghiệp chuyên trách, không phải một thứ công việc kiêm nhiệm. Cán bộ trong các ngành liên quan cần phải được nâng cao năng lực trong lĩnh vực làm việc với trẻ em. Ví dụ, công an cũng cần được tập huấn về cách điều tra phỏng vấn thân thiện để các em có thể bộc bạch thay vì việc tra khảo khiến các em bị hoảng loạn như đã xảy ra.

Hiện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có đường dây nóng (số 18001567) về bảo vệ trẻ em nhưng gần như không ai biết. Chỉ riêng việc tập trung phổ biến đường dây này, theo tôi, cũng đã có ý nghĩa quan trọng góp phần vào việc cải thiện nhận thức xã hội. Cần nối kết đường dây đó với mạng lưới cơ quan bảo vệ trẻ em ở địa phương và phối hợp xử lý với ngành công an, y tế, các ban ngành liên quan khác mỗi khi các em hoặc người dân lên tiếng.

Để giải quyết vấn nạn bạo hành trẻ em, theo tôi, cần thay đổi cả hệ thống bảo vệ trẻ em. Hiện Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang thực hiện thí điểm hệ thống bảo vệ trẻ em trên 15 tỉnh thành, hy vọng sẽ có những kết quả, sự rút tỉa kinh nghiệm để nhanh chóng thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Bà Nguyễn Vân Anh: Nhà nước cần cải tiến hệ thống bảo vệ trẻ em với đầy đủ luật định để khi trẻ gặp nguy hiểm thì người chúng kêu cứu đầu tiên phải là “nhà nước”! Rất nhiều đứa trẻ không có may mắn được sinh ra trong gia đình tốt, được học hành, được rèn luyện kỹ năng sống, chúng cần được bảo vệ. Điều đó cần đến lương tâm, trách nhiệm của người quản lý và cán bộ chuyên trách. Đối với trẻ em, đặc biệt là những em bị tổn thương, ta không bao giờ có quyền bận việc khác.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng là điều cần nói đến. Có nhiều cha mẹ là lao động của doanh nghiệp cần sự hỗ trợ để chăm sóc con cái tốt hơn. Là người sử dụng lao động, doanh nghiệp phải xem đó là trách nhiệm của mình. Cũng có nhiều doanh nghiệp trên thế giới không sử dụng những người lao động có hành vi đánh đập, ngược đãi trẻ em. Tôi mong ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam như thế. Trẻ em được bảo vệ từ những điều như thế.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi