Ngay sau khi ban hành Chỉ thị 01 về các giải pháp tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chiều 1/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã có buổi trao đổi với báo chí nhằm làm rõ một số nội dung của văn bản quan trọng này.
- Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị 01 về việc thực hiện giải pháp tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… Trong đó, khẳng định sẽ giữ tốc độ tăng tín dụng năm 2011 dưới 20%, giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất… Vậy thực tế việc cho vay của các Ngân hàng thương mại trong 2 tháng đầu năm đã diễn ra như thế nào thưa Thống đốc?
- Theo số liệu chưa đầy đủ thì tính đến ngày 25/2, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,27% so với cuối năm 2010. Trong đó, tăng tín dụng tiền đồng là 0,9%, tín dụng ngoại tệ là 11%. Sở dĩ số tăng ngoại tệ đạt cao như vậy là do điều chỉnh tỷ giá nên dư nợ (hạch toán theo tiền đồng) sẽ bị thay đổi khoảng 7,18%.
Tính đến cuối tháng 2, Ngân hàng Nhà nước ước tính tổng dư nợ tăng khoảng 3,4%. Đây không phải là mức tăng nhanh nhưng theo yêu cầu giảm tổng cầu của Chính phủ có thể cần điều chỉnh giảm hơn nữa cho phù hợp.
Về tín dụng đối với khu vực phi sản xuất, tính đến cuối tháng 2, tổng dư nợ cho khu vực này là 431.000 tỷ, chiếm 18,7% tổng dư nợ tín dụng. Chủ trương của Chính phủ là giảm dần tốc độ và tỷ trọng cho vay khu vực phi sản xuất. Tư tưởng của Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị 01 là đưa từ mức 18,7% về 16% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, do tăng trưởng tín dụng (dự kiến dưới 20%) nên số 16% này, về thực chất, vẫn ngang bằng với số tuyệt đối hiện nay. Điều này sẽ tránh gây sốc cho các thị trường quan trọng như bất động sản, chứng khoán…
Hiện nay, trong 42 tổ chức tín dụng trong cả nước thì có 18 tổ chức có cơ cấu dư nợ phi sản xuất từ 25% trở xuống. Còn lại 24 tổ chức tín dụng có tỷ kệ này cao hơn. Khi chỉ thị này ban hành, các tổ chức này có thể sẽ khó khăn một chút. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã tính đến điều này và đặt ra lộ trình giảm làm 2 bước: từ nay đến tháng 6 và từ tháng 6 đến cuối năm.
- Thống đốc từng cho biết sẽ đảm bảo tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán năm nay khoảng 15%-16%. Tuy nhiên, trong dịp Tết vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra lưu thông lượng tiền lên tới 132.000 tỷ đồng. Số tiền này bây giờ ra sao?
- Ngay từ cuối tháng 10 năm ngoái, tôi đã yêu cầu các vụ chức năng tính toán và lựa chọn kịch bản để đảm bảo cung ứng đủ tiền tệ cho dip Tết. Đúng là lượng cung tiền trong giai đoạn này đã đạt kỷ lục, 132.000 tỷ để đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa và phục vụ nhân dân ăn Tết. Tuy nhiên, toàn bộ lượng tiền này đã được tính toán và thu về ngân hàng trung ương ngay sau Tết.
Tính đến hết tháng 2, lượng tiền đưa ra trong Tết đọng lại trong nền kinh tế còn khoảng 27.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là lượng tiền để phục vụ hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước và phù hợp với kế hoạch cung ứng tiền tệ 2 tháng đầu năm.
- Thời gian qua, một số chuyên gia cho rằng để tác động vào tổng cầu, thu tiền về ngân hàng trung ương, có thể thực hiện nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng. Ông nghĩ sao về đề xuất này?
- Điều hành chính sách tiền tệ có nhiều công cụ như sử dụng lãi suất, tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở, tỷ lệ dự trữ bắt buộc… Chọn lựa giải pháp nào là tùy thuộc vào tình hình cụ thể. Ví dụ như trong điều kiện thanh khoản ngoại tệ đang cân bằng hoặc thiếu hụt một chút mà nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì chỉ có đổ thêm dầu vào lửa. Do đó, chỉ có ngân hàng trung ương mới biết được và có quyền lựa chọn giải pháp nào là phù hợp.
Trong những năm gần đây, ngoại trừ 2007 thanh khoản trên hệ thống ngân hàng lúc nào cũng thừa. Tôi còn nhớ khi mới về làm Thống đốc, phát hành 20.000 tỷ đồng tín phiếu ngân hàng thì chỉ một ngày là xong. Là bởi vì khi đó chúng ra có nguồn vốn gián tiếp (FII) vào rất mạnh.
Nhưng từ đó đến này thì thanh khoản hệ thống toàn cân bằng và thiếu. Thành ra bàn đến việc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào thời điểm này (theo một số ý kiến có thể lên đến 20%) là điều không tưởng. Chỉ riêng việc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với ngoại tệ thì có thể xem xét khi nào thanh khoản hệ thống khá hơn.
- Cũng tại Chỉ thị 01, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ chuyển dần quan hệ cho vay ngoại tệ tại tổ chức tín dụng sang quan hệ mua - bán. Cụ thể việc này sẽ như thế nào thưa Thống đốc?
- Pháp lệnh ngoại hối có hiệu lực từ năm 2006 và Quyết định 09/2008 cho phép tổ chức tín dụng cho vay bằng ngoại tệ đã phát huy nhiều hiệu quả trong giai đoạn trước vì có nhiều điểm mở. Quy định mở như vậy có tác dụng tích cực nhằm thu hút ngoại lực (FDI, FII, kiều hối…) vào thời kỳ đó. Tuy nhiên, khi ngoại lực này đủ lớn thì nó tác động ngược trở lại.
Trước thực tế đó, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu để sửa đổi các quy định nói trên theo hướng chuyển dần quan hệ vay mượn ngoại tệ tại tổ chức tín dụng sang mua bán đối với các đối tượng vay không tái tạo được ngoại tệ. Còn với các đối tượng vay có thể tái tạo được ngoại tệ, hoạt động tín dụng vẫn được xem xét.
Tuy nhiên, cái cơ bản để giải quyết vấn đề này là cơ cấu kinh tế. Phải làm sao đẩy mạnh được xuất khẩu, sao cho Việt Nam có được nguồn ngoại tệ dồi dào, giống như Trung Quốc, thì cung lúc nào cũng sẽ lớn hơn cầu. Thị trường khi đó sẽ trở nên quy củ. Còn thị trường vẫn đang như thế này thì vẫn cần những chính sách để điều chỉnh.
- Tại Nghị quyết số 11 ban hành cuối tháng 2 vừa qua, Chính phủ có yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng và báo cáo đề án quản lý hoạt động kinh doanh vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Việc này đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện như thế nào?
- Đây là một chính sách lớn, tác động đến đời sống tâm lý của nhân dân. Chính phủ yêu cầu trình trong quý II/2011 nhưng đến nay, chúng tôi đã dự thảo nghị định này rồi. Việc xây dựng quy định mới là cần thiết bởi với điều kiện lịch sử, thói quen của người dân và việc phát triển thị trường vàng những năm qua thì khung pháp lý trước đây không còn phù hợp.
Cũng có ý kiến cho rằng việc tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng tự do sẽ gây khó cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần hình dung là làm việc gì cũng cần một lộ trình để không gây bất lợi cho nền kinh tế, kể cả quyết lợi cho người dân. Không nên nghĩ là việc xóa bỏ sẽ tạo nhiều biến tướng hay chợ đen… mà nên hình dung việc này như một sự giải phóng năng lực sản xuất, giúp nguồn lực được sử dụng hợp lý, tạo ra của cải cho xã hội.
Thứ hai là một quốc gia không thể có nhiều phương tiện thanh toán. Mà vàng hiện nay đã được nhiều người dân sử dụng để thanh toán, đặc biệt là ở đô thị. Hiện tượng này cần phải được chấm dứt. Đương nhiên, bất cứ một quy định mới nào ra đời thì cũng cần có thời gian để điều chỉnh. Ngân hàng Nhà nước cũng đã tính tới điều này và sẽ xây dựng phương án cụ thể trong nghị định trình lên Chính phủ sắp tới.
(VnExpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com