Năm 2011, công tác bình ổn giá được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hỗ trợ có hạn, giá hầu hết các nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, để bình ổn giá, cách tốt nhất là để các doanh nghiệp tự cạnh tranh sòng phẳng.
- Thưa ông, năm 2011, Hà Nội dự kiến dành nguồn kinh phí 500 tỷ đồng cho công tác bình ổn giá, nhiều hơn năm ngoái 100 tỷ đồng. Ông nhận định thế nào về việc này?
- Ông Vũ Vinh Phú: Theo tôi, 400 tỷ đồng hay 500 tỷ đồng cũng chỉ là muối bỏ bể. Hà Nội tiêu dùng mỗi tháng 5.000 tỷ đồng thì 500 tỷ đồng mới được 10% nhu cầu tiêu dùng của toàn thành phố. 90% còn lại phụ thuộc vào thị trường tự do nên khó kiểm soát được giá cả. Năm 2010, một số đại biểu Quốc hội đã có ý kiến về việc thực hiện bình ổn giá đã tạo ra chính sách 2 giá, ưu đãi cho người giàu mua hàng trong siêu thị. Còn ở các vùng nông thôn, vài tháng doanh nghiệp mới đưa hàng về l lần chẳng giải quyết được gì. Cách làm đó gọi là “thương mại một mùa”.
- Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá làm công tác bình ổn giá tốt hơn Hà Nội. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
- Tôi cho rằng quản lý Nhà nước của thành phố Hồ Chí Minh tốt hơn, mạng lưới bán lẻ rộng khắp hơn. Bên cạnh đó, thương nhân của họ năng động hơn nên chỉ số giá tiêu dùng của thành phố Hồ Chí Minh luôn thấp hơn Hà Nội.
- Một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội chưa mặn mà lắm với công tác bình ổn giá?
- Doanh nghiệp mà ngại vất vả, chỉ ham lợi nhuận cao đơn thuần thì bình ổn giá rất khó. Làm thương mại nội địa phải lặn lội, chịu khó đến các địa phương tìm hiểu nguồn hàng, ký kết hợp đồng… Giờ không có nhiều người làm thương mại theo cách đó.
- Thành phố Hồ Chí Minh có phương án tăng cường kiểm tra giá cả tại các chợ, các điểm bán lẻ. Hà Nội có áp dụng phương pháp này không, thưa ông?
- Đây là việc làm khó vì giá cả ở chợ chưa được niêm yết nhiều. Mớ rau buổi sáng còn tươi bán giá khác, 10h trưa giá đã khác. Khó có lực lượng nào có thể đứng kiểm tra từ sáng tới trưa. Việc quan trọng là khơi thông nguồn cung hàng, nguồn hàng hóa dồi dào thì biến động giá sẽ giảm đi.
- Hà Nội đang có kế hoạch thực hiện bình ổn giá quanh năm, biện pháp này liệu có phát huy tác dụng?
- Ý tưởng như vậy là rất tốt. Nhưng bình ổn giá bằng biện pháp hành chính, không có nguồn hàng cung cấp cho thị trường thì cũng không mang lại hiệu quả. Năm 2010, giá nhiều mặt hàng trong siêu thị thấp hơn thị trường bên ngoài nên xảy ra tình trạng tư thương bên ngoài tranh thủ “ôm hàng”. Một số siêu thị bình ổn giá đã phải đối phó bằng cách buổi chiều mới dám mang hàng ra bán. Bình ổn giá suốt năm cần lưu tâm đến yếu tố này.
- Làm sao để doanh nghiệp mặn mà hơn với công tác bình ổn giá?
- Tôi cho rằng cứ nên để họ cạnh tranh bình thường, sòng phẳng. Giá đầu vào của mỗi doanh nghiệp khác nhau thì đầu ra cũng phải khác nhau, không thể áp đặt mức giá bình ổn là bao nhiêu được. Để họ tự do cạnh tranh, chỗ nào rẻ người tiêu dùng tự tìm đến và siêu thị chiết khấu 3% hay 5% giá trị hàng hoá bình ổn ngay trên hoá đơn của người mua hàng, rồi đem hoá đơn này thanh toán với cơ quan quản lý. Doanh nghiệp nào bán được nhiều hàng thì được hỗ trợ bình ổn nhiều. Rất công bằng, minh bạch đối với cả người bán và người mua. Mặt khác, đó cũng là cách doanh nghiệp tự thu hút khách hàng thân thiết cho mình. Cứ làm như những năm vừa rồi, giao tiền cho doanh nghiệp xong quyết toán cho rõ ràng doanh nghiệp đã thực hiện bình ổn được bao nhiêu, người tiêu dùng được hưởng bao nhiêu đâu có dễ dàng.
- Xin cảm ơn ông!
(Báo An ninh thủ đô)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com