Biến đổi khí hậu làm cho các thiên tai như bão, lũ, mưa lớn, hạn hán, triều cường… trở nên ác liệt hơn và có thể trở thành thảm họa, gây rủi ro lớn cho phát triển kinh tế, xã hội.
![]() |
Ông Trương Đức Trí - Ảnh Chinhphu.vn |
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được nhận thức là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. BĐKH sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường, đặc biệt là đối với Việt Nam là một trong 5 nước được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. "Hành động thiết thực ứng phó với biến đổi khí hậu " là chủ đề của cuộc tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, với sự tham gia của một số chuyên gia thuộc các Bộ, ngành liên quan.
Biểu hiện ngày càng rõ
Theo Thạc sĩ Trương Đức Trí, Thư ký Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Trưởng phòng Kế hoạch Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường, một minh chứng tiêu biểu về những diễn biến phức tạp của BĐKH là sự thay đổi quỹ đạo một cách lạ thường của một số cơn bão ảnh hưởng đến nước ta trong năm vừa qua đã khiến cho việc dự báo và cảnh báo của Việt Nam nói riêng và các Trung tâm dự báo trên thế giới nói chung gặp rất nhiều khó khăn.
Ví dụ điển hình nhất là bão số 10 năm 2009 (tên quốc tế là PARMA). Đây là một trong những cơn bão có quỹ đạo phức tạp nhất trong những năm gần đây và cũng là một trong những cơn bão có thời gian tồn tại dài kỷ lục (16 ngày). Bão số 10 di chuyển theo một quỹ đạo hết sức phức tạp, tạo thành dạng thắt nút đến 3 lần ở phần phía Bắc của đảo Luzon (Philippines).
Ông Trí cho biết một dự báo là vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 2,3 độ C, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm, mực nước biển có thể dâng khoảng từ 75cm đến 1m so với trung bình thời kỳ 1980-1999.
Về “dấu vết” của BĐKH, Tiến sĩ Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra nhận xét, chưa bao giờ ở Việt Nam lại xảy ra thiên tai nắng nóng, thiếu mưa, thiếu nước nghiêm trọng như những tháng đầu năm 2010.
Bà Châu dẫn chứng, nắng nóng đã xảy ra sớm ngay từ tháng 2, và nhiều đợt, đặc biệt 2 đợt nắng nóng gay gắt, trên diện rộng (cả Bắc Bộ và Trung Bộ) và kéo dài chưa từng thấy trong lịch sử tới 10-12 ngày (đợt từ 8-20/6 và đợt từ 2-12/7).
Trong ngày 19/6, nhiệt độ tại Hà Nội là 40,4 độ C, Hòa Bình 41,8 độ C, Tĩnh Gia, Quỳ Hợp, Con Cuông đều 42 độ C …. đều chưa từng thấy!
![]() |
Bà Nguyễn Lan Châu - Ảnh Chinhphu.vn |
Trong các tháng mùa khô cuối năm 2009 và đầu năm 2010, nhiều sông trên toàn quốc, đã bị cạn kiệt nghiêm trọng. Dòng chảy trên nhiều sông từ thượng lưu tới hạ lưu ở Bắc Bộ và Trung Bộ đã xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử.
“Các hình thế thời tiết gây mưa lũ đều xuất hiện rất muộn”, bà Châu nói. Bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm và đến 13/7 mới có 1 cơn bão xuất hiện ở Biển Đông (bão CONSON). Gió mùa tây nam trên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm với mức độ chưa mạnh mẽ.
Tác động không lường hết
Ông Trương Đức Trí bày tỏ, BĐKH làm cho các thiên tai như bão, lũ, mưa lớn, hạn hán, triều cường,… trở nên ác liệt hơn và có thể trở thành thảm họa, gây rủi ro lớn cho phát triển kinh tế, xã hội hoặc xoá đi những thành quả nhiều năm của sự phát triển, trong đó có những thành quả thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
Ông Trí cho rằng, hiện nay chúng ta chưa đánh giá đầy đủ và chưa lượng hóa được các thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường do các tác động của BĐKH, song có thể khẳng định rằng BĐKH tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, đây là những lĩnh vực có lực lượng lao động chiếm số đông ở nước ta.
Theo đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH và nước biển dâng.
Theo một kịch bản dự báo, nếu nước biển dâng cao từ 75cm đến 1m thì khoảng từ 20% đến 38% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập. Đây là hai vựa lúa của Việt Nam, đang cung cấp lương thực cho 86 triệu dân Việt Nam và hàng trăm triệu dân trên thế giới.
![]() |
Ông Đỗ Mộng Hùng - Ảnh Chinhphu.vn |
Nhìn nhận vấn đề tác động của BĐKH trong một lĩnh vực cụ thể, ông Đỗ Mộng Hùng, Trưởng Ban kỹ thuật sản xuất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói: “Điều mà tất cả mọi người đã thấy rõ trong mùa khô năm 2010 là tình trạng thiên tai hạn hán nghiêm trọng kéo dài đã làm giảm năng lực sản xuất điện do các nhà máy thuỷ điện thiếu nước”.
Tổng lượng nước về các hồ thủy điện 6 tháng đầu năm 2010 chỉ bằng 63% (hụt 9,3 tỷ m3) so với trung bình nhiều năm và bằng 57% so với năm 2009, các hồ thủy điện mới vào vận hành (Bản Vẽ, Cửa Đạt, v.v...) hầu hết không đủ nước khiến sản lượng thủy điện giảm mạnh.
Khác với thông lệ, năm nay mùa mưa Nam bộ đến muộn hơn rất nhiều (cuối tháng 5) so với quy luật (thường cuối tháng 4) và chủ yếu mưa ở vùng hạ du, nắng nóng diện rộng điễn ra trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam trong tháng 5. Sang tháng 6, đầu tháng 7, nắng nóng kéo dài và khô hạn khốc liệt tại bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ càng làm tình hình thiếu nước cho sản xuất điện thêm nghiêm trọng.
Thông thường đến tháng 7 hàng năm, tình hình cung ứng điện hết căng thẳng do đã chính thức bước vào mùa lũ ở miền Bắc và miền Nam cũng có nước về các hồ. Tuy nhiên, thực tế đầu tháng 7 năm nay cả Bắc bộ và Trung bộ vẫn phải hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt, dài ngày, nước về các hồ thủy điện miền Nam, miền Trung, nước về hồ Hòa Bình, Tuyên Quang suy giảm mạnh, khiến nhiều hồ đã về mực nước chết.
Các chuyên gia, nhà quản lý cùng nhận định, ảnh hưởng của BĐKH đã rõ ràng và ứng phó với BĐKH cần phải có những đầu tư thích đáng và nỗ lực của toàn xã hội.
(Theo Minh Huệ // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com