Việc tái cấu trúc DNNN đã được thực hiện từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, tiến trình tái cấu trúc vẫn rất chậm, thậm chí nhiều nơi còn tỏ ra lúng túng. Điều này được các chuyên gia kinh tế và DN - ông Trần Du Lịch - Ủy viên UB Kinh tế của Quốc hội, LS Trần Hữu Huỳnh – Phó tổng Thư ký VCCI và ông Lê Tiến Trường – Phó TGĐ Thường trực Tập đoàn Dệt may Vinatex lý giải: do chưa tìm ra mục tiêu thật sự của tái cấu trúc DNNN.
Theo báo cáo của ban Đổi mới và phát triển DNNN trung ương, tính đến hết năm 2010, cả nước có hơn 90 tập đoàn, TCty nhà nước. Tổng vốn đầu tư của nhà nước đối với các DN này là 492.579 tỉ đồng. Tuy nhiên, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt 13,1%/năm, chưa bằng lãi suất vay ngân hàng trung bình, cùng kỳ. Theo thống kê hàng năm, có khoảng 12% DNNN lỗ trong sản xuất kinh doanh, trong khi khu vực DN nói chung là 25%. Tuy nhiên, dự thảo lưu ý, mức lỗ bình quân của một DNNN cao gấp 12 lần so với DN ngoài nhà nước. Không ít DNNN có mức lỗ đặc biệt cao như Tập đoàn Điện lực năm 2010 lỗ 8.500 tỉ đồng chưa kể lỗ lũy kế từ các năm trước. Kết quả kiểm toán năm 2009 cho thấy, TCty Bưu chính lỗ 1.026 tỉ đồng; TCty Lắp máy lỗ 103 tỉ đồng; TCty Xây dựng Sông Hồng lỗ 20 tỉ đồng (lũy kế là 121 tỉ đồng)...
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 1/11/2010 cũng khẳng định, nợ của 81/91 tập đoàn, TCty nhà nước (chưa tính nợ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN - Vinashin) là 813.435 tỉ đồng. Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86 nghìn tỉ đồng, thì nợ của khu vực DNNN đến cuối năm 2009 (không kể 9 tập đoàn, TCty nhà nước chưa có số liệu) đã lên tới 54,2% GDP năm 2009.
- Đây quả là các con số không mong muốn. Vậy quan điểm của các ông về những con số này nói lên điều gì ?
Ông Trần Du Lịch:
Ông Trần Du Lịch - Ủy viên UB Kinh tế của Quốc hội: “Cần tách bạch nhiệm vụ kinh doanh và công ích. Nhà nước phải có cơ chế quản lý vốn nhà nước thật rõ ràng”. |
Theo tôi được biết, thực tế, con số vốn chủ sở hữu còn lớn hơn nhiều. Rõ ràng tỉ suất lợi nhuận như vậy là chưa hợp lí. Tuy nhiên, nhà nước không lập ra DNNN để kiếm tiền. Thực tế, nhà nước không lấy một xu lợi nhuận nào từ các DNNN. Vậy thì mục tiêu của DNNN là gì? Câu hỏi này theo tôi là cần phải xem xét và làm rõ lại.
Ông Trần Hữu Huỳnh:
Nhà nước đang đặt ra quá nhiều mục tiêu đối với DNNN.
Đầu tiên phải nói tới mục tiêu của khu vực này là công cụ chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ kinh tế. DNNN được coi là khu vực chủ đạo của nền kinh tế.
Tiếp đến, nhà nước coi DNNN là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế. DNNN cũng được coi như tấm gương áp dụng khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật. Đồng thời, DNNN còn có vai trò mở đường cho các khu vực kinh tế khác. Cuối cùng là vai trò lan tỏa của DNNN, khu vực này được coi như nguồn năng lượng chủ yếu, công cụ chủ yếu để điều tiết, điều hòa và tạo chân rết cho các khu vực DN khác hoạt động.
Do được đặt quá nhiều mục tiêu, nên không mục tiêu nào được DNNN làm tốt cả. Tôi đồng tình với ông Trần Du Lịch, nhà nước phải xác định lại việc lập ra DNNN để làm gì?
- Vậy ngoài việc xác định lại mục tiêu của DNNN, theo các ông, tái cấu trúc DNNN phải bắt đầu từ đâu ?
Ông Trần Du Lịch:
Trước tiên, phải đặt đúng mục đích, vai trò của DNNN trong kinh tế thị trường. Khuyết tật lớn nhất của kinh tế thị trường là khu vực kinh tế tư nhân bao giờ cũng đặt mục tiêu lợi nhuận nên hàng đầu. Đối với hầu hết các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, DNNN sẽ khắc phục khiếm khuyết này. Ví dụ đối với những lĩnh vực lợi nhuận thấp hoặc hầu như không có, DN tư nhân sẽ không muốn làm thì DNNN phải làm. Hoặc DNNN mở đường cho một số lĩnh vực, DN dân doanh không dám hoặc không thể làm được.
Từ những mục tiêu cơ bản này, chúng ta cần tính toán lại, thoái vốn chỗ này, đầu tư chỗ kia. Chỗ nào thị trường đã làm được thì để họ làm.
- Tuy vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tiên là phải tách bộ chủ quản. Đây là cơ sở để tránh cơ chế xin – cho. Các ông đánh giá thế nào về quan điểm này ?
Ông Trần Hữu Huỳnh:
LS Trần Hữu Huỳnh - Phó Tổng thư ký VCCI : “Hiếm có quốc gia nào nhà nước lại tham gia quá nhiều lĩnh vực như VN. Chúng ta cần rút dần danh mục nhà nước đầu tư”. |
Đúng là khi DNNN còn bộ chủ quản thì cơ chế xin - cho vẫn hiển hiện rất rõ. Nhưng quan trọng hơn là có sự nhập nhằng và không chuyên nghiệp. Khi cơ quan quản lý nhà nước đóng hai vai vừa là nhà quản lý vừa là nhà đầu tư thì chắc chắn sẽ dẫn đến xung đột lợi ích. Các chính sách nhà nước sẽ hướng tới bảo vệ quyền lợi của chính nhà đầu tư.
Ông Lê Tiến Trường:
Nếu nói đến cơ chế xin – cho, nhìn ở góc độ các DN, chúng tôi vẫn thường gặp phải. DN có thoát được cơ chế xin – cho đối với bộ chủ quản thì lại vướng vào một cơ chế xin – cho khác đối với các địa phương. Bên cạnh việc tách chủ quản ra khỏi DNNN để đảm bảo kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, Nhà nước cũng cần có một quy hoạch tổng thể và mạnh mẽ hơn đối với việc phát triển kinh tế và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tại các địa phương.
Thay vì việc không thể cạnh tranh được với các DNNN về mặt bằng và điều kiện cơ sở hạ tầng tại thành thị, DN các khu vực khác phải chuyển hướng về các địa phương, về khu vực nông thôn. Tuy nhiên, không ít địa phương vẫn để đất trống hoặc hiệu quả sinh lời rất thấp. Nhiều địa phương vẫn để đất chờ các dự án bất động sản, khu sinh thái mà không tạo điều kiện phát triển công nghiệp. Lợi ích từ phát triển công nghiệp là lợi ích mang tính bền vững. Ví du, mỗi ha đất đầu tư cho DN dệt may có thể thu hút khoảng 1.000 lao động với thu nhập tối thiểu ở mức 1.500 – 2.000 USD/năm. Hậu quả của cơ chế xin – cho và sự thiếu quy hoạch phát triển đang làm lãng phí và tổn hạn rất lớn cho nền kinh tế.
- Nhưng rất nhiều DNNN ngoài việc phải sản xuất kinh doanh đem về lợi nhuận còn phải thực hiện cả nhiệm vụ công ích. Hạch toán lỗ lãi đối với các DNNN này là rất khó khăn ?
Ông Trần Hữu Huỳnh:
Nếu cùng một lúc vừa phải sản xuất kinh doanh thu lợi nhuận vừa phải làm nhiệm vụ công ích là không chuyên nghiệp. Chắc chắn sẽ có chuyện DN vin vào mục đích phi lợi nhuận để biện hộ cho sự làm ăn kém hiệu quả của mình. Việc sổ sách tính toán nghĩa vụ bị pha trộn là điều khó tránh khỏi.
Ông Trần Du Lịch:
Cần tách bạch nhiệm vụ kinh doanh và công ích. Nhà nước phải có cơ chế quản lý vốn nhà nước thật rõ ràng. Cùng với đó là cơ chế quản lý đầu tư công. Từ quan điểm định vị lại chúng ta muốn gì, làm gì cần phải rõ ràng. Còn về vấn đề lợi ích, chưa nói tới lợi ích nhóm mà phải giải quyết cho được vấn đề lợi ích bộ ngành. Từ một chiến lược tổng thể, chúng ta sẽ có chiến lược đầu tư đúng đắn. Theo tôi phải xây dựng một đạo luật về vấn đề đầu tư công. Trong đó có cả đầu tư vào khu vực DNNN và đầu tư vào các mục đích khác nhau.
- Theo các ông, nếu tiến trình tái cấu trúc DNNN cứ chậm trễ như hiện nay thì hậu quả gì sẽ xảy ra ?
Ông Trần Hữu Huỳnh:
Ông Lê Tiến Trường – Phó TGĐ Thường trực Vinatex: “DN nói chung và DNNN nói riêng có thoát được cơ chế xin – cho đối với bộ chủ quản thì lại vướng vào một cơ chế xin – cho khác đối với các địa phương”. |
Nhìn vào các thành phần kinh tế có thể đánh giá qua khả năng cạnh tranh. DNNN giữ vai trò nòng cốt (thành phần DNNN là chủ đạo) mà khả năng cạnh tranh yếu như hiện nay là có sự bất ổn. Khu vực kinh tế nhà nước mà cạnh tranh kém cũng kéo các khu vực còn lại cạnh tranh kém theo. Khi cả ba khu vực đều yếu thì khả năng cạnh tranh của quốc gia cũng yếu.
Cuối cùng chúng ta sẽ loay hoay mãi ở thu nhập trung bình. Đây là nguy cơ rất dễ nhận ra.
Ông Trần Du Lịch:
Chúng ta đã sắp xếp đổi mới DNNN mấy chục năm rồi, từ giao khoán, bán, cho thuê... Tôi cũng là người từng trực tiếp tham gia thực hiện chủ trương này hàng chục năm. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ làm thế này thì không giải quyết được vấn đề. Chúng ta đang vướng vào một mớ hỗn độn cổ phần hóa hiện nay.
DNNN thua lỗ nhiều, nợ của 81/91 tập đoàn, TCty nhà nước (chưa tính nợ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN - Vinashin) là 813.435 tỉ đồng. Chính vì vậy, chúng ta vướng phải nguy cơ tái cấu trúc theo kiểu san lỗ chỗ này ra chỗ khác, dẫn đến lỗ lây lan.
- Như vậy, theo ý các ông, chúng ta có cách làm mới cho quá trình tái cơ cấu DNNN ?
Ông Trần Du Lịch:
Từ quan điểm đánh giá lại mục tiêu và hiệu quả DNNN, chúng ta phải xem xét lại quan hệ giữa quản trị và chủ sở hữu. Phải đặt lại mục tiêu dài hơi và cũng không thể “dùng một loại lưới bắt tất các loại cá”. Ví dụ, không nên đặt mục tiêu lợi nhuận DNNN phải năm sau cao hơn năm trước. DN dân doanh hoặc DN FDI có thể chấp nhận lỗ 2 -3 năm để sắp xếp định hướng lại cho một mục tiêu khác, mặt hàng khác... Khó có DN nào có thể đổi mới công nghệ, cơ cấu lại sản xuất kinh doanh mà lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước.
Nếu lĩnh vực nào thị trường làm được thì nên để thị trường tự lo. Chúng ta chỉ nên đầu tư tập trung vào một vài lĩnh vực thì mới có thể đột phá được.
Tôi lấy ví dụ Vinashin đóng tàu phải đặt mục tiêu 5 hay 10 năm nữa bằng ai? Dệt may mục tiêu là gì? Hay làm gì để viễn thông của chúng ta không còn là quốc gia gia công, dựa vào nước ngoài, như hiện nay...
Chúng ta cần mạnh dạn đầu tư cho một chiến lược mang tính tổng thể của cả nền kinh tế và khu vực DNNN. Chúng ta cần có kế hoạch dài hơi. Nên có cơ quan cấp bộ về vấn đề này. Tất cả các vấn đề như vai trò DNNN, nguồn vốn, nguồn nhân lực, sản phẩm, thị trường... đều cần phải có hướng giải quyết cụ thể.
Ông Trần Hữu Huỳnh:
Hiếm có quốc gia nào nhà nước lại tham gia quá nhiều lĩnh vực như VN. Chúng ta cần rút dần danh mục nhà nước đầu tư. Việc cổ phần hóa cần làm mạnh mẽ hơn nữa. Qua đó, nhà nước tập trung được những nguồn lực mạnh mẽ vào một số ít lĩnh vực.
Ông Lê Tiến Trường:
Tôi đồng tình với quan điểm nếu thị trường làm được thì nên để thị trường làm. Nhà nước hãy tập trung vào những việc mà thị trường chưa làm được.
Chúng tôi là tập đoàn kinh tế đầu tiên cổ phần hóa cả Cty mẹ. Thủ tướng cho phép chúng tôi cổ phần hóa Cty mẹ vào 1/1/2012. Mặc dù, trong đó nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối nhưng chúng tôi đang kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài. Với mô hình quản lý đa sở hữu, thể chế quản trị của chúng tôi sẽ ngày càng minh bạch hơn, ngày càng thị trường hơn. Vốn nhà nước cũng từ đó mà được khai thác hiệu quả hơn.
- Xin cảm ơn các ông !
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com