Ngày 8-7, Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về việc thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), đặc biệt là những vướng mắc và giải pháp tháo gỡ để CCTTHC không còn là “điểm ngẽn” đối với lĩnh vực đất đai, xây dựng.
Văn bản “đá” nhau
![]() |
Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội Vũ Văn Hậu cho hay, hồ sơ đất đai rất phức tạp, các chủ đầu tư thường không có đủ trong lần nộp đầu tiên. Tuy nhiên, “nếu các quận huyện có gì phàn nàn về vấn đề này thì có thể điện thoại thẳng đến Sở để sở trực tiếp giải quyết và chịu trách nhiệm”, ông Hậu nói.
Về phần đăng ký biến động, đăng ký thế chấp hiện nay, giữa các cơ quan tư pháp, xây dựng và tài nguyên –môi trường còn có nhiều quan điểm khác nhau, văn bản hướng dẫn thì chồng chéo. Nhiều quy định của văn bản cũng không rõ ràng khiến chính cán bộ nhiều khi không biết trả lời dân thế nào hoặc áp dụng ra sao.
Thí dụ, quy định đền bù theo “giá thị trường trong điều kiện bình thường...”, rất mù mờ khái niệm. Thí dụ, đất nông nghiệp ở Ba Vì có lúc được đẩy lên mức 180 triệu đồng/sào, khi Nhà nước thu hồi đất thì người dân muốn được hưởng theo đúng “giá thị trường” đó. Như vậy rõ ràng là nhiều quy định về đền bù đất đai của chúng ta còn chưa chặt chẽ.
Ông Nguyễn Văn Thuận - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phân tích, theo Hiến pháp, đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước giao cho dân sử dụng. Nhưng hiện nay, Nhà nước giao cho dân xong đến lúc thu hồi lại phải bỏ tiền ra như là mua của dân. “Liệu có nên giữ lại quy định đền bù cho dân theo giá thị trường hay không? Và nếu chúng ta quy định như thế này có mâu thuẫn giữa chế độ sở hữu đất đai với quản lý nhà nước”. Đây thực sự là một câu hỏi khó vì rõ ràng, Nhà nước đền bù cho dân để người dân không bị thiệt nhưng không có nghĩa là cứ phải bỏ tiền ra để hỗ trợ đền bù với mức giá “trên trời”.
Thủ tục CCHC - có phải chỉ “khều” là có?
Một vấn đề mà nhiều đại biểu Đoàn giám sát quan tâm chính là việc giao cho Văn phòng đăng ký đất đai làm thủ tục cấp giấy chứng nhận về đất đai liệu có gặp vướng mắc, khó khăn gì hay không. Ông Vũ Văn Hậu cho biết, rõ ràng quy định đó đã khiến hoạt động giữa văn phòng đăng ký đất đai và bộ phận một cửa chồng chéo. Hiện nay, không riêng gì Hà Nội mà trên địa bàn cả nước chưa nơi nào có hồ sơ địa chính hoàn chỉnh do đó cơ quan nhà nước chưa thể thực hiện đúng chức năng quản lý của mình.
Nhiều TTHC đối với lĩnh vực đất đai còn kéo dài, gây khó khăn cho người đi làm thủ tục. Ví dụ như theo quy định tại Nghị định 69 của Chính phủ, hồ sơ ban đầu của các doanh nghiệp thường phải trình lên cấp thành phố, rồi mới quay ngược lại địa bàn là không hợp lý.
![]() |
Đại diện cho quyền lợi của các doanh nghiệp, đại biểu Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nhiều doanh nghiệp chưa biết một cách đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án và khi biết thì dự án đã có chủ đầu tư rồi. Các doanh nghiệp phải làm quá nhiều TTHC về đất đai và nếu cứ “căn” mà làm đầy đủ thì dù có hướng dẫn cũng rất khó khăn. Nhiều hồ sơ trùng lắp, không cần thiết.
Ông Túc cho rằng: “Nếu giảm được một số thủ tục hành chính thì đầu tư vào Hà Nội sẽ hiệu quả hơn. Thủ tục hành chính cần có sự minh bạch, rõ ràng hơn”. Theo các báo cáo, Hà Nội đã giảm khoảng 50% thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, nhưng tỷ lệ đầu tư vào Hà Nội vẫn thấp hơn so với các địa phương khác. Phản đối quan điểm của đại diện VCCI, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội khẳng định, mọi TTHC đều được công bố công khai chỉ cần “khều” ra là có ngay, tại sao doanh nghiệp cứ kêu là khó tiếp cận.(!)
Về vấn đề chi phí ngoài luồng, Giám đốc Sở Tài nguyên-môi trường Hà Nội thừa nhận là “khó kiểm soát” khi cho biết, có những đơn vị tư vấn ký hợp đồng một kiểu, nhưng cầm tiền “thêm” ở bên ngoài để làm nhanh hơn, vì “có quan hệ với bên trên”.
Thêm giấy tờ vào hồ sơ để tiện ...giải quyết tranh chấp sau này!
Theo ông Nguyễn Văn Thuận, nhiều vấn đề về TTHC trong lĩnh vực cần xây dựng cần được xem xét, thí dụ như quyết định đình chỉ thi công thường không ghi rõ thời hạn. Bộ xây dựng trong quyết định số 34 ghi rõ, đối với nhà liền kề cần cải tạo thì diện tích tối thiểu là 25 m2 nhưng Hà Nội lại quy định không cấp giấy phép xây dựng cho những căn hộ liền kề dưới 15m2. Như vậy thì nên áp theo quy định của bên nào và đây cũng là điểm mấu chốt là “sản sinh” ra các những ngôi nhà siêu mỏng tại thủ đô.
Và liệu thủ tục hành chính có phải quy định ra để “chắc ăn” nhưng lại làm phát sinh khiếu nại. “Chúng ta bắt chính quyền địa phương xác nhận là đất không có tranh chấp mới cấp giấy phép xây dựng. Nhưng khi một bên “chạy” được chính quyền địa phương, xin được xác nhận thì lúc đó chính quyền địa phương lại phải giải quyết hậu quả tranh chấp xảy ra nếu có.”, ông Thuận nói.
Thêm vào đó, các hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng còn nhiều hơn số giấy quy định trong Luật. Lý giải về thực trạng này, ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội cho rằng, tuỳ từng đặc thù của mỗi công trình và của từng địa phương mà hồ sơ xin cấp có thêm những giấy tờ không bắt buộc như ảnh hiện trạng công trình hộ liền kề, hợp đồng phá dỡ.... “Các giấy tờ này tiện cho cơ quan nhà nước giải quyết tranh chấp phát sinh sau này nếu có”, ông Thọ cho biết.
Phản bác lại lý giải này, ông Nguyễn Minh Mẫn thuộc Đoàn giám sát cho rằng, pháp luật quy định một đằng còn các địa phương cứ áp dụng kiểu khác thì rất khó. “Cho dù đó là các giấy tờ không bắt buộc có trong hồ sơ, nhưng xin hỏi là nếu không có những giấy tờ đó, liệu người dân có được cấp phép xây dựng hay không?” Thực tế, việc giải quyết tranh chấp là việc thuộc chức năng của toà án, chứ không phải là của cơ quan nhà nước cho dù “dân thích khiếu kiện hành chính hơn đâm đơn ra toà”
Đột phá gì mà đột phá mãi!
Đại biểu Nguyễn Đình Cung thuộc Đoàn giám sát nhận định, những bảng đánh giá về tình hình thực hiện CCTTHC như các Sở ban ngành đã và đang làm vẫn đi theo kiểu truyền thống, nghĩa là chỉ đưa ra những gì ta có còn những gì xã hội và nhân dân thực sự cần, thực sự mong có thì lại thiếu.
Đại biểu này cũng cho rằng, “CCHC đã trải qua một thời gian dài hơn chục năm rồi mà từ đó đến nay vẫn cứ được coi là bước đột phá. Đột gì mà đột mãi. Chúng ta cần phải đánh giá về CCHC so với yêu cầu của người dân để sau vài năm nữa CCHC không còn là khâu đột phá, không còn là điểm “ngẽn” nữa”. Đánh giá phải rộng hơn để giải quyết những vấn đề còn bị “thắt cổ chai”, ông Cung nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, TTHC tốt rồi nhưng nếu chính những người vận hành bộ máy ấy sách nhiễu dân, kéo dài thời gian thì dù cải cách mấy cũng không hiệu quả. “Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng con người là nhân tố quan trọng của công cuộc cải cách này”.
(Theo Hương Nguyên // Nhandan Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com