Trước hết, xin chúc mừng ông vừa được bầu làm Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ KH&ĐT nhiệm kỳ 2010-2015.
Xin cảm ơn! Tuy nhiên, đây là kết quả bầu của Ban chấp hành Đảng bộ Bộ KH&ĐT, còn phải chờ chuẩn y của Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương.
Nếu nhìn lại hoạt động của Đảng bộ nhiệm kỳ trước, theo ông, đâu là thành tựu cơ bản?
Nhiệm kỳ 2005-2010 đối với Đảng bộ cơ quan Bộ KH&ĐT có nhiều khó khăn, thách thức, có cả những yếu tố thay đổi về cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ. Thế nhưng, Đảng ủy đã phối hợp với Ban Cán sự Đảng Bộ KH&ĐT chỉ đạo kịp thời việc phân công, sắp xếp lại cơ cấu bộ máy, con người, chức năng, nhiệm vụ, nhanh chóng ổn định tổ chức, không để công việc bị gián đoạn. Cán bộ, đảng viên của Đảng bộ đã nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình. hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là cơ quan tham mưu của Đảng, Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm tốt chức năng xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hàng năm cũng như công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực như đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), thống kê...
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về công tác tham mưu?
Tôi lấy một ví dụ thế này, trong hơn hai năm đất nước chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, Đảng bộ Bộ KH&ĐT đã chủ động nắm bắt tình hình, xây dựng và tham mưu cho Chính phủ 8 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát trong năm 2008, rồi 5 nhóm giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế trong năm 2009… Kết quả là, cho đến nay, nền kinh tế đã từng bước vượt qua khó khăn, tiến tới hồi phục và đang lấy lại đà tăng trưởng; từng bước ổn định kinh tế vĩ mô.
Một ví dụ khác, chỉ tính riêng 3 năm sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đã tăng đột biến, từ 21,3 tỷ USD của năm 2007 đã lên tới 71,7 tỷ USD trong năm 2008. Năm 2009 và đầu năm 2010, do tác động của khủng hoảng, thu hút vốn FDI suy giảm, nhưng nhờ có các giải pháp kịp thời, vốn FDI vào nước ta vẫn ở mức khá cao so với các nước trong khu vực. Những thành tựu đó đều có dấu ấn của Đảng bộ Bộ KH&ĐT. Dấu ấn đó còn được ghi nhận ở việc thu hút, sử dụng vốn ODA và tăng cường hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế; trong giám sát, thẩm định, đánh giá đầu tư; phát triển DN…
Nhiệm kỳ vừa qua, Bộ KH&ĐT đã được giao nhiệm vụ tổng kết 2 chuyên đề lớn, đó là mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tình hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa để góp phần tổng kết lý luận và thực tiễn. Kết quả những tổng kết trên đã được trình Ban bí thư và được đánh giá cao, làm cơ sở cho Báo cáo tổng kết 20 năm đổi mới kinh tế - xã hội, trình Đại hội Đảng toàn quốc.
Tôi cũng muốn nói thêm là giai đoạn vừa qua, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều nước chuyển từ phó mặc cho thị trường tự do sang tăng cường giám sát, đặc biệt là giám sát thị trường tài chính, chủ động điều tiết, giảm tác động tiêu cực của thị trường, thì việc Bộ KH&ĐT xây dựng các cân đối lớn, tăng cường điều phối, kết nối các cân đối vĩ mô, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển bền vững được chứng minh là rất đúng hướng.
Vậy trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ Bộ KH&ĐT đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
Đảng ta đang chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Năm năm tới cũng là giai đoạn cả nước bước vào thực hiện Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội lần thứ 3 (2011-2020) và để cụ thể hoá chiến lược, Bộ KH&ĐT đang xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Để thực hiện thắng lợi đường lối phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra, nhiệm vụ của Đảng bộ Bộ KH&ĐT trong nhiệm kỳ tới là tiếp tục lãnh đạo cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu cho Đảng và Chính phủ cụ thể hóa mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XI thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng các cơ chế, chính sách, luật pháp kinh tế giúp Chính phủ điều hành thực hiện thành công các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra với chất lượng cao.
Trong các nhiệm kỳ trước, Bộ KH&ĐT đã tham mưu xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010) và kế hoạch 5 năm 2006-2010, với mục tiêu hàng đầu là đến năm 2010, Việt Nam phải ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp và đến nay, theo đánh giá là đã đạt được. Trong giai đoạn 10-15 năm tới, Việt Nam phấn đấu trở thành nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình của thế giới. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Nhiệm kỳ tới đây, Đảng ủy cơ quan Bộ KH&ĐT sẽ quyết tâm lãnh đạo cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, góp phần cùng cả nước biến mục tiêu đã đề ra thành hiện thực.
Danh sách Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2010-2015 1. Ông Cao Viết Sinh - Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư 2. Ông Nguyễn Văn Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư 3. Ông Phạm Mạnh Cường - Hàm phó vụ trưởng, chuyên trách công tác Đảng, Văn phòng Đảng ủy cơ quan 4. Ông Nguyễn Bích Lâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê 5.Ông Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương 6. Ông Nguyễn Đức Trung - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ 7. Ông Tống Quốc Đạt - Chánh văn phòng Bộ 8. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Báo Đầu tư 9. Bà Trần Thị Hồng Minh - Hàm phó vụ trưởng, chuyên trách công tác công đoàn. |
(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com