Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Thọ - phó giám đốc Sở xây dựng Hà Nội xung quanh tính pháp lý dự án C1 - Thành Công.
PV: Thưa ông, dựa vào cơ sở nào Sở xây dựng lại có quyết định chấp thuận cho Cienco1 được thi công phần đà giằng móng công trình cải tạo nhà C1?
Ông Nguyễn Khắc Thọ: Dự án nhà C1 là công trình đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội được xếp vào diện nhà nguy hiểm. Đặc biệt, Thành phố Hà Nội khi quyết định giao dự án cho chủ đầu tư là Tổng công ty công trình giao thông 1 (Cienco 1) đã yêu cầu Cienco 1 phải hoàn thành dự án trong vòng 2 năm để cho người dân được nhanh chóng tái định cư.
Nhưng trong quá trình triển khai các bước để xin giấy phép thì Chính phủ lại ra quyết định dừng thi công các dự án cao tầng tại 4 quận nội đô nên việc xin giấy phép cho dự án buộc phải dừng lại. Bên cạnh đó, công trình đã bị chậm tiến độ hơn 1 năm nay vì vậy chủ đầu tư có nguyện vọng xin phép thi công phần cọc nhồi trước để đảm bảo tiến độ.
Xét tính chất dự án và nguyện vọng chủ đầu tư, căn cứ vào thiết kế cơ sở đã được Sở quy hoạch kiến trúc phê duyệt Sở xây dựng đã ra văn bản 1577/SXD chấp thuận cho chủ đầu tư được thi công phần đài giằng móng công trình C1 (thực chất chính là phần ép cọc hoặc khoan cọc nhồi). Còn phần tầng hầm và thân công trình chỉ được thi công khi có giấy phép xây dựng.
Đây có phải là trường hợp ngoại lệ không thưa ông?
Trước đây, chúng tôi cũng đã xem xét và chấp thuận cấp phép từng phần cho một số dự án tuy nhiên đây phải là dự án quy mô lớn với điều kiện chủ đầu tư cam kết làm đúng theo các quy chuẩn xây dựng.
Việc cấp phép từng phần như vậy sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp. Liệu có phải doanh nghiệp đang cố tình “lách luật”?
Thực chất nó chỉ là cách vận dụng luật của chủ đầu tư mà thôi đặc biệt đây là dự án liệt vào dạng nguy hiểm mặc dù đã khởi công từ hơn một năm trước tuy nhiên đến ngày 3/2/2010 UBND Thành phố Hà Nội mới ra quyết định thu hồi đất để giao cho Cienco 1 thực hiện dự án.
Được biết thời điểm đó Sở xây dựng đang dừng cấp phép cho những dự án nhà cao tầng tại 4 quận. Vậy sự ra đời “giấy phép con” này có ảnh hưởng gì đến chủ trương chung của thành phố không thưa ông?.
Thực ra nói “giấy phép con” là hơi oan, tôi cho rằng đã là nhà tái định cư thì chắc chắn phải cho làm chỉ có điều là thấp tầng hay cao tầng. Nhà cao tầng hay thấp tầng đều phải có tầng hầm. Trong khi công trình nào cũng phải tiến hành khoan cọc nhồi và việc này cũng không ảnh hưởng lắm. Vì vậy, Sở xây dựng đã cho phép chủ đầu tư được thi công phần cọc.
Việc cho phép chủ đầu tư thi công một phần móng này là xuất phát từ sự tha thiết của chủ đầu tư hay là người dân thưa ông?
Tôi nghĩ rằng đã là nhà nguy hiểm thì không phải chỉ có người dân tha thiết mà cả chủ đầu tư cũng rất mong muốn được tiến hành dự án để giúp dân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện tại các hộ dân C1 không hề biết đến phương án đền bù, họ nghĩ dự án này vẫn đang trong quá trình thẩm định hồ sơ chưa được cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn tiếp tục thực hiện dự án khiến họ rất bức xúc và dẫn đến khiếu kiện. Ông nghĩ sao về vẫn đề này?
Căn cứ quyết định của UBND cho phép chủ đầu tư được thi công phần chìm của công trình và yêu cầu các cơ quan chức năng và người dân giám sát chặt chẽ. Hơn nữa, tôi cho rằng đã là nhà tái định cư thì nhiệm vụ chính của nó là phục vụ nhu cầu tái định cư của người dân và chịu sự giám sát chặt chẽ của các hộ dân và các cấp chính quyền.
Trong trường hợp chủ đầu tư làm trái quy định để dân khiếu kiện kéo dài Sở sẽ xem xét lại, thậm chí sẽ không cấp giấy phép cho dự án này.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com