Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cấp phép quá nhiều: Địa phương tự làm khó mình

Ông Bùi Quang Chuyện - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù không ủng hộ việc các địa phương cấp phép quá nhiều dự án ngoài quy hoạch, nhưng tình trạng cung vượt cầu hiện nay không phải quá lo ngại.

- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về hậu quả của tình trạng cung vượt xa cầu hiện nay trong ngành thép ?

Điều dễ thấy nhất là, khi có quá nhiều dự án ngoài quy hoạch được cấp phép, cung lớn hơn cầu sẽ gây áp lực cạnh tranh lớn lên nhà đầu tư có dự án nằm trong quy hoạch. Các nhà máy này sẽ không thể khai thác hết công suất như thiết kế, ảnh hưởng tới thị phần của doanh nghiệp trên thị trường thép.

Tuy nhiên, vấn đề cung vượt cầu này trên thực tế, không phải là vấn đề đáng lo ngại quá. Với thép xây dựng, cung vượt cầu 1,7 lần không phải là tỷ lệ lớn.

Bởi lẽ, cái chúng ta so sánh là giữa công suất thiết kế và nhu cầu tiêu thụ thép. Tuy nhiên, con số tiêu thụ thép các năm tới mới là dự kiến, không ai có thể nắm được chính xác nhu cầu tiêu dùng thép là bao nhiêu. Trên thực tế, các nhà máy có công suất 500.000 tấn thì thông thường, doanh nghiệp cũng chỉ huy động 300.000 tấn. Ngoài ra, dưới áp lực cạnh tranh, những nhà máy thép có công nghệ lạc hậu dần dần bị đào thải, các nhà máy công nghệ mới sẽ phát triển thay thế.

Điều mà chúng tôi lo ngại nhất là tình trạng các địa phương cấp phép cho những dự án không đủ điều kiện về bảo vệ môi trường, thiếu tính bền vững do không đảm bảo nguồn nguyên liệu...

- Vậy ông có thể lý giải vì sao, các địa phương vẫn tiếp tục cấp phép tràn lan các dự án thép ngay cả khi, đã có nhắc nhở của Bộ Công Thương và Chính phủ ?

Thực ra, kể từ giữa năm 2009 trở lại đây, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng tạm dừng cấp phép đối với dự án thép thông thường, rất ít có thêm dự án được cấp phép. Còn trong năm 2009, với các dự án thép ngoài qui hoạch được cấp phép, đa số đều có ý kiến của Bộ Công Thương hoặc của Thủ tướng chấp thuận về chủ trương.

Theo tôi, các địa phương thường có tâm lý nôn nóng trong việc muốn phát triển mạnh công nghiệp ở địa phương, muốn có nhà máy thép để cung ứng thị trường. Vì thép có thể coi là bánh mì của ngành xây dựng, khá hấp dẫn.

Hơn nữa, vấn đề này còn có nguyên nhân từ sự thiếu đồng bộ trong văn bản pháp luật của ta. Ví dụ, theo Luật Xây dựng, trước khi lập dự án đầu tư nhóm B thì phải xin ý kiến thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền, nhưng Luật Đầu tư thì cho phép, dự án dưới 300 tỷ đồng thì không phải lấy ý kiến các bộ liên quan.

Trong khi đó, ngành thép không phải là ngành đầu tư có điều kiện và quy hoạch thép lại là quy hoạch mở.

- Quan điểm của ông về trách nhiệm của các địa phương trong việc để xảy ra tình trạng này ?

Tôi cho là, quản lý của địa phương cũng có vấn đề. Các Sở Công Thương các tỉnh còn không nắm bắt thông tin diễn ra trong ngành này. Ví dụ, tại Vĩnh Phúc, khi chúng tôi hỏi về dự án thép xây dựng 350.000 tấn của Cty Thép Việt Đức, vừa mới đi vào hoạt động thì sở cũng không hề biết. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng vậy, tồn tại một số dự án thép mà khi hỏi đến, Sở Công Thương cũng không nắm được và thậm chí không biết.

Bởi vì trong quá trình cấp phép, Sở Công Thương ở nhiều tỉnh lại không được tham gia. 

Chúng tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian để đôn đốc các địa phương báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch thép. Ở lần rà soát trước, nhiều địa phương không báo cáo, báo cáo chậm và thậm chí, còn sai với thực tế.

- Tuy nhiên, tại sao cho đến nay, vẫn chưa có một dự án thép nào bị rút giấy phép ?

Đúng là như vậy. Bộ Công Thương đã từng kiến nghị phải xem xét, thu hồi một số dự án nhưng đến nay, các địa phương vẫn chưa rút giấy phép dự án thép nào. Vì thực ra, các dự án thép muốn rút phép hay không, cũng phải xét đến tính hợp lý của nó.

Tôi ví dụ, như là dự án thép xây dựng của Shengli ở Thái Bình. Nhà máy này vốn dĩ là sản xuất phôi. Giờ họ muốn tranh thủ nhiệt phôi để sản xuất cán thép xây dựng, như thế, sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Rõ ràng là, đề nghị này hợp lý vì chúng ta vẫn khuyến khích sản xuất từ thượng nguồn đến hạ nguồn. Với trường hợp này, tuy ngoài qui hoạch nhưng địa phương không ủng hộ cũng không được.

- Nếu dự án thép nào ngoài quy hoạch mà cũng được cho  là hợp lý, thì cung sẽ ngày càng vượt xa cầu, thưa ông ?

Các nhà quản lý tại các địa phương cần có tầm nhìn tốt hơn về chiến lược phát triển ngành thép. Vì chúng ta vẫn khuyến khích đầu tư một số chủng loại thép mà trong nước chưa sản xuất được, như thép cán nóng, thép mạ, thép hợp kim...

Chỉ những dự án thép nào đủ điều kiện thì hãy xin bổ sung. Còn lại, phải kiên quyết loại bỏ dự án kém. Nếu không, chính địa phương sẽ tự làm cho công tác quản lý của mình trở nên khó khăn hơn. Ví dụ như vấn đề cơ sở hạ tầng, đất đai... vì khi đã cấp phép rồi, khắc phục những dự án kém  hiệu quả là rất  khó.

Ví dụ như dự án thép Cà Nà 9,8 tỷ USD, nhà đầu đã bỏ vào đó 83 tỷ đồng để làm hạ tầng, nên việc rút giấy phép cũng phải xem xét điều đó.

- Nếu tình trạng cấp phép ngoài quy hoạch vẫn tiêp tục, Bộ Công Thương dự kiến sẽ xử lý thế nào ?

Trong cơ chế hiện nay, việc cấp phép hay thu hồi giấy phép lại là do địa phương chịu trách nhiệm. Nhiều dự án ngoài quy hoạch, không có khả năng triển khai, chúng tôi cũng chỉ có thể kiến nghị địa phương chứ không có thẩm quyền để thu hồi giấy phép dự án đó.

Đây cũng là một khó khăn trong công tác quản lý ngành thép của bộ. Nếu địa phương cấp phép sai quy định thì bắt buộc phải thu hồi giấy phép của các dự án đó. Thủ tướng sẽ có ý kiến chỉ đạo.

Tới đây, Bộ Công Thương sẽ đi thực tế tình hình thép tại các địa phương, chứ chúng tôi cũng không thể căn cứ chỉ qua báo cáo. Từ đó, sẽ tiếp tục yêu cầu các địa phương phải nghiêm chỉnh chấp hành các qui định này.

- Xin cảm ơn ông !

(Theo Băng Dương // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Vốn ODA đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế
  • Chung cư C1 - Thành Công: Sở Xây dựng “ưu ái" Cienco 1?
  • "Sau mỗi đợt sốt cục bộ, giá đất lại lên 1 mức mới"
  • Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao
  • Thêm nhiều thuận lợi cho lao động xuất khẩu
  • Xây cao ốc phải không được gây áp lực với đô thị
  • Biến đổi khí hậu “gây rối” thời tiết
  • “Nhắm các DN nguy cơ”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi