Ông Nguyễn Nam Vinh. |
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) không phải là “chìa khóa vạn năng”. Để hoạt động bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả, còn rất nhiều vướng mắc cần phải giải quyết. Ông Nguyễn Nam Vinh, Chủ nhiệm Văn phòng phía Nam Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, đã nói như vậy với TBKTSG xung quanh việc thực thi Luật BVQLNTD.
Cơ quan chuyên trách, tại sao không?
Qua thực tiễn tham gia hoạt động bảo vệ người tiêu dùng trong nhiều năm, ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng xâm hại quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam?
- Ông Nguyễn Nam Vinh: Có thể nói không ngoa, chẳng một lĩnh vực nào và dịch vụ nào mà người tiêu dùng hiện nay không bị xâm phạm quyền lợi. Rất nhiều vụ vi phạm đã được hội chúng tôi lên tiếng cảnh báo như gian lận về chất lượng xăng dầu; xăng pha acetone; sữa thiếu đạm; điện kế điện tử kém chất lượng; mũ bảo hiểm dỏm...
Còn vì sao có thực trạng như vậy? Vì thứ nhất, hệ thống pháp luật của ta còn rất nhiều bất cập. Các quy định hiện hành chưa có những chế tài đặc thù, đủ sức răn đe để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Thử hỏi mức phạt tối đa cho hành vi gian lận trong đo lường dù đã được sửa đổi cũng chỉ có 30 triệu đồng thì... dại gì các cây xăng không vi phạm? Trong khi với hành vi này, pháp luật ở một số nước cho phép truy ngược và căn cứ vào mức độ, thời gian diễn ra hành vi gian lận mà phạt tiền rất nặng.
Thứ hai, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa được quy định rõ ràng. Thế nên, mới xảy ra những chuyện rất khôi hài như vụ ly độc Trung Quốc tràn ngập ở ta mà không xử lý được. Vì chỉ mỗi một cái ly ấy nhưng có đến ba bộ cùng quản lý, rút cuộc chẳng rõ trách nhiệm chính thuộc về ai.
Thứ ba, là trình độ hiểu biết của người tiêu dùng vẫn còn hạn chế, người tiêu dùng Việt Nam có đặc điểm là nhẹ dạ, cả tin và ngại đi kiện. Mỗi năm, hội chúng tôi chỉ tiếp nhận được khoảng 1.000 vụ người tiêu dùng khiếu nại. Cả nước có 87 triệu người mà chỉ có chừng đó người đi kiện thì quả là ít ỏi. Trong khi, nhiều doanh nghiệp vì lợi ích cục bộ, lợi ích độc quyền luôn tìm mọi cách gian lận, lừa dối người tiêu dùng.
Theo ông, Luật BVQLNTD có thể trở thành “chìa khóa” để giải quyết những khó khăn, bất cập nói trên nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng?
- Luật BVQLNTD không thể là “chìa khóa vạn năng” để có thể giải quyết hết tất cả các vấn đề liên quan đến người tiêu dùng. Bởi việc bảo vệ người tiêu dùng còn liên quan đến nhiều quy phạm pháp luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Bộ luật Hình sự, Luật Đo lường, Luật Chất lượng hàng hóa, quy định về xử phạt hành chính... Tuy nhiên, để Luật BVQLNTD đi vào cuộc sống, theo tôi, nên giải quyết một số vấn đề sau đây.
Một, là phải có một lực lượng chuyên trách của Nhà nước đủ mạnh. Nên chăng thiết lập một ủy ban chuyên trách trong Quốc hội, có thể là ủy ban chuyên trách về những vấn đề xã hội và bảo vệ người tiêu dùng. Về phía Chính phủ, thành lập một cơ quan chuyên trách có đầy đủ quyền lực, có thể là tổng cục quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng. Đây là kinh nghiệm của nhiều nước, ví dụ như ở Úc, New Zealand, ngoài ủy ban bảo vệ người tiêu dùng trong Quốc hội, họ còn có cả một bộ chuyên phụ trách về bảo vệ người tiêu dùng. Còn ở ta, hiện chỉ mới có một ban bảo vệ người tiêu dùng nằm dưới Cục Quản lý cạnh tranh, nhân lực còn rất mỏng và hạn chế về thẩm quyền. Ngay cả tên gọi của cơ quan này cũng chưa thể hiện chức năng bảo vệ người tiêu dùng.
Vấn đề không kém quan trọng nữa là cần có cơ chế để tạo nguồn tài chính cho các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng hoạt động.
Cần cơ chế tài chính rõ ràng
Vậy lâu nay, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lấy kinh phí đâu để hoạt động? Hội có được Nhà nước hỗ trợ tài chính không?
- Không, hội chúng tôi không được nhà nước hỗ trợ kinh phí. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam được thành lập từ năm 1988 và hiện đã có 37 hội thành viên đặt tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, để có kinh phí hoạt động các hội thành viên phải tự xoay xở, quan hệ là chính. Ngay như trụ sở văn phòng phía Nam của chúng tôi cũng mượn nhờ của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đấy chứ!
Theo Luật BVQLNTD, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ được hỗ trợ kinh phí khi thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao. Quy định là thế nhưng theo ông, liệu triển khai sẽ có vướng mắc gì không?
- Điều này phụ thuộc rất nhiều vào các văn bản hướng dẫn dưới luật. Một trong những văn bản ấy là nghị định hướng dẫn một số điều của Luật BVQLNTD hiện đang được Bộ Công Thương soạn thảo vẫn còn nhiều điểm phải bàn.
Ví dụ, theo dự thảo tổ chức bảo vệ người tiêu dùng muốn được nhà nước hỗ trợ kinh phí thì phải được Nhà nước giao nhiệm vụ. Mà muốn được giao nhiệm vụ thì phải thỏa mãn một số điều kiện như phải có số năm hoạt động tối thiểu là một năm; có phạm vi hoạt động từ cấp tỉnh trở lên... Tại sao phải từ cấp tỉnh trở lên? Tại sao lại phải tối thiểu một năm? Trong một năm ấy, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng lấy đâu ra kinh phí để hoạt động? Rồi còn chuyện thủ tục, cách thức, thông tin công bố từ đâu để được nhận hỗ trợ kinh phí nữa, dự thảo cũng chưa thấy đề cập. Nếu không có quy định rõ ràng, tôi e là lại nảy sinh ra một kiểu xin-cho mới!
Quy định mới cho phép, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng được quyền tự mình khởi kiện vụ án để bảo vệ người tiêu dùng vì lợi ích công cộng. Theo ông, điều này có khả thi không?
- Như đã nói, hội chúng tôi mỗi năm tiếp nhận khoảng 1.000 vụ khiếu nại của người tiêu dùng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có vụ việc nào được đưa ra tòa. Nguyên nhân chính vẫn là do thiếu nhân lực và không có đủ kinh phí. Muốn thực hiện được nhiệm vụ trên, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cần nâng cao năng lực hoạt động, liên kết chặt chẽ với các tổ chức xã hội khác như đoàn luật sư, hội luật gia, các cơ quan khoa học và cần có cơ chế tài chính để thực thi.
“Dự thảo của Bộ Công Thương chưa làm sáng tỏ những điều khoản quan trọng của Luật BVQLNTD mà lại chỉ tập trung giải thích một số vấn đề hết sức vụn vặt. Chẳng hạn, như bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Người ta thường nói “nắm kẻ có tóc”. Vậy thì tại sao dự thảo không tập trung vào những đối tượng “có tóc” như nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp độc quyền... mà lại quan tâm những người buôn bán nhỏ, lẻ như vậy? Hoặc yêu cầu phải đăng ký hợp đồng mẫu, liệu có khả thi? Ai làm? Nguồn nhân lực có đủ năng lực thẩm định không? Có cần thiết phải quy định một cách tỉ mỉ về hợp đồng mẫu như màu mực, giấy, phông chữ... như trong dự thảo không? Đây là những vấn đề cần được xem xét hết sức cẩn trọng, nếu không thì sẽ vừa tạo gánh nặng cho các cơ quan nhà nước, vừa gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp mà ích lợi mang lại chẳng đáng bao nhiêu”. Ông Nguyễn Nam Vinh |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com