Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

'Không phải vô cớ mà ngân hàng đẩy lãi suất lên 17-18%'

Nhận định chính sách tiền tệ hiện quá thắt chặt khiến doanh nghiệp rất khó khăn, song Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng trần lãi suất huy động 14% hiện nay không khả thi.

Trao đổi với VnExpress.net bên lề Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011 tại Hà Nội hôm qua, ông Nghĩa khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước một mặt phải kiên định với mục tiêu chống lạm phát, nhưng cũng cần linh hoạt hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng khó khăn và tránh điều hành giật cục theo kiểu bóp nghẹt quá mức rồi bất ngờ thả ra quá nhanh.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa đề xuất bỏ trần lãi suất huy động tiền gửi VND thay vì duy trì mức 14% như hiện nay. Xin ông cho biết lý do?


Trần lãi suất 14% một năm hiện nay quá thấp so với lạm phát kỳ vọng. Chỉ số giá tiêu dùng tính đến cuối tháng 4 đã tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Để lãi suất thực dương, ngân hàng phải trả cho người gửi tiền 17-18% một năm mới đúng chứ. Trên thực tế, từ lâu các ngân hàng đã vay mượn của nhau trên mức trần, có lúc tới 22-23% một năm. Vậy có lý gì lại cấm họ đi vay từ dân cư trên 14% một năm.

Mức trần hiện nay căn cứ vào đâu? Nếu không có cơ sở, đương nhiên người ta sẽ phá trần. Nguy hại của phá trần ở chỗ người ta coi không chấp hành chính sách là chuyện hết sức bình thường. Điều này không chỉ dẫn tới sự suy giảm niềm tin vào chính sách, mà còn khiến hệ thống ngân hàng méo mó, không minh bạch. Trong sổ tiết kiệm vẫn ghi lãi suất 14%, nhưng thực tế trả 17-18% thì hạch toán kiểu gì đây. Và họ phải đẻ ra hệ thống báo cáo mới để chứa đựng sự méo mó này. Chưa bao giờ đạo đức trong hệ thống ngân hàng lại xuống thấp như vậy.

Nhưng nhiều người lo ngại, nếu dỡ trần sẽ tạo cái cớ để các ngân hàng chạy đua nâng lãi suất lên cao?


Nói ngân hàng nhỏ a dua và là những người gây ra cuộc đua lãi suất thì oan cho họ quá. Đâu phải các ngân hàng muốn đẩy lên là được, lãi suất lên cao là do cung cầu thị trường. Khi lạm phát tăng cao, bản thân các ngân hàng nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Các ngân hàng lớn có nhiều nguồn vốn giá rẻ, như tiền gửi của kho bạc, trái phiếu Chính phủ, tiền gửi không kỳ hạn của các tập đoàn nhà nước lớn hay các hợp đồng giải ngân vốn ODA.

Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ uy tín thấp, phải chấp nhận huy động với lãi suất cao hơn. Và ngoài tiền gửi của dân chúng với lãi suất đòi rất cao hiện nay, họ chỉ có vài tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp vừa và nhỏ mà nói chung là rất ít, vì doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn liếng đâu mà gửi.

Thay vì quá lo lắng tới lãi suất huy động từ dân cư, Ngân hàng Trung ương nên quan tâm nhiều hơn tới lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Nếu thị trường liên ngân hàng ổn định, tức khắc bên ngoài sẽ ổn. Lãi suất các ngân hàng cho nhau vay hiện đã vênh quá xa so với lãi suất cấp vốn của Ngân hàng Trung ương trên thị trường mở.

Lãi suất huy động tăng cao sẽ đẩy lãi suất cho vay lên cao hơn nữa. Bản thân ông cũng cho rằng lãi suất hiện nay đã quá cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp. Liệu có gì mâu thuẫn không thưa ông?


Lạm phát kỳ vọng lập đỉnh vào tháng 4 và có khả năng giảm xuống còn 15% vào cuối tháng 5. Như vậy, ngân hàng huy động với lãi suất 16-17% là đủ thực dương và cho vay khoảng 20% là chấp nhận được. Nhưng có ông đã đưa lên tới 25-27%, cao hơn cả thời kỳ 2008 và cao nhất trong mấy chục năm qua. Nhiều doanh nghiệp nói đùa với lãi suất này họ chỉ còn nước ném công nhân ra đường hoặc đi buôn lậu.

Nhưng vấn đề cốt lõi ở đây không phải là lãi suất cao bao nhiêu, mà chính sách tiền tệ hiện bóp chặt quá mức cần thiết. Lãi suất thị trường dâng cao, như tôi nói ở trên là do các ngân hàng nhỏ thiếu vốn. Hiện vốn Ngân hàng Trung ương bơm ra trên thị trường mở chủ yếu rơi vào tay ông lớn, để rồi ông ấy quay trở lại cho các ông nhỏ vay với lãi suất cao. Vậy làm thế nào mà ngân hàng nhỏ không tăng lãi suất lên?

Việc cần làm hiện nay là hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ để họ không phải huy động với lãi suất quá cao, dĩ nhiên nên đưa ra điều kiện ràng buộc để đảm bảo vốn bơm ra sẽ quay về nguyên vẹn. Mặt khác, việc điều hành phải linh hoạt, phân bố sự thắt chặt hay nới lỏng một cách đồng đều trong năm, tránh tình trạng giật cục, lúc thắt thì quá mức, rồi đến khi thả lại quá nhanh, doanh nghiệp trở tay không kịp.

Ông nói thắt chặt quá mức nhưng thực tế tín dụng vẫn tăng trưởng, cho thấy doanh nghiệp vẫn vay được vốn. Điều này nên được hiểu như thế nào, thưa ông?

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 20%, nhưng 4 tháng đầu năm chỉ tăng 5,01% là quá thắt chặt. Và với lãi suất cao như hiện nay, có chăng chỉ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp bất động sản hoặc giới buôn tiền (vay để rồi cho vay ngoài thị trường chợ đen) mới chịu nổi. Khu vực công đi vay vốn không chấp lãi suất vì đằng sau lưng họ là Chính phủ. Còn các doanh nghiệp bất động sản buộc phải vay vì dự án đang trong quá trình triển khai, phải cố để hoàn tất hoặc chí ít có cơ sở hạ tầng để bán được.

Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nếu có vay cũng chỉ để duy trì sản xuất ở mức rất hạn chế. Chứ không ai dám vay vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư thêm vào lúc này.

Trong bối cảnh vốn ngân hàng ít, lãi suất cao, theo ông doanh nghiệp nên làm gì để tồn tại?

Tạm thời luân chuyển số vốn ngân hàng (nếu có) và của mình để co hẹp sản xuất ở mức chấp nhận được mà tồn tại. Đó là cách làm khôn ngoan nhất, cách tồn tại duy nhất mà doanh nghiệp nên làm hiện nay.

(Vnexpress)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi