TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, độ trễ chính sách thắt chặt tiền tệ còn khoảng 3 tháng nữa, nhưng phải trong giới hạn các điều kiện khác không thay đổi.
Ông nhận xét thế nào về các giải pháp thắt chặt tiền tệ được thực hiện trong thời gian qua?
Trong năm 2011, nếu nhìn về Nghị quyết 11 của Chính phủ, ngân hàng có vẻ tích cực hơn. Dù chưa tương xứng nhưng ít nhiều họ đã sử dụng một số biện pháp tốt như giãn thuế thu nhập doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu nhập cá nhân... Hiện, tuy thuế chưa được giảm, nhưng khách quan mà nói, chính sách này đã đánh vào “hầu bao” của Nhà nước.
Tiền tệ về căn bản tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Theo ông, còn độ trễ nào cho các giải pháp thắt chặt tiền tệ không?
Về nguyên tắc, một séc tiền tệ có độ trễ từ 3 - 6 tháng. Chính phủ ra Nghị quyết 11 từ tháng 2, thực sự triển khai từ tháng 3, tính đến nay mới có 3 tháng. Về dư lượng, chính sách thắt chặt tiền tệ còn độ trễ khoảng 3 tháng nữa, nhưng phải trong giới hạn các điều kiện khác không thay đổi.
Như vậy, từ nay đến cuối năm tiền tệ sẽ vẫn khó khăn?
Thời gian từ nay đến cuối năm sẽ chia làm hai nhịp. Quý III, tiếp tục theo xu hướng tốt, giảm bớt áp lực lạm phát, một số chỉ tiêu được cải thiện. Từ tháng này, hiệu ứng thắt chặt tiền tệ cũng sẽ mạnh hơn và tiếp tục trong một, hai tháng nữa. Cuối quý III, cùng với độ khan hiếm tiền tệ, lãi suất cho vay cũng sẽ giảm dần.
Những tháng cuối năm, do gắn với các hoạt động của các tháng Tết, nên rất khó đánh giá chính sách thắt chặt tiền tệ, bởi đó là lúc thị trường biến động, cung - cầu thay đổi theo hướng đột biến.
Lúc này, áp lực về tiền sẽ tăng hơn do các hoạt động thanh toán nợ bằng đô la, nhu cầu về dư nợ tín dụng tăng cho đầu tư, quay vòng nợ... trong khi nguồn cung không nhiều, lượng kiều hối, ODA, FDI và xuất khẩu đều giảm hoặc tăng không nhiều.
Căng thẳng về cung cầu ngoại tệ sẽ đẻ ra nhiều tác nhân khác. Một là sức ép tỷ giá. Hai là sức ép của các mặt hàng liên quan đến đồng ngoại tệ kéo nội tệ khan hiếm theo. Ba là thanh khoản, khả năng trả nợ cuối năm có thể sẽ khó hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, một chính sách tiền tệ thực sự độc lập là cần thiết không, thưa ông?
Điều này rất khó. Một chính sách tiền tệ thực sự độc lập đòi hỏi phải đồng bộ về thể chế, theo nghĩa “tam quyền” phải được tách biệt từ trên xuống, cụ thể, tách tài chính với ngân hàng, trong ngân hàng lại tiếp tục tách Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại và cuối cùng tách Ngân hàng Nhà nước với Chính phủ, đó là cả một quy trình.
Một chính sách tiền tệ thực sự độc lập cũng có tác động hai mặt, mặt tốt là tập trung được lực lượng và mặt không tốt gây nên sự lạm dụng về mặt hành chính. Chúng ta mong có được một chính sách tiền tệ thực sự độc lập, nhưng ở nước ta hiện nay, tất cả vẫn nằm trong bàn tay của Nhà nước. Như vậy, một khi “tam quyền” chưa phân lập thì không thể có chuyện ngân hàng độc lập với Chính phủ. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải tăng dần mức độ độc lập này.
Như ông nói, ngân hàng đã độc lập được một phần?
Năm nay đã có biểu hiện tốt hơn một chút so với năm trước, do Nghị quyết 11 ghi rõ, không cho vay ngân sách, không tạm ứng kho bạc. Ngân hàng Nhà nước có vẻ “dễ thở” hơn do Chính phủ không bắt in tiền cho họ tiêu.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng được phép điều chỉnh trần lãi suất mềm dẻo hơn. Điều đó cho thấy, áp lực của Chính phủ đối với Ngân hàng Nhà nước đã giảm bớt cả về hình thức lẫn thực chất. Đó cũng là dấu hiệu tích cực cho đòi hỏi của thực tế: chính sách tiền tệ phải độc lập hơn.
Xin cảm ơn ông!
(Doanh Nhân Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com