Phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách và để cho toàn dân tham gia giám sát việc thực hiện chủ trương của Chính phủ thì quyết tâm chống lạm phát mới đi vào thực chất. - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích.
Giám sát chéo chưa "thiêng"
Bà Phạm Chi Lan: Nghị quyết của Chính phủ đã bao trùm những mảng quan trọng nhất và đưa ra một cam kết mạnh mẽ, dứt khoát, cương quyết về kiềm chế lạm phát. Trong cương quyết này Chính phủ thể hiện sự thẳng tay trong việc thực hiện chính sách, những giải pháp cần thiết. Phải thẳng tay với khu vực nhà nước và các doanh nghiệp Nhà nước trong việc rà soát lại các dự án đầu tư công của họ, trong đó dùng tiền của ngân sách hoặc những nguồn vay có Chính phủ bảo lãnh hoặc đòi hỏi sự bảo lãnh của Chính phủ.
Nếu được, mong Chính phủ chấp nhận sự giám sát của cả xã hội đối với Chính phủ, với các cơ quan NN trong việc thực hiện chủ trương này.
Xưa nay, dường như cơ chế giám sát giữa các cơ quan nhà nước với nhau dường như chưa thực sự "thiêng". Chẳng hạn như nhiều lần Bộ Tài chính báo cáo về chi tiêu vượt định mức của các cơ quan về việc mua sắm công, xây dựng trụ sở nhưng có trường hợp nào trừng phạt được đâu, có trường hợp nào thu hồi lại được phần tiền công bị chi tiêu quá đâu. Vì thế lần này phải làm một cách ráo riết. Đây có lẽ không phải chỉ cho năm nay mà tạo tiền đề cho sau này để chúng ta kiểm soát chặt chẽ hơn với chi tiêu công bởi vì chừng nào còn thả nó thì nó còn là nhân tố gây ra lạm phát. Nếu chỉ kiểm soát chặt chẽ năm nay thì năm sau nó có thể bùng lên.
Trở lại câu chuyện của năm 2008 sẽ thấy, đầu năm Chính phủ đưa ra 8 nhóm giải pháp chống lạm phát, trong đó có kiểm soát chặt chẽ, cắt giảm đầu tư công, giãn tiến độ một loạt dự án, nhưng chỉ tới cuối năm, với khủng hoảng tài chính toàn cầu và chúng ta lo lắng về tăng trưởng thì lại thả, lại nới. Kết quả là cho tới bây giờ không biết đã có ai tổng kết xem các dự án trên có thực sự được cắt giảm không.
Hai năm gần đây thì tỉ lệ đầu tư công của Nhà nước lại tăng lên. Đấy là một điều chứng tỏ phải làm cương quyết và lâu dài mới được.
- Làm thế nào để người dân và toàn xã hội có thể cùng tham gia giám sát, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: Phải công khai minh bạch. Phải có công khai minh bạch thì xã hội mới giám sát được. Chính phủ giao cho các Bộ ngành trong tháng 3 phải đưa ra trình các giải pháp cụ thể. Các bộ đề xuất cắt giảm gì trong lĩnh vực mình quản lý, Chính phủ chấp nhận cắt gì thì nên công khai. Còn những gì có thể cắt được nữa thì người dân sẽ phát hiện, các doanh nghiệp và địa phương sẽ phát hiện. Chúng ta cũng đã từng có những nơi người ta từ chối dự án đầu tư vì người ta thấy không cần thiết.
Phải minh bạch tới nhiều chi tiết hơn chứ không chỉ công bố tên dự án, phải nêu rõ quy mô dự án, nguồn vốn dự án, tiến độ dự án.
Nếu đưa ra thông tin đầy đủ, người dân thấy bài toán này không có lợi chung cho đất nước, với địa phương cũng không mang lại bao nhiêu lợi ích thực tế thì họ sẽ đồng tình với nhà nước việc cắt giảm.
Công khai minh bạch ở đây phải nói là cắt giảm thì tính từ bao giờ, cắt ngay lập tức trong năm nay, cho năm tài khóa này hoặc hoãn tới bao giờ thì sẽ tính toán lại để kiến nghị có làm hay không.
Lần trước tôi cũng tiếc là chỉ đưa ra nhưng con số ví dụ như có tập đoàn cắt mấy chục phần trăm số dự án, mấy chục phần trăm lượng vốn nhưng trên thực tế không ai biết dự án nào, lượng vốn nào, có thực là có hay không hay chỉ những dự án trên giấy cắt giảm.
Chúng ta chỉ cho phép thực hiện trong năm nay, không phải đề xuất rồi cứ lừng chừng, cứ nấn ná làm nốt tiếc rẻ cái này cái kia. Cuối năm Chính phủ có thể có bản báo cáo trước Quốc hội để giải trình trước toàn dân là đã thực hiện cam kết này đến đâu, kết quả như thế nào. Tình hình lạm phát lúc đó như thế nào cũng có thể rút ra được nguyên nhân xem đã làm triệt để đến đâu.
- Chống lạm phát không phải là câu chuyện của riêng cơ quan nào. Rõ ràng rất cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành và địa phương...
Bà Phạm Chi Lan: Tôi cũng mong đợi là các giải pháp này đưa ra có tính toán tổng thể và có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, quy định những cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm về việc tổ chức thực hiện sự phối hợp đó.
Điều đáng ngại ở Việt Nam lâu nay là giữa các cơ quan khác nhau thiếu sự phối hợp hay nhiều khi chính sách này bị cô đơn, không được các chính sách khác ủng hộ để có thể thực hiện tốt. Nói ví dụ như năm ngoái lạm phát cuối năm cũng lên rất cao nhưng rốt cục dường như mọi gánh nặng đổ về chính sách tiền tệ. Ngân hàng nhà nước liên tục phải đưa ra chủ trương này, chính sách kia rồi quyết định này khác để hạn chế, để tiết giảm, để điều tiết. Trong khi đó phía tài khóa, cắt giảm, tiết kiệm đầu tư công dường như thờ ơ hoàn toàn, gần như đứng ngoài cuộc.
Lần này đối với chống lạm phát cũng vậy, những ngành, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lớn nên có một tổ đặc nhiệm theo dõi thực hiện tất cả sự phối hợp cũng như thực hiện biện pháp này một cách đầy đủ, triệt để.
Với từng bài toán cụ thể cũng cần có những tính toán toàn diện. Ví dụ như tỷ giá, liệu sẽ diễn biến thế nào, đến đâu nữa, tương quan giữa đồng tiền Việt Nam với các đồng tiền khác, xác lập giá trị đồng tiền Việt Nam như thế nào cho hợp lý, điều hành thế nào để giữ được mức ổn định tương đối, mới tăng thêm được mức dự trữ ngoại tệ... Tôi chắc điều này Chính phủ cũng đã làm là yêu cầu các cơ quan khi trình những cái về tỷ giá, giá điện hay giá xăng dầu thì phải có tính toán đầy đủ về hệ quả của nó chứ không nên cắt ở từng khâu, không nên dừng ở khâu tác động trực tiếp.
Tỷ giá thay đổi, điện tăng, xăng dầu tăng, như vậy sẽ cộng hưởng lại. Thành ra, phải có một bài toán tính toán đầy đủ cho toàn bộ nền kinh tế, ảnh hưởng tới lạm phát bao nhiêu, ảnh hưởng tới việc hình thành mặt bằng giá mới ở Việt Nam.
Nhà nước còn khó khăn, người dân có thể chia sẻ, nhưng ít nhất phải cho người ta biết Chính phủ đã có tính toán đầy đủ cẩn trọng mà vì không thể làm khác được cho nên đành phải chấp nhận tăng giá như vậy, có thể ảnh hưởng tói người dân tới mức nào, mong người dân thông cảm, chấp nhận, hy sinh phần lợi ích của mình.
Khoan sức dân
- Chính phủ cũng đưa ra quyết tâm kiềm chế mức tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20%. Theo bà, con số này có ý nghĩa như thế nào và sẽ ảnh hưởng ra sao tới môi trường kinh doanh?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi tán thành chủ trương này nhưng đề nghị có chính sách cụ thể hơn nữa đối với kiềm chế tín dụng. Tôi cho là nên tập trung kiềm chế tín dụng cung cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, các dự án đầu tư lớn, tốn nhiều tiền của mà có thể chưa thật bức xúc đối với nền kinh tế, đối với xã hội.
Thực tế lâu nay ở trong xã hội nước ta, ai cũng biết là tín dụng của các ngân hàng thì đến 60% là đổ cho các doanh nghiệp nhà nước, được dồn về cho các doanh nghiệp nhà nước sử dụng. Lãi suất cao họ cũng vay được vì họ biết họ vay thì tất cả các bài toán kinh doanh họ có thể dồn vào giá cả cho người tiêu dùng thực hiện. Họ có khó khăn gì về việc trả nợ cho ngân hàng thì Chính phủ có thể đứng ra thu xếp, vay nợ, giãn nợ, xóa nợ. Trong khi đó, còn có những khu vực khác lại rất cần tín dụng bơm thêm vào cho họ. Trước hết là nông nghiệp, bởi vì ở đấy có đông đảo người dân và thị trường nông sản đang có cơ hội để phát triển.
Đối tượng doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tạo việc làm cho khoảng 85% người lao động cũng cần được khuyến khích.
Cách giúp doanh nghiệp đỡ bị khó khăn là tạo điều kiện cho họ tiếp cận tín dụng tốt hơn, tăng thêm nguồn vốn, cho họ tiếp cận với các nguồn vốn khác để họ có thể vượt lên. Nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa trụ vững được thì có nghĩa là công ăn việc làm của người lao động giữ được.
Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông thường hệ số ICOR của họ thấp, tức là họ sử dụng đồng vốn và các nguồn lực hiệu quả hơn các doanh nghiệp nhà nước.
- Những biến động trên thị trường tiền tệ, xăng dầu và điện thời gian qua khiến cho tâm lý người dân lo lắng. Theo bà, đâu là những giải pháp tiếp theo để ổn định tâm lý cho người dân?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi cho là người dân sẽ còn hoang mang cho đến khi Chính phủ có thông điệp rõ ràng.
Thời gian vừa qua, quả thực, điều đáng tiếc là ngoài việc công bố điều chỉnh tỷ giá, điều chỉnh giá điện như vậy thì không có thêm các thông điệp khác của các cơ quan nhà nước gửi cho người dân, những cam kết về hệ thống chính sách đầy đủ, những giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát trong năm nay. Vì vậy, người dân vẫn tin lạm phát sẽ cao.
Phải có sự minh bạch, sự rõ ràng, sự tiên liệu đối với môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp, nhà đầu tư là phải tiên liệu được chính sách sẽ như thế nào. Người dân cũng vậy. Họ trông chờ vào sự tiên liệu của mình để biết xu hướng giá cả sẽ ra sao, đời sống của mình trong tương lai sẽ như thế nào để người ta đừng có đồng tiền tiết kiệm đang gửi ngân hàng tự nhiên đem rút ra để mua USD, đất...
Bây giờ người ta chờ đợi 1/5 tăng lương, điều chỉnh mức lương tối thiểu nhưng chưa gì giá cả đã lên thế này, người ta cảm thấy điều chỉnh lương tối thiểu chẳng còn được bao nhiêu. Chính phủ chỉ cam kết sẽ có những biện pháp về an sinh xã hội, đỡ cho những đối tượng bị tác động tiêu cực, đối tượng khó khăn nhưng là những giải pháp gì, cụ thể thế nào vẫn rất cần.
Tôi nghĩ đối với thuế thu nhập cá nhân, việc điều chỉnh là việc chắc chắn Quốc hội phải làm vì mức thuế thu nhập cá nhân trước đây định ở mức cứng trên cơ sở 4 triệu đồng trở lên nộp thuế. Mức cứng đó không phù hợp.
Tôi cũng rất mong Quốc hội xem xét, điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng giảm. Năm ngoái bội chi tới khoảng 108 nghìn tỷ. Không nên cứ để vượt thu như vậy để yên tâm bội chi ngân sách nhiều. Nói cách khác là đừng nên huy động tất cả tiền làm ăn được của doanh nghiệp vào túi ngân sách chung để ngân sách nhà nước lại đi đầu tư, chi tiêu.
- Xin cảm ơn bà!
(vef)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com