Ông Cao Sỹ Kiêm. |
Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh mạnh tỷ giá VND/USD vừa qua đã tạo nên nhiều phản hồi trái chiều.
Phân tích cụ thể về sự kiện này, đứng trên góc độ là nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia và Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, TS. Cao Sỹ Kiêm nói với VnEconomy trưa 17/2:
- Việc điều chỉnh tỷ giá vừa qua là đúng và kịp thời. Việc điều chỉnh có hai tác động: tạo nên cung cầu mới, tạo khả năng thu USD vào thuận lợi hơn, góp phần chống nhập siêu, hạn chế găm giữ USD.
Nhưng, nó cũng gây tăng chi phí cho một số mặt hàng mà doanh nghiệp trong sản xuất phải sử dụng nhiều ngoại tệ để nhập thiết bị, tư liệu sản xuất. Làm tăng như thế thì sẽ kích thích lạm phát và đẩy giá lên. Bởi vì khi chi phí đã vào giá thành thì sẽ tạo điều kiện cho giá tăng. Đấy là một bất lợi khiến lạm phát tăng lên.
Và khi mà lạm phát tăng lên thì lãi suất một là không giảm được, hai là cũng phải tăng lên. Lãi suất cũng là biểu hiện của sức khỏe đồng tiền, là giá đồng tiền, phản ánh thực trạng nền kinh tế, thì có những mặt trái như thế.
Nhưng nếu nhìn về tổng thể toàn cục, việc tăng lên giải quyết được nhiều vấn đề tốt hơn: theo nguyên tắc thị trường, theo hội nhập, tạo lòng tin, tạo nên yếu tố minh bạch, chống gây ra găm giữ và rủi ro đầu cơ. Nhìn chung thì cái lợi nhiều hơn cái hại.
“Vít” lâu nên phải nới mạnh
Về thời điểm điều chỉnh, có ý kiến cho rằng đã để quá lâu nên đến khi điều chỉnh thì tăng lớn. Ông nghĩ sao?
Cái đó đúng. Chúng ta chưa giải quyết một cách cơ bản và có hệ thống những điểm gốc nên vừa qua phải xử lý tình huống. Vì lo lạm phát cuối năm 2010 “bục” ra nên một số biện pháp cứng mình đưa ra ngay, thí dụ như “vít” tỷ giá không cho tăng, tuyên bố trước Tết Nguyên đán không thay đổi tỷ giá… Trong khi giá thị trường thì theo cung cầu mà mình không cho theo, vít lại ngay thì tất nhiên nó đóng góp tạo nên ổn định nhưng nó sẽ “bục” ra sau.
Khi cung ít, cầu nhiều thì dứt khoát giá tăng lên thôi. Mình quy định 19.000 đồng/USD mà không có bán thì thị trường nó tăng lên 22.000 đồng/USD. Sự thực họ giao dịch với nhau 22.000 đồng/USD rồi.
Đến khi mình mở ra thì không thể mở thấp được, không thể mở 2-3%. Thị trường tăng lên 10% rồi thì phải mở 9,3% mới sát thị trường, đảm bảo cung cầu.
Điều chỉnh sau Tết thì thanh khoản ngoại tệ dồi dào hơn, chứ để lúc khác sức ép rất lớn. Có xảy ra một số mặt trái, nhưng cũng có nhiều cái lợi, và lợi nhiều hơn thì ta làm.
Quá trình “vít” lại có ảnh hưởng gì đến dự trữ ngoại hối?
Ảnh hưởng chứ. Vì mình không mua được, mà mình tuyên bố 19.000 đồng/USD thì những cái rất cần thiết vẫn phải đáp ứng 19.000 đồng/USD. Mà cái ấy chủ yếu lấy ở dự trữ ra. Thêm vào thì không có, dự trữ phải nhả ra, nên ảnh hưởng đến dự trữ là có thật.
Nhưng được một cái là tuyên bố như thế đỡ kích tăng giá lên, hai là những ông găm giữ, đầu cơ cũng phải dè chừng. Cũng được một số mặt thôi.
Trong những giải quyết của mình hiện nay, có nhiều vấn đề mình không cơ bản nên phải chấp nhận những tác động phụ. Chứ ở nước ngoài, thí dụ tăng tỷ giá đã có lộ trình rồi, hoặc là có trích rủi ro tỷ giá rất đầy đủ, nên tăng bao nhiêu không sợ gì cả. Mình không có cái này, hoặc là rất nhỏ, nên tăng quá một cái là doanh nghiệp chơi vơi ngay.
Đấy là do khiếm khuyết của mình, nền kinh tế chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh. Thứ nữa là mình giải quyết tình thế nhiều cho nên chưa giải quyết được cơ bản.
Có quan điểm rằng nếu giữ nguyên biên độ thì chỉ phải phá giá hơn 7%, sẽ bớt ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Ông có thể nói gì?
Không. Bây giờ chúng ta phải dùng cả hai, một là biên độ và hai là giá chính. Trong tình hình hiện nay, nhất là Việt Nam, vấn đề tâm lý rất nặng nề, nhiều cái đồn thổi, thiếu thông tin, tạo tâm lý ảo...
Cho nên, trong thời điểm hiện nay phải nâng giá chính lên sát cung cầu để tránh lợi dụng, nhưng cũng còn phải kéo sát biên độ, để nếu có anh nào muốn lợi dụng cũng không làm được.
Tất nhiên, cái này đòi hỏi một điều kiện nữa, nếu không lại là hình thức và phản tác dụng. Đã xây dựng mặt bằng lớn hơn, cụ thể như thế này rồi, thì Ngân hàng Nhà nước phải rất linh hoạt, rất chủ động, khi có diễn biến thì phải thay đổi, xử lý ngay. Chứ nếu để như trước, cách quãng ra thì lại "cứng đơ" lại. Bắt đầu có biến động thì phải chỉnh, chỉnh, chỉnh… thì mới linh hoạt, mới giúp thị trường thông thoáng, không bị "nhảy cóc" nữa.
Vấn đề tâm lý với Việt Nam nặng nề lắm. Người ta hốt hoảng với nhiều cách xử lý của chúng ta rồi, nên cứ tự xử lý thôi. Người ta nghĩ, họ nói vậy chứ chưa chắc đã làm được, chưa chắc đã có, nên tôi phải tự đối phó trước.
Cho nên, sát được như thế này và kiểm tra thường xuyên, uốn nắn thường xuyên thì có lợi hơn và minh bạch hơn. Mấy hôm nay, tôi theo dõi các ngân hàng thương mại mua tốt hơn, dự trữ cao hơn, tình hình đỡ căng thẳng hơn và doanh nghiệp cũng dễ thở hơn, khả năng lợi dụng ít hơn...
Có phải việc điều chỉnh lần này là "hết sách" để có thể kìm hơn được nữa?
Đúng rồi. Giải quyết mà khả dĩ được thì tốt, nếu không được thì phải làm bài cuối cùng thôi. Nếu không được thì có khi phải trở lại giải pháp mệnh lệnh hành chính, tình thế. Nếu để cái đó xảy ra nhiều thì rất nguy hiểm, vì hành chính, mệnh lệnh là kỵ với thị trường, càng lợi dụng nhiều càng gây khủng hoảng cho kinh tế.
Tác động đến lạm phát không nhiều
Cách thức điều hành thị trường ngoại hối với biên độ hẹp, thay đổi linh hoạt hiện nay cũng từng được sử dụng nhưng vì sao lại bỏ?
Trước bỏ đi vì là biện pháp tình thế. Hiện nay, tinh thần là tỷ giá sẽ theo hình lượn sóng, người ta thấy nay lên, mai xuống thì cứ để kệ nó, người ta yên tâm hơn, không găm giữ. Chứ vọt phát nhảy lên rồi đứng lại thì bị đồn thổi ngay, lợi dụng đánh quả ngay.
Theo ông thì mức độ tác động đến lạm phát của đợt điều chỉnh lần này như thế nào?
Định lượng tác động vào lạm phát, tôi cho rằng cũng không nhiều, không quyết định lớn, vì lạm phát của chúng ta có nhiều nguyên nhân.
Lạm phát vừa qua không chỉ có nguyên nhân tiền tệ, không phải chủ yếu do yếu tố tiền tệ, mà còn do bội chi ngân sách cao, hiệu quả kinh tế kém, do nhập siêu quá lớn, rồi thì do những cân đối vĩ mô của chúng ta vừa qua giải quyết chưa triệt để. Nói cách khác là nền tảng ổn định vĩ mô không giải quyết triệt để.
Vừa qua chúng ta có làm được một số cái, nhưng mới là giải quyết tình thế, trước mắt, như hạn chế tăng tỷ giá, hạn chế cho vay nhập khẩu những mặt hàng này, cấm tăng giá một số mặt hàng nọ… toàn những biện pháp cấp cứu, nhưng biện pháp cơ bản chưa giải quyết được. Những vấn đề về năng suất lao động, nhập siêu cao, bội chi ngân sách cao, về hệ số ICOR cao vẫn còn nguyên vẹn, mà đó là những yếu tố trực tiếp dẫn đến lạm phát. Cho nên lạm phát vẫn rình rập, đe dọa.
Không thể hy vọng dùng một chính sách mà giải quyết được vấn đề lớn, mà mỗi thứ vào một tí thì sẽ tạo chuyển biến lớn. Cho nên việc điều chỉnh tỷ giá lần này tuy có hiệu ứng không tốt cho lạm phát, tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhưng ta phải chấp nhận để lấy lại những cái khác.
Hay nói cách khác, là chúng ta buộc phải chuyển từ giải pháp tình thế sang bền vững. Mình chấp nhận lạm phát tăng lên.
Để giải quyết lạm phát thì phải xử lý đồng bộ nhiều yếu tố của các lĩnh vực khác, thí dụ như nhập siêu, năng suất lao động, công ăn việc làm để tạo sức mua, rồi xử lý những cái gây rủi ro cho nền kinh tế nhiều, những yếu tố không tích cực cho nền kinh tế…
Chính sách thì không thể ai cũng lợi
Vậy theo ông, tình hình giá cả đầu vào, chi phí vốn cao như hiện nay có ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp?
Rất gay go. Tất nhiên, một số anh cũng chịu đau đớn, chứ không đơn giản đâu. Nhưng chính sách thì bao giờ cũng thế, có cái được, có cái mất, có anh được lợi, có anh phải chấp nhận thua thiệt… Không thể có cách cào bằng như nhau được.
Những doanh nghiệp lớn có thể lấy chỗ khác bù vào thì còn được. Còn những doanh nghiệp nhỏ thì một là phải chấp nhận bất cứ giá nào, theo kiểu uống thuốc độc chết từ từ. Hai là không làm ăn gì nữa, tôi đi chơi, đi lễ hội các thứ...
Cách đây một năm, lượng vay USD tăng rất mạnh, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước. Với những người vay USD từ năm ngoái thì thế nào?
Thua lớn. Là vì lúc đó không cần USD cũng vay để hưởng chênh lệch. Nay giá USD tăng thế này nghĩa vụ trả nợ rất lớn. Trước đây vay USD chỉ có 17-18 nghìn đồng/USD thôi, nay trả nợ 21 nghìn đồng USD thì dứt khoát là "bị" rồi.
Những doanh nghiệp nào thì được thuận lợi?
Những ông xuất khẩu thì được lợi thấy rõ rồi. Ví dụ là trước kia ông xuất hàng được 19.000 đồng/USD thì bây giờ được 22.000 đồng/USD.
Chứ còn mua nguyên liệu bán thành phẩm, nhập tất cả vật tư nguyên liệu mà làm một tí gia công thì có khi lại chịu lạm phát kép của nước ngoài, hiện vật tư nguyên liệu của người ta đang tăng giá do lạm phát của họ, ông xuất khẩu mà lại phải nhập vào với giá cao của họ, cộng với lạm phát của mình, có khi nếu không tính toán kỹ làm càng nhiều càng lỗ…
Chưa đến lúc thả nổi, kết hối
Như ông phân tích thì điều hành tỷ giá nên theo tín hiệu thị trường. Vậy liệu có đến lúc phải tính đến thả nổi tỷ giá?
Thả nổi tỷ giá là tốt. Phấn đấu đến lúc nào đó thả nổi tỷ giá, thả nổi lãi suất, lúc mà nền kinh tế hoàn chỉnh rồi và hoàn toàn kiểm soát được. Chứ bây giờ phải có bàn tay nhà nước, thả nổi sẽ hỗn loạn ngay.
Nếu kết hối ngoại tệ như một đại diện ngân hàng khuyến nghị gần đây thì sao, thưa ông?
Chưa được. Kết hối ngoại tệ là biện pháp sử dụng trong lúc cùng cực. Bây giờ thì chưa được. Vì đã dùng kết hối là mệnh lệnh, cách điều hành hành chính, bắt các anh phải bán từ này, chỉ được dùng bằng này… Cái đó chỉ có khi lạm phát đến mức sụp đổ mới phải làm, chứ hiện nay, nếu đưa ra là "chết" ngay, sẽ làm cho thụt lùi lại.
Kết hối là biện pháp cuối cùng, bất lực rồi mới làm. Tất nhiên được hiệu quả một chút trước mặt nhưng có thể gây hậu quả, đặc biệt là lòng tin của nhà đầu tư.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com