“Trong bối cảnh hiện nay, không phải DN nào cũng có điều kiện để đầu tư công nghệ sạch, áp dụng nhiên liệu sạch... vào sản xuất để bảo vệ môi trường. Vấn đề là phải có lộ trình và có sự hỗ trợ của Nhà nước” - Ông Bùi Cách Tuyến - Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường đã chia sẻ với DĐDN nhân ngày môi trường thế giới 5/6.
Ông Tuyến cho biết, trong năm 2011, kế hoạch kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung vào nhóm các cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên lưu vực các sông: Cầu, Nhuệ - Đáy và hệ thống sông Đồng Nai, các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản trên phạm vi cả nước, các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng nhưng chậm xử lý theo tiến độ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Thưa ông, bảo vệ môi trường là một trong những trụ cột trong phát triển bền vững của DN. Tuy nhiên, ngay việc xử lý rác và nước thải trong DN vẫn đang có nhiều vấn đề ?
Theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đối với một DN đang hoạt động phải xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch quản lý môi trường (thể hiện trong báo cáo ĐTM hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường được phê duyệt, chứng nhận). Thông thường, có ba vấn đề cần phải được thực hiện: xử lý khí thải, nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và quản lý chất thải rắn trong đúng các quy định của pháp luật, trong đó đặc biệt là chất thải rắn nguy hại.
Có nhiều cách để DN thực hiện được các yêu cầu nói trên. DN có thể đầu tư, cải tiến các công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, áp dụng sản xuất sạch hơn, tận dụng chu trình tái sử dụng nguyên, vật liệu, giảm thiểu việc phát sinh chất thải. Trong chuyên môn, người ta thường gọi đây là phương pháp xử lý đầu đường ống với ưu điểm là khi đã giảm thiểu được việc phát sinh chất thải cũng đồng nghĩa với việc DN tiết kiệm được chi phí cho việc xử lý chất thải. Cách thứ hai mà DN có thể tiến hành, đó là đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải (bao gồm nước thải và khí thải), đảm bảo đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Người ta gọi đây là phương pháp xử lý cuối đường ống với việc chi phí để xử lý chất thải thường lớn hơn rất nhiều so với phương pháp xử lý đầu đường ống đã nói ở trên.
Hiện nay, các nhà khoa học thường khuyến cáo các DN nên áp dụng phương pháp xử lý đầu đường ống để đảm bảo việc tăng tính cạnh tranh, phát triển bền vững cho chính DN.
- Nhưng trên thực tế, bất chấp những lời cảnh báo của giới chuyên môn, nhiều DN vẫn đang có hành động đầu độc môi trường. Vedan, Tung Kuang... là những ví dụ, thưa ông ?
Trong bất cứ lĩnh vực xã hội nào, việc còn tồn tại các hành vi vi phạm pháp luật là điều khó tránh. Vấn đề là chúng ta phải làm sao để những hành vi này sớm được đưa ra ánh sáng và bị xử lý nghiêm, tạo sự răn đe cho bất cứ DN nào đang có hành vi tương tự. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện một bước các quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tăng cường lực lượng kiểm tra, thanh tra về môi trường, ký kết các quy chế phối hợp với lực lượng cảnh sát đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường để qua đó nâng cao hiệu quả của hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tôi tin tưởng rằng bất cứ một DN nào nếu đã và đang có các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường sẽ sớm bị phát hiện và bị xử lý nghiêm khắc.
- Việc sử dụng công nghệ sạch, nhiên liệu sạch để bảo vệ môi trường đang là một xu hướng trên toàn cầu. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận không nhỏ DN cho rằng điều này khó khả thi trong hoàn cảnh VN hiện nay ?
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá toàn diện những cơ chế hỗ trợ ưu đãi nhằm khuyến khích DN áp dụng công nghệ sạch, nhiên liệu sạch nhằm xem xét những khó khăn, vướng mắc nảy sinh để có những biện pháp điều chỉnh kịp thời. |
Việc khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, nhiên liệu sạch đã trở thành một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng vừa qua. Cũng vừa mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị bàn tròn quốc gia về sản xuất và tiêu thụ bền vững với sự tham gia của hàng trăm DN. Hội nghị đã nhấn mạnh tới những lợi ích của việc áp dụng công nghệ sạch, nhiên liệu sạch trong bản thân DN nhằm hướng tới một sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, đúng là trong bối cảnh VN hiện nay, không phải DN nào cũng có điều kiện để đầu tư công nghệ sạch, áp dụng nhiên liệu sạch. Vấn đề là phải có lộ trình và có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, từ Luật Bảo vệ môi trường 2005 tới các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành, đã có rất nhiều các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích DN áp dụng công nghệ sạch, nhiên liệu sạch, từ việc miễn giảm thuế thu nhập DN trong thời gian đầu, miễn giảm thuế nhập khẩu cho đến những chính sách hỗ trợ cho vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay... Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính khảo sát, đánh giá toàn diện những cơ chế hỗ trợ này, xem xét những khó khăn, vướng mắc nảy sinh để có những biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Giải pháp quan trọng vẫn là phải tăng cường công tác tuyên truyền để DN có nhận thức đầy đủ hơn về những lợi ích có được khi áp dụng sản xuất sạch. Đúng là khi áp dụng sản xuất sạch, chi phí đầu tư ban đầu thường lớn dẫn đến lợi nhuận ban đầu giảm. Tuy nhiên, đối với những DN hoạt động lâu dài thì điều mà họ quan tâm là những lợi nhuận lâu dài về sau.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng !
(Theo Quốc Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com