Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gia tăng bất thường số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Ông Điều Bá Được - Trưởng ban Chính sách thực hiện bảo hiểm (BHXH Việt Nam) trả lời phỏng vấn về thực trạng gia tăng số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Thời gian qua, nhiều địa phương xảy ra hiện tượng nhiều người lao động đổ xô đi đăng ký BHTN, theo ông đâu là nguyên nhân?

Việc gia tăng số người tham gia BHTN có thể khẳng định, loại hình bảo hiểm này dù mới triển khai nhưng đến nay đã có nhiều ưu điểm nên sớm đi vào cuộc sống. BHTN bắt đầu thực hiện từ 1.1.2009, đến nay có khoảng trên 7 triệu người tham gia và số lượng ngày càng gia tăng đã cho thấy đây là chính sách rất cần thiết cho người sử dụng lao động và nhất là người lao động.

Tuy nhiên, sự gia tăng BHTN còn liên quan tới nhiều nguyên nhân khác, trong đó có nguyên nhân khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, dù nguyên nhân nào thì hiện tượng đăng ký BHTN gia tăng tới mức bất bình thường như thời gian vừa qua là cần phải xem xét, nghiên cứu lại.

Hiện mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động là 1%, người lao động 1% và Nhà nước hỗ trợ 1%. Thực tế đã có tình trạng người sử dụng lao động “bắt tay” với người lao động để “trục lợi” từ chính sách và hiện tượng gia tăng đăng ký thất nghiệp vừa qua chỉ là thất nghiệp ảo.

Ông có thể phân tích cụ thể hơn hiện tượng thất nghiệp ảo là như thế nào?

Theo quy định, người lao động chỉ cần đóng từ đủ 12 đến 36 tháng là được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) 3 tháng. Trong khi mức đóng lại rất thấp nên có thể nhiều người lao động không thất nghiệp thực sự vẫn đăng ký hưởng TCTN.

Trường hợp người lao động chấm dứt việc làm ở doanh nghiệp này, sau đó lại trở lại chính doanh nghiệp đó làm việc hoặc ký hợp đồng với doanh nghiệp khác là việc chủ động mất việc làm. Cho nên, có thể phải xem xét các trường hợp này, họ vẫn có việc làm nhưng lại thanh toán BHTN. Đây là vấn đề chúng tôi thấy cần phải quản lý tốt hơn, nếu không sẽ dẫn tới những “kẽ hở” người lao động lạm dụng.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp phá sản thường nợ đọng BHXH, BHTN, nên chính những lao động trong các doanh nghiệp này- người thực sự thất nghiệp- lại không được hưởng chính sách do không đủ hồ sơ, trong khi các đối tượng khác lại lạm dụng được chính sách. Ông đánh giá thế nào về thực tế này?

Trước hết, phải khẳng định số người tham gia BHTN có tốc độ tăng cao cũng là phù hợp để thực hiện nguyên tắc số đông bù số ít. Tất nhiên, chúng ta không bao giờ muốn gia tăng số người thất nghiệp lớn, bởi đó sẽ là vấn đề chứng minh nền kinh tế không ổn định.

Tất nhiên, trên thị trường lao động vẫn còn nhiều trường hợp người lao động thất nghiệp chưa được hưởng thụ từ chính sách này, nguyên nhân do người sử dụng lao động không đóng BHTN cho người lao động. Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng theo tôi con số đó cũng không phải là nhỏ.

Vậy theo ông, làm thế nào để doanh nghiệp không nợ đọng BHXH, BHTN, đảm bảo quyền lợi của người lao động?

Theo tôi, nợ BHXH, BHTN cũng là một vấn đề diễn ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp, và tất nhiên người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Ví như trường hợp xảy ra ở vụ sập cầu Cần Thơ, nhiều người lao động do không được đóng BHXH nên không được hưởng trợ cấp tai nạn lao động, chỉ được hưởng một khoản đền bù từ phía chủ đầu tư. Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp tương tự khác khi chủ sử dụng lao động phá sản, bỏ trốn...người chịu thiệt nhất vẫn là người lao động và người nhà của họ.

Tôi nghĩ việc nợ đọng chủ yếu do nhận thức trách nhiệm của chủ sử dụng lao động không nghĩ tới lâu dài mà chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt. Thực tế, nhiều doanh nghiệp tính được lâu dài thì việc đóng BHXH cũng là cách để “giữ chân” người lao động. Ngoài ra, bản thân người lao động cũng không nhận thức được quyền lợi của mình để đòi hỏi quyền được đóng BHXH.

Chế tài của chúng ta hiện chưa đủ sức răn đe. Hiện việc nợ BHXH, quy định phạt nộp chậm chỉ tính mức lãi suất còn thấp hơn của lãi suất ngân hàng nên dễ dẫn đến doanh nghiệp lợi dụng quy định này để chây ì. Có nhiều vụ khởi kiện, dù đã đưa ra toà, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không thể thi hành được án nên rất khó khăn. Thậm chí, có doanh nghiệp toà xử rồi vẫn còn tiếp tục chây ì.

Để những người lao động thất nghiệp tiếp cận được với chính sách BHTN và hạn chế tình trạng nợ BHXH, theo ông cần có những biện pháp gì?

Tôi nghĩ, cần phải tăng tính tuân thủ của pháp luật. Ở nước ta vẫn phổ biến hiện tượng người chủ sử dụng không đăng ký sử dụng lao động, không có hợp đồng lao động... Hiện chúng tôi đang phối hợp với Bộ LĐTBXH khảo sát đánh giá 5 năm thực hiện Luật BHXH .

Đúng là chính sách BHXH và các quy định về BHTN sau một thời gian triển khai đã nảy sinh nhiều vấn đề, cần được rà soát lại để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, cần đánh giá lại hiệu quả việc đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm để người lao động trở lại thị trường sớm nhất. Nếu cứ trông vào TCTN mãi thì sẽ không ổn.

Tuyên bố trách nhiệm:Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

(Báo điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi