Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

‘Nền kinh tế có thể đình đốn nếu lãi suất không giảm’

“Cần tính tới khả năng, nếu không để lãi suất giảm chút ít để doanh nghiệp đầu tư trở lại, thì rất có thể chúng ta sẽ rơi vào tình cảnh vừa đình đốn, vừa lạm phát”.

Quan điểm trên được TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia đưa ra khi trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề thắt chặt tiền tệ hiện nay của Ngân hàng Nhà nước.

Thưa ông, ông nghĩ sao trước thực tế là Chính phủ đang nỗ lực thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát còn doanh nghiệp thì lại kêu cứu vì thít chặt quá?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là còn chống lạm phát thì còn phải thắt chặt tiền tệ. Nhưng quan trọng là thắt chặt bằng cách nào. Nếu sử dụng các công cụ hành chính thì khiến các ngân hàng thương mại xoay xở không được. Những ngân hàng trung thực thì cảm thấy bị gò bó, với ngân hàng không trung thực thì họ cảm thấy thích thú vì họ có thể lách, thay vì cấp tín dụng thì họ chuyển sang mua trái phiếu, ủy thác đầu tư...

Chính vì thế, quan trọng là cần đưa ra công cụ nào để có tính hữu hiệu và công bằng cho tất cả các ngân hàng thương mại. Công cụ truyền thống và cổ xưa nhất được các nước áp dụng từ lâu vẫn là dự trữ bắt buộc, hoặc công cụ chiết khấu, tái chiết khấu, nghiệp vụ thị trường mở...

Tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vừa qua có nói là đến giữa tháng 9, lãi suất có thể giảm xuống 17 – 19%. Theo ông điều này có khả thi?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi cũng hy vọng, đến tháng 9 thì lãi suất có thể giảm, nhưng giảm bao nhiêu thì còn phải tính toán. Theo quan sát của tôi, trong một vài tuần gần đây, một số ngân hàng thương mại lớn đã giảm lãi suất 1 - 2%.

Lý do để có thể giảm được là bởi phụ thuộc vào các yếu tố như lạm phát tính theo tháng đã bắt đầu giảm tương đối mạnh, tính thanh khoản của các ngân hàng cũng tốt hơn, lãi suất liên ngân hàng ở mức khá ổn định và khá thấp... nên cơ hội giảm lãi suất chút ít trong vài tháng tới là có thực.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng chưa có cơ hội để giảm lãi suất vì lạm phát tính theo năm vẫn còn rất cao, trên 20%. Nhưng tỷ lệ lạm phát đó là do nó còn chứa đựng những yếu tố khác, chẳng hạn là giá thực phẩm, sữa, xăng dầu... tăng quá cao trong những tháng vừa qua.

Song, chúng ta cần tính tới khả năng, nếu không để lãi suất giảm chút ít để doanh nghiệp đầu tư trở lại, thì rất có thể chúng ta sẽ rơi vào tình cảnh vừa đình đốn, vừa lạm phát thì rất nguy hiểm. Khi đó sản lượng giảm và giá cả thì tiếp tục tăng.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia có ý kiến gì trước thực tế không ít ngân hàng không thể cho vay vì dư nợ tín dụng thấp, trong khi các ngân hàng dư vốn nhưng không đẩy được vốn ra vì vướng trần tín dụng?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Chỉ tiêu để khống chế tốc độ tăng trưởng tín dụng thì ngoài những chỉ tiêu chung Chính phủ đã cho phép chẳng hạn như 20%/năm thì đối với ngân hàng thương mại, có thể căn cứ vào tỷ an toàn vốn tối thiểu của họ để khống chế. Các ngân hàng có thể tăng tổng tài sản nhưng không được vi phạm quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Như thế thì có những ngân hàng nhỏ vừa tăng vốn điều lệ thì họ có thể tăng tổng tài sản nhanh hơn, nhưng có cũng có những ngân hàng thì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu chỉ mới có 7% thì phải khống chế mạnh tỷ lệ tăng trưởng tổng tài sản.

Ở Việt Nam, các ngân hàng thương mại quốc doanh thường lại là những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp, trong khi muốn tăng vốn cho các ngân hàng này lại phụ thuộc vào ngân sách của Chính phủ, đây là một điều khó khăn.

Có thể cần phải có một quy định đặc biệt nào đó đối với ngân hàng thương mại nhà nước, còn với ngân hàng thương mại cổ phần thì nhất thiết phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, để căn cứ vào đó cho phép họ có thể tăng tổng tài sản và tăng trưởng tín dụng lên bao nhiêu.

Có thông tin sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ chặn lãi suất đầu ra. Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia có ý kiến gì không, thưa ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Nếu xảy ra thì đấy không phải là một biện pháp tốt. Theo tôi, chúng ta cần thiết lập lại một trật tự của thị trường lãi suất, thoát khỏi các biện pháp hành chính, cần phải loại bỏ khái niệm trần - sàn, kể cả đối với huy động và cho vay.

Một ngân hàng muốn hoạt động có hiệu quả thì cần phải tạo ra những quan hệ tín dụng chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại. Ngoài những công cụ hiện có như nghiệp vụ thị trường mở, chiết khấu thì cần phải sử công cụ dự trữ bắt buộc, yêu cầu các ngân hàng thương mại hàng tháng phải đối chiếu với Ngân hàng Nhà nước xem ngân hàng đó còn nợ bao nhiêu dự trữ bắt buộc, qua đó có thể kiểm soát thanh khoản của các ngân hàng thương mại dễ dàng hơn.

Trước tình hình lạm phát đang tăng cao, có ý kiến nên tăng dự trữ bắt buộc. Ông có tán thành?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Hiện nay tình hình vẫn đang “méo mó” hết, nên cũng khó biết được nếu sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc thì chúng ta phải tính toán tăng giảm bao nhiêu, mà làm được thì trước hết phải bỏ hết công cụ hành chính.

Hiện các ngân hàng thương mại rất thích các công cụ hành chính vì bởi với công cụ đó họ rất dễ lách, dễ trốn. Còn với công cụ thị trường thì ràng buộc họ chặt chẽ hơn nên họ không ưa gì. Dự trữ bắt buộc là một trong những cộng cụ như vậy.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia có khuyến nghị gì đối với chính sách tiền tệ hiện nay, thưa ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới cần thiết lập lại trật tự thị trường trên lĩnh vực tiền tệ. Xóa bỏ các công cụ hành chính không hiệu quả, hình thành hệ thống lãi suất chuẩn để điều hành thị trường hiệu quả hơn.

(NDHMoney)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi