Tiến sĩ Đặng Kim Sơn. |
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trao đổi với TBKTSG về những thách thức trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
TBKTSG: Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có đóng góp của ngành nông nghiệp, thì tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong mấy năm qua. Quan điểm của ông như thế nào?
- Đó là điều chắc chắn và không phải bàn cãi. Nông nghiệp luôn trở thành phao cứu sinh cho đất nước khi kinh tế gặp khủng hoảng. Hãy xem lại ba lần gần đây.
Thứ nhất là cuối thập kỷ 1980 gặp khủng hoảng giá lương tiền, Việt Nam không còn nguyên liệu, vốn và thị trường. Những năm đó công nghiệp tăng trưởng âm. Nhưng nhờ có Khoán 10, Chỉ thị 100, rồi tự do hóa thương mại nên cả nông nghiệp và dịch vụ đều phát triển, giúp đất nước vượt qua khó khăn.
Lần thứ hai là cuối thập kỷ 1990, khi châu Á rơi vào khủng hoảng tài chính. Hàng hóa của Việt Nam hướng về Đông Nam Á nên cả công nghiệp và dịch vụ đều suy giảm. Lúc đó chúng ta lại tăng đầu tư cho nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại và nhờ đó lại vượt lên.
Lần thứ ba là 10 năm sau đó, vì cả thế giới gặp khủng hoảng nên tác động đến cả công nghiệp và dịch vụ. Và lại một lần nữa, nông nghiệp tiếp tục vượt lên, đảm bảo được an ninh lương thực. Rất may là trong cả ba lần kinh tế khó khăn, chúng ta đều được mùa.
Mấy năm gần đây, nước ta vừa được mùa, vừa được giá nên nông dân hăng hái sản xuất. Nếu nông dân không hăng hái sản xuất thì lạm phát không biết còn đến đâu. Tóm lại, ngành nông nghiệp đảm bảo việc làm, kìm giữ lạm phát và giúp giảm nhập siêu, ba yếu tố rất quan trọng cho kinh tế vĩ mô. Mỗi một lần kinh tế khó khăn, thì ngành nông nghiệp lại cứu đất nước này.
TBKTSG: Nhưng bản thân ông và không ít chuyên gia nông nghiệp luôn phàn nàn là ngành nông nghiệp bị đối xử chưa xứng đáng, ví dụ như đầu tư từ ngân sách thấp. Vì sao thế?
- So với các nước, Việt Nam là nước đầu tư cho nông nghiệp vào loại thấp, cơ cấu đầu tư bất hợp lý. Chúng ta rất cần đầu tư cho khoa học công nghệ, khuyến nông, đào tạo, nhưng đầu tư cho nông nghiệp chủ yếu rơi vào các công trình xây dựng. Theo tôi, vấn đề không phải là tăng đầu tư mà là ưu tiên đầu tư và đầu tư có hiệu quả.
Về tổng thể, trong giai đoạn hiện nay Nhà nước không thể có nhiều tiền đầu tư cho nông nghiệp. Tất cả các nước trên thế giới đều như thế. Mới đầu là giai đoạn lấy đi từ nông nghiệp, sau đó lấy ít dần và rồi tăng dần đầu tư cho nông nghiệp đến điểm cân bằng. Sau điểm đó thì mới thực sự tăng đầu tư vào nông nghiệp được. Cái điểm ấy đạt được khi nông nghiệp chiếm khoảng 15% GDP (hiện nay là 20% và phấn đấu đạt 18% vào năm 2015). Về chính sách, Việt Nam hầu như không lấy đi từ nông nghiệp nữa, nhưng có lúc nông nghiệp vẫn bị lấy đi qua cánh kéo giá, tức tăng giá nông sản thấp hơn so với tăng giá vật tư, dịch vụ, giá giao thông vận tải, giá điện hay tỷ giá.
TBKTSG: Ông nghĩ thế nào về cách ứng xử hiện nay với đất nông nghiệp?
- Trong quá trình công nghiệp hóa, việc lấy đất, lao động, vốn và nguồn nước từ nông nghiệp là chuyện tất yếu. Hiện nay, chúng ta lấy đất nông nghiệp cho ba mục đích chính là công nghiệp, công trình xây dựng hạ tầng, và dịch vụ (như sân golf, resort). Đương nhiên chúng ta phải ưu tiên hai nhóm đầu và phải lấy đất sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, khi lấy xong phải đưa công trình vào sử dụng. Nhưng vừa qua không phải như thế. Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên ở Bắc bộ hay Cần Thơ, Tiền Giang ở Nam bộ người ta chỉ lấy toàn đất lúa rồi bỏ đấy, như khu công nghiệp Đình Vũ ở Hải Phòng, hay khu công nghiệp Trà Nóc tại Cần Thơ. Bờ xôi ruộng mật lấy làm công nghiệp, nhưng lấy xong bỏ đó là không thể chấp nhận được.
TBKTSG: Về việc này, Thủ tướng đã yêu cầu các tỉnh lấy đất lúa làm dự án phải báo cáo. Diễn biến hiện nay thế nào, ông có cập nhật được không?
- Chúng ta phân cấp cho cấp tỉnh được cấp đất làm dự án, cho nên dự án lớn đến cỡ nào thì Thủ tướng mới quản lý. Có tình trạng, các dự án xin cấp đất quy mô nhỏ, rồi mới mở rộng sau để tránh phải trình Thủ tướng. Thứ hai là chuyện bồi thường cho nông dân gây nhiều bức xúc do giá cả bất hợp lý và không đáp ứng nhu cầu sống và làm việc của người dân.
TBKTSG: Gần đây, nông dân ở một số tỉnh ĐBSCL đã tích tụ được ruộng đất và có thể áp dụng cơ giới hóa. Nhưng có ý kiến lo ngại là xuất hiện tầng lớp địa chủ mới, rồi bất công... Ông nhìn nhận thực tế này như thế nào?
- Thứ nhất, cái người ta lo ngại hình thành tầng lớp địa chủ mới, thì ngoài giải pháp đất đai hệ thống chính trị, hệ thống pháp luật của chúng ta có rất nhiều biện pháp để ngăn chặn. Thế nào là địa chủ? Địa chủ là người dựa vào vốn đất, rồi phát canh thu tô, giao cho nông dân khác canh tác rồi thu lại địa tô. Có rất nhiều cách để ngăn chặn hiện tượng này.
Thứ hai, người ta lo ngại doanh nghiệp nông nghiệp, tức doanh nghiệp mua đất, rồi thuê nông dân làm kiểu đồn điền. Nhưng cách đó rất khó làm trong nông nghiệp vì không quản lý được hiệu quả kém. Người ta cũng lo ngại phát triển kinh tế trang trại nhưng đối với những vùng chuyên canh như ĐBSCL, Tây Nguyên, Đông Nam bộ thì phát triển kinh tế trang trại là cách tốt nhất để nâng cao hiệu quả sản xuất. Vấn đề chỉ là Nhà nước làm sao rút lao động ở nông thôn ra, tạo việc làm cho họ trong quá trình công nghiệp hóa, chứ không phải là chuyện địa chủ bóc lột nông dân. Phải xử lý được cả hai vấn đề này để có thể tích tụ đất đai.
TBKTSG: Làm sao công nghiệp hóa nông thôn khi mà đất đai quá manh mún như vậy, thưa ông?
- Đất đai manh mún lại là câu chuyện khác. Ở miền Nam, nếu thị trường phát triển tốt, luật pháp cho phép nông dân tích tụ ruộng đất, giao quyền sử dụng đất lâu dài hơn hiện nay, thì khả năng tích tụ là có. Ở miền Bắc tình hình khó hơn khi lao động nông nghiệp rời khỏi nông thôn, không bước được vào thị trường lao động chính thức.
Họ làm nghề chạy xe ôm, cửu vạn, giúp việc, thợ xây... ở thành phố, tất cả những nghề đó không có hợp đồng, không có bảo hiểm, bất kỳ lúc nào cũng có thể bị đuổi việc. Vì thế họ sống chết giữ mảnh đất đó để đề phòng cơ nhỡ. Như thế, mảnh đất đó vừa không sinh lợi, lại không được tích tụ lại vào tay người thật sự sản xuất.
Đối với miền Bắc, muốn xử lý thị trường đất đai thì phải xử lý được thị trường lao động. Chừng nào, người nông dân đi được vào thị trường lao động chính thức, thì chừng đó đất đai ở nông thôn mới tích tụ được, và việc dồn điền đổi thửa mới thành công.
TBKTSG: Ông hình dung phải mất khoảng bao nhiêu năm để giải quyết vấn đề đó?
- Có nhiều nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan chỉ mất 15-20 năm để xử lý vấn đề này nhưng cũng có nước như Thái Lan, Philippines mất hàng chục năm mà chưa xong. Các nước xử lý được sẽ tiến hành công nghiệp hóa thành công, còn các nước không xử lý được thì rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
TBKTSG: Hiện nay ở một số vùng nông thôn nhiều làng chỉ còn người già và trẻ em sinh sống, còn lao động chính di cư hết. Ông nhìn hiện tượng này thế nào?
- Đó là quy luật trong quá trình công nghiệp hóa. Lao động sẽ bỏ lĩnh vực năng suất thấp là nông nghiệp chuyển sang khu vực có năng suất cao hơn là công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, ở những nước đã công nghiệp hóa thành công thời kỳ đầu thì tình trạng dễ dẫn đến cách mạng, thậm chí chiến tranh.
Nếu chúng ta vừa muốn công nghiệp hóa, vừa muốn xã hội ổn định thì phải áp dụng các chiến lược đặc biệt. Trung Quốc chủ trương ly nông không ly hương, phát triển doanh nghiệp hương trấn tại chỗ để giữ nông dân. Trung Quốc đã có thành công lớn mà vẫn chưa ổn. Họ có 200 triệu người di cư từ nông thôn ra đô thị, chẳng phải là người đô thị, chẳng phải là người nông dân. Trong khi đó, một số nền kinh tế khác như Đài Loan, Nhật Bản lại làm được. Số công nhân ở đô thị giảm, tăng trưởng dân số cơ học ở thành phố không diễn ra trong quá trình công nghiệp hóa do làm được ba việc. Họ xây dựng cơ sở hạ tầng toàn quốc, giáo dục tay nghề toàn quốc, và từ đó đưa nhà máy, đưa việc làm và thu nhập về nông thôn.
TBKTSG: Vậy ông nhìn nhận trường hợp Việt Nam như thế nào?
- Mô hình của chúng ta gần giống Trung Quốc nhưng với dân số đông, mà diện tích nhỏ thì tình trạng khá gay gắt. Nông dân ta vẫn ly nông và ly hương, nhưng ly hương bán thời gian và bỏ hoang đất đai. Một bộ phận rất đông nông dân không đi vào được cuộc sống đô thị, cũng chẳng còn gắn bó với nông nghiệp. Họ chẳng phải công nhân, chẳng phải nông dân. Tồn tại một cơ cấu xã hội như vậy là rất không ổn.
TBKTSG: Vậy xu hướng như thế nào? Nó có thể thành một sức ép xã hội lớn?
- Kinh nghiệm quốc tế thì đã rõ rồi. Thế giới chia thành hai loại nước. Đa số các nước phát triển đến mức nào đó sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, chỉ một số ít nền kinh tế biết cách đi vào công nghiệp hóa. Với Việt Nam, việc này có thể giải quyết được, nhưng đòi hỏi hệ thống chiến lược chính sách hợp lý và khả năng lãnh đạo, quản lý đất nước. Như vậy, cần cẩn trọng vì xác suất rơi vào bẫy thu nhập trung bình cao hơn là xác xuất thành công.
TBKTSG: Chúng ta đã đưa ra chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn - nông dân rất lớn và tham vọng. Liệu nó có giải quyết được những thách thức đó?
- Đây là bước đi cơ bản đầu tiên, nhưng để đi vào con đường công nghiệp hóa thì cần làm nhiều việc hơn nữa. Đầu tư, xử lý lao động, xử lý đất đai, kết cấu kinh tế... Nếu không, dù đi nhanh hay đi chậm, chúng ta cũng sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, ở mức độ cao hơn hay thấp hơn thôi.
TBKTSG: Chúng ta chỉ còn chín năm để trở thành một nước căn bản công nghiệp theo mục tiêu đề ra từ hai thập kỷ trước. Làm sao xử lý được những thách thức nội tại, nhất là giúp đưa đa số lao động, cư dân nông thôn ra công nghiệp, đô thị?
- Thế nào là một quốc gia công nghiệp hóa? Nếu áp dụng tiêu chuẩn chung, tức GDP đầu người trên 10.000 đô la Mỹ và các tiêu chí của thế giới về một nước phát triển thì chặng đường của Việt Nam còn xa lắm.
Vấn đề không phải là chúng ta có hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa hay không, mà là làm thế nào để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Cứ xem bao nhiêu nước ở Đông Nam Á, hay Mỹ Latin bao lâu nay đã thành rồng, thành hổ mà không cất cánh lên được mức công nghiệp phát triển. Mà phần lớn trong số họ có điều kiện và năng lực khá hơn ta.
TBKTSG: Ông thấy cuộc sống thực của người nông dân như thế nào?
- Trước hết, phải thấy rằng người nông dân đã cải thiện đáng kể về cuộc sống. Cái không ổn là khoảng cách giữa đô thị và nông thôn còn lớn. Nông thôn tiến được một, thì đô thị tiến hai, ba. Vấn đề là tốc độ cải thiện ở nông thôn quá chậm so với công lao đóng góp của nông dân.
Thứ hai, chưa chắc nông thôn có mức tăng tương đối khá so với đô thị là đã ổn. Điều lo ngại nhất chính là cư dân nông thôn có được cơ hội như thế nào trong quá trình công nghiệp hóa. Cầm chắc là cứ 10 nông dân thì hết 9 người sẽ bỏ ruộng đất ra đi trong tương lai. Xin hỏi, nhà họ ở đâu, việc làm của họ ở đâu, và tương lai con cái họ ở đâu trong một xã hội hiện đại? Họ chưa có “cửa” nào và cũng chưa chuyển được mình để thích ứng. Đó là điều cần quan tâm nhất.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com