Theo Giám đốc Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, ông Francis A.Donovan, Đề án 30 đã đạt được 3 thành tựu lớn.
Giám đốc USAID tại Việt Nam, ông Francis A.Donovan. Ảnh: Chinhphu.vn |
Bên lề Hội nghị tổng kết hoạt động của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng tư vấn CCTTHC và ra mắt Cục Kiểm soát TTHC hôm nay (19/2), Giám đốc Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, ông Francis A.Donovan đã có cuộc trao đổi với PV Cổng TTĐT Chính phủ .
Ông đánh như thế nào về những kết quả đã đạt được qua 3 năm triển khai đơn giản hóa TTHC thông qua Đề án 30 tại Việt Nam?
Ông Francis A.Donovan: Tôi cho rằng, thành công trong công tác CCTTHC tại Việt Nam thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt thông qua việc triển khai Đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý hành chính giai đoạn 2007 – 2010 (Đề án 30).
Theo tôi, Đề án 30 đã đạt được 3 thành tựu lớn. Thứ nhất đã tập hợp và đưa lên mạng đầy đủ những bộ TTHC cần thiết, nhờ đó tất cả người dân, DN dễ dàng truy cập và có được những thông tin về TTHC, cũng như biết được quyền và nghĩa vụ mà mình phải tuân thủ. Từ đó không cần thiết phải thông qua những công cụ tìm kiếm phức tạp khác hoặc thông qua những mối trung gian.
Thứ hai, đã tổ chức rà soát, tập hợp, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC áp dụng tại bốn cấp chính quyền với hơn 5.400 TTHC, trên 9.000 văn bản quy định. Công việc này được thực hiện ở tất cả các cấp chính quyền, ở các ngành, các cấp, đặc biệt là có sự tham gia của khối tư nhân để có thể đơn giản hóa các TTHC, hủy bỏ những TTHC không cần thiết cũng như sửa đổi những TTHC còn bất cập…
Thứ ba là các công tác chuẩn bị cho việc ra đời cơ quan mới là Cục Kiểm soát TTHC có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là cơ quan có trách nhiệm đảm bảo thực thi tất cả các Nghị quyết của Chính phủ trong việc đơn giản hóa TTHC đã được phê duyệt đồng thời cũng đảm bảo những TTHC mới được ban hành theo những tiêu chí của Đề án 30, nhằm đạt tính hợp lý, cần thiết, hợp pháp và hiệu quả.
Chúng tôi thấy rằng, việc ra đời Cục Kiểm soát TTHC thể hiện tính nghiêm túc của Chính phủ Việt Nam trong việc tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và trong cam kết của mình nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh.
Công việc của Cục Kiểm soát TTHC không chỉ là phát huy kết quả của Đề án 30 mà còn đẩy mạnh Đề án 30 lên những bước tiếp theo.
USAID vui mừng trước những thành quả về CCTTHC mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua và cam kết hỗ trợ các hoạt động của Cục Kiểm soát TTHC.
Theo ông, giai đoạn tiếp theo, Việt Nam cần làm gì để phát huy những kết quả đã đạt được và triển khai tốt hơn nữa công tác CCTTHC?
Ông Francis A.Donovan: Theo tôi, bước tiếp theo rất quan trọng chính là vai trò của Cục Kiểm soát TTHC được thực hiện như thế nào. Đề án 30 và những Nghị quyết về CCTTHC đã được thông qua, tuy nhiên việc thực hiện những Nghị quyết đó là điểm mấu chốt cho sự thành công.
Làm sao để cho người dân và DN cảm nhận được những chi phí đã được tiết kiệm và cắt giảm trên thực tế, những chi phí được cắt giảm chính là chi phí rủi ro cho DN. Tôi cũng muốn khẳng định bước tiếp theo là tập trung làm tốt việc giám sát, thực thi các Nghị quyết của Chính phủ về CCTTHC đã được phê duyệt.
Đồng thời, trong thời gian tới Cục Kiểm soát TTHC cần đảm bảo những TTHC mới ban hành được kiểm soát một cách chặt chẽ, tuân thủ những tiêu chí Đề án 30 cũng như Cục đề ra, phải thực sự cần thiết, hiệu quả… Chúng tôi nghĩ rằng trong quá trình này, vai trò của tư nhân rất quan trọng và cần có sự tham gia đóng góp của họ.
Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục giữ được đà tham gia tích cực của tư nhân như trong giai đoạn đầu tiên của Đề án 30 với sự tham gia của hơn 200 DN. Họ tham gia vì họ thấy rằng đấy là cơ hội có thể cung cấp các thông tin, các ý kiến đóng góp nhằm đơn giản hóa TTHC, cắt giảm những TTHC không cần thiết, tạo ra được môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho họ.
Theo ông, việc thực hiện công tác CCTTHC tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
Ông Francis A.Donovan: Theo tôi, những kết quả phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua là rất ấn tượng, mục tiêu trọng tâm của Chính phủ là làm sao duy trì kết quả kinh tế đó mà vẫn đảm bảo sự ổn định, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn còn có những ảnh hưởng không nhỏ thì việc bảo đảm ổn định kinh tế để tiếp tục tăng trưởng là nhiệm vụ khó.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ vẫn đạt được vì Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã triển khai hiệu quả các bước nhằm tìm cách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Đây chính là những thuận lợi của Việt Nam.
Đồng thời Chính phủ Việt Nam đã nhận được sự tin tưởng và hỗ trợ từ phía các nhà tài trợ. Tôi cũng tin tưởng các nhà tài trợ cam kết ủng hộ Việt Nam trong quá trình tiếp theo triển khai CCTTHC.
Thay mặt USAID tại Việt Nam, tôi cam kết sẽ song hành cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình CCTTHC cũng như phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Đối với Cục Kiểm soát TTHC, theo tôi sẽ có những thách thức cả từ bên trong và bên ngoài. Từ bên trong, họ sẽ phải trở thành một tổ chức hoạt động hiệu quả, từ việc tổ chức đội ngũ cán bộ đủ năng lực chuyên môn đến công tác tổ chức thực hiện.
Từ bên ngoài, theo tôi là việc đảm bảo, giám sát thực thi những Nghị quyết về đơn giản hóa TTHC đã được Chính phủ phê duyệt; đảm bảo TTHC sắp được ban hành đáp ứng các tiêu chí cần thiết, hợp pháp, hợp lý, và hiệu quả. Bởi TTHC có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế ở Việt Nam, trong việc đảm bảo rằng môi trường kinh doanh ở Việt Nam là thân thiện, chi phí thấp, rủi ro thấp…
(Theo Kiều Liên - Ảnh: Đình Hải // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com