“Ngoài phần hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thu mua, có thể xem xét hỗ trợ cho nông dân tự phơi sấy, bảo quản lúa được vay vốn với lãi suất hỗ trợ” - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng cho NTNN biết.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng thông tin: Về xuất khẩu gạo năm 2011, đến nay chúng ta đã nắm chắc thu hoạch 10 triệu tấn lúa của vụ đông xuân, đủ cung cấp 3 triệu tấn gạo để xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm. Vụ hè thu và thu đông, sẽ có thêm trên 10 triệu tấn lúa; tổng cộng ở ĐBSCL cả năm dự kiến sẽ đạt trên 20 triệu tấn lúa. Vì vậy, xuất khẩu gạo năm 2011 dự kiến đạt 6 - 6,5 triệu tấn.
Giá lương thực đang cao trên thế giới có ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam, thưa Thứ trưởng?
- Giá lương thực trên thế giới tăng cao, ít có khả năng ảnh hưởng lớn đến tăng giá gạo tại Việt Nam, đặc biệt không tạo ra những cơn sốt giá, vì nguồn cung gạo của nước ta rất dồi dào và rải đều cho cả năm. Hơn nữa, khủng hoảng lương thực thế giới trong năm 2011 dù được nhận định là một nguy cơ nhưng nhiều đánh giá cho rằng sẽ không xảy ra như năm 2008 vì chính phủ của nhiều nước có chuẩn bị tốt hơn, nhất là chống đầu cơ lương thực. Đối với Bộ NNPTNT, trước khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực thế giới, trước mắt bộ chỉ đạo giữ vững sản xuất để đảm bảo nguồn cung, đặc biệt là lúa gạo.
Nhiều nông dân vẫn lo âu vì việc tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu thường không tốt. Giải pháp nào khắc phục căn cơ điều này?
- Tồn tại lớn nhất trong xuất khẩu gạo là tiêu thụ lúa hè thu cho nông dân ở ĐBSCL, trong đó cao điểm là vào tháng 8 và tháng 9. Do điều kiện thu hoạch trong mùa mưa trong khi hầu hết nông dân không có điều kiện phơi sấy, tồn trữ, kể cả doanh nghiệp cũng thiếu điều kiện này, nên việc tiêu thụ gạo chậm dẫn đến tồn đọng, đẩy giá lúa xuống thấp, nông dân thiệt hại. Để khắc phục, Bộ NNPTNT đang chỉ đạo rà soát lại thời vụ của vụ lúa hè thu ở ĐBSCL để tăng lượng lúa thu hoạch trong tháng 7, giảm lúa thu hoạch trong tháng 9 (tháng mưa nhiều), đồng thời đối với diện tích lúa hè thu năng suất thấp, bấp bênh có thể giảm bớt hoặc chuyển sang lúa thu đông, thúc đẩy thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với khâu sau thu hoạch lúa cho nông dân và doanh nghiệp.
Trong việc mua gạo tạm trữ, theo ông làm sao để cả doanh nghiệp và nông dân cùng có lợi nhiều hơn?
- Chính sách hỗ trợ tiêu thụ lúa cho nông dân khi lúa hàng hóa tồn đọng và giá lúa xuống thấp là cần thiết. Tuy nhiên, ngoài phần hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thu mua, có thể xem xét hỗ trợ cho các hộ nông dân tự phơi sấy, bảo quản lúa được vay vốn với lãi suất hỗ trợ (ví dụ trong thời hạn 3 tháng). Nếu áp dụng cơ chế hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và nông dân tồn trữ lúa trong thời điểm tiêu thụ khó khăn sẽ tăng hiệu quả, quy mô tồn trữ, làm giảm sức ép giá lúa rớt và điều hòa được lượng gạo xuất khẩu theo hướng có lợi.
(Dân Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com