Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giao dịch vàng có tính chất tiền tệ: Nên thu hẹp quy mô

Đã có một số giải pháp quản lý đưa ra, thậm chí quyết liệt như đóng cửa sàn giao dịch vàng, ban hành thông tư 22/TT-NHNN về quản lý huy động và cho vay bằng vàng đối với tổ chức tín dụng, theo hướng thu hẹp đối tượng và hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, hiệu lực quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng chưa thật cao, thị trường vàng vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, gây nhiều bất ổn cho nền kinh tế và nhiều rủi ro cho người dân. Báo Lao Động có cuộc phỏng vấn với tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương - chuyên gia trong lĩnh vực tài chính kế toán - xung quanh vấn đề này.

Chị có thể cho biết tại sao từ lâu thế giới đã bỏ chế độ bản vị vàng, mà nhu cầu vàng ở Việt Nam  vẫn còn rất cao?

- Vàng là một loại tiền tệ được trao đổi rộng rãi trong xã hội loài người từ 5.000 năm trước công nguyên đến năm 1971, khi Mỹ bỏ chế độ chuyển đổi USD ra vàng.  Khi chế độ kim bản vị sụp đổ, giá trị của đồng tiền được xác định thông qua sức mua hàng hóa của tiền tệ, không phụ thuộc vào khối lượng vàng do nhà nước đang sở hữu, nhưng vai trò tiền tệ của vàng không hoàn toàn mất đi, đặc biệt là chức năng cất trữ giá trị và tiền tệ quốc tế. Tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, người dân thường có nhu cầu sở hữu, nắm giữ vàng do tập quán, thói quen sử dụng vàng làm phương tiện cất trữ giá trị và nhu cầu sử dụng vàng làm đồ trang sức. Riêng nhu cầu sử dụng vàng làm phương tiện cất giữ tài sản của người dân phụ thuộc chủ yếu vào những lợi ích họ thu được so với các phương tiện cất trữ tài sản hoặc đầu tư khác, do đó phần nào phụ thuộc vào sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, sản xuất và kinh doanh đồ trang sức mỹ nghệ bằng vàng là một nghề truyền thống vẫn được duy trì, phát triển tại Việt Nam.  

Tiến sĩ có nhận xét gì về giá vàng bất ổn vừa qua trên thế giới và tại Việt Nam?

- Qua theo dõi diễn biến giá vàng mấy năm qua, tôi có những nhận xét sau:

1. Giá vàng biến động tăng/giảm rất thất thường, khó dự đoán, biên độ biến động mạnh. Giá vàng nhiều khi tăng cao, lập những kỷ lục mới, nhưng ngay sau đó có thể sụt giảm sâu. Do đó rủi ro là rất lớn cho cá nhân/tổ chức mua/bán vàng với mục đích đầu cơ.

2. Xét phạm vi một quốc gia, sự biến động của giá vàng nhiều khi không xuất phát từ tăng/giảm tổng sản phẩm quốc dân GDP.

3. Giá vàng biến động không chỉ xuất phát từ yếu tố cung/cầu về vàng mà còn bị chi phối khá mạnh bởi yếu tố đầu cơ, bởi niềm tin của dân chúng vào hệ thống tài chính; vào đồng tiền có vai trò dự trữ quốc tế; và đồng tiền nội tệ (xét phạm vi một quốc gia).

4. Trong một quốc gia, giá vàng tăng/giảm có tác động tới tỉ giá ngoại tệ. Mức độ tác động còn tùy thuộc vào khả năng kiểm soát của nhà nước đối với hoạt động mua/bán vàng, tùy thuộc quy mô mua/bán vàng so với GDP, so với cán cân thanh toán quốc tế của quốc gia đó.

Việt Nam không phải là nước khai thác vàng lớn, vàng có được chủ yếu từ nhập khẩu, do vậy, để có được vàng, Việt Nam phải mất ngoại tệ. Khi xuất được vàng, Việt Nam  cũng thu được ngoại tệ. Nói một cách khác, vàng cũng là ngoại tệ. Việc bình ổn thị trường vàng cũng góp phần quan trọng vào việc bình ổn thị trường ngoại tệ một cách trực tiếp và gián tiếp.

Tính từ đầu năm 2010 đến hết tháng 9, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất siêu đá quý, kim loại quý, trong đó chủ yếu là vàng khoảng 2,3 tỉ USD. Từ tháng 10 đến ngay, khi giá vàng trong nước tăng cao hơn giá vàng thế giới, để tạo ổn định của nền kinh tế quốc dân, NHNN đã vài lần cấp quota cho nhập khẩu vàng. Theo Thống đốc NHNN báo cáo trước Quốc hội, từ 1998 đến 2010, Việt Nam  nhập siêu vàng vào khoảng 71 tấn. Nhập khẩu vàng thực sự là một tác nhân làm cho cán cân thương mại thêm thâm hụt.

Có ý kiến cho rằng, việc kinh doanh vàng ở Việt Nam còn khá thoải mái?

- Tại Việt Nam, theo các quy định của pháp luật hiện hành (Nghị định 174/1999/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 64/2003/NĐ-CP), phạm vi hoạt động kinh doanh vàng khá rộng rãi. Cụ thể, NHNN chỉ quản lý một số hoạt động kinh doanh về vàng có liên quan tới điều hành chính sách tiền tệ như: (i) xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu, (ii) sản xuất vàng miếng. Các hoạt động kinh doanh vàng khác như mua bán vàng trang sức mỹ nghệ, vàng miếng được coi là hoạt động kinh doanh bình thường giống như các loại hàng hoá khác.

Ngay cả hoạt động xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ cũng không hề có bất kỳ một quy định nào để điều phối và kiểm soát. Việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ thực hiện theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không cần có giấy phép của NHNN.

Do phạm vi hoạt động kinh doanh vàng khá rộng rãi, lượng vàng và USD trôi nổi ngoài thị trường nhiều (gọi là tình trạng vàng hóa, đô la hóa) mà ngay cả các cơ quan quản lý cũng không thể nắm chính xác được, số liệu thật là bao nhiêu.

Dù sàn vàng đã bị đóng cửa, nhưng hiện nay một số ý kiến lại cho rằng nên cho các sàn giao dịch trở lại,  ý kiến của tiến sĩ về vấn đề này thế nào?


- Trước thời điểm NHNN ban hành thông tư số 01/2010/TT-NHNN, bãi bỏ việc thực hiện Quyết định số 03/2006/QĐ-NHNN về kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, một số NHTM đã tự phát lập sàn vàng. Ở giai đoạn phát triển cao vào cuối năm 2008, năm 2009, các sàn vàng đã biến tướng, việc kinh doanh không gắn với vàng vật chất mà thực chất là kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước là loại hình kinh doanh chênh lệch giá (margin trading) và các sàn còn cho phép nhà đầu tư sử dụng đòn bảy tài chính rất cao. Đây là loại hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro rất cao cho cả nhà đầu tư và cho chính các đơn vị kinh doanh sàn vàng. Thực tế các sàn giao dịch vàng đều thực hiện hoạt động mua bán với nhà đầu tư qua các phương thức:

(i) Chủ sàn trực tiếp mua bán vàng với nhà đầu tư và phòng ngừa rủi ro bằng việc chuyển trạng thái ra nước ngoài thông qua hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài của chủ sàn.

(ii) Chủ sàn nhận lệnh của nhà đầu tư và chuyển lệnh ra nước ngoài thông qua hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài của chủ sàn.

(iii) Các nhà đầu tư trực tiếp mua bán vàng trên tài khoản với nhau thông qua hình thức khớp lệnh tập trung.

Đối với hình thức giao dịch (i) và (ii) thì về bản chất chủ sàn cho phép nhà đầu tư thực hiện mua bán vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Hay nói cách khác đây là hoạt động đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư trong nước. Khi nhà đầu tư trong nước tính toán sai/thua lỗ, mất ngoại tệ ra nước ngoài là không tránh khỏi, tạo thêm sức ép lên tỉ giá VND/USD. Ngoài ra, việc thực hiện giao dịch vàng tại các sàn giao dịch vàng có thể có rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân do thông tin và cơ chế giao dịch không hoàn toàn minh bạch; chủ sàn vừa là người môi giới mua/bán, vừa trực tiếp kinh doanh vàng. Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng, nếu cho sàn giao dịch vàng hoạt động trở lại, thì cần cơ chế quản lý rất chặt chẽ, nhất là không cho phép tổ chức/cá nhân sử dụng nguồn vốn huy động từ xã hội để kinh doanh đầu cơ.

Vậy theo tiến sĩ, Nhà nước nên quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo cơ chế nào?

- Trong thời gian tới, nhà nước cần thực hiện các biện pháp đầy đủ, đồng bộ hơn để khắc phục tình trạng giá vàng biến động khó kiểm soát; để chống thất thoát ngoại tệ cho đất nước. Dù biện pháp nào được đưa ra cũng nên dựa trên những quan điểm quản lý là: Tôn trọng tập quán, quyền lợi của người dân khi sử dụng vàng làm phương tiện cất trữ giá trị, nhưng tuyệt đối không khuyến khích người dân đầu tư vàng, đặc biệt cần chống doanh nghiệp và dân cư đầu cơ vàng; về kỹ thuật, cần có tiêu chuẩn/tiêu chí rõ ràng cụ thể phân biệt vàng là đồ trang sức, mỹ nghệ với vàng có tính chất tiền tệ, theo đó có cơ chế quản lý riêng biệt, chặt chẽ, thu hẹp phạm vi và quy mô giao dịch mua/bán đối với vàng có tính chất tiền tệ, ví dụ vàng miếng; tôn trọng quy luật thị trường trong điều tiết thị trường vàng, đồng thời vẫn cần sự quản lý của Nhà nước; có cơ chế linh hoạt để thị trường vàng trong nước liên thông được với thị trường vàng quốc tế;  có cơ chế phù hợp để nguồn vốn tiết kiệm trong nước không bị điều chuyển vào hoạt động kinh doanh vàng; loại bỏ vàng khỏi chức năng thước đo giá trị, phương tiện thanh toán trong nền kinh tế, không để thị trường vàng gây ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô.  

(Báo Lao Động)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Năm 2011, chi phí sản xuất tăng
  • “2010, một năm khá đặc biệt!”
  • Việt Nam chưa có môi trường cạnh tranh bình đẳng
  • Áp thuế xuất khẩu vàng 10%: Khó cho nhà đầu tư nước ngoài
  • Cần phải quản lý giá một số thuốc thiết yếu
  • Chính sách về bất động sản còn nhiều khiếm khuyết
  • Bát nháo cái gọi là… bộ tiêu chuẩn!
  • Giải ngân ODA đạt mức kỷ lục
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi