Thị trường bất động sản (BĐS) đang suy giảm. Nhiều nơi, giá BĐS liên tục thiết lập đáy mới, giao dịch thành công không đáng kể. Thị trường căn hộ chung cư, đất nền trong các khu đô thị mới hầu như không có hoạt động. Hầu hết dự án không tiến triển được. Không ít DN lao đao, đứng bên bờ vực phá sản.
Nguyên nhân cơ bản là do không có nguồn tiền bổ sung cho thị trường, bởi lãi suất cao và hạn mức tín dụng thấp. Sau khi Bộ Xây dựng chính thức có đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, nhiều đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia cũng như DN đã được đưa ra nhằm "giải cứu" thị trường này.
“4 giải pháp cải thiện nguồn vốn”
Ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Một là, xem xét xử lý đồng bộ các chính sách tài chính, tiền tệ. Khi đã tiến hành các biện pháp thắt chặt tín dụng từ hệ thống ngân hàng cho thị trường BĐS, thì phải có những giải pháp thay thế kênh cung cấp tài chính cho thị trường này. Việc các tổ chức tiết kiệm tương hỗ nước ngoài vào Việt Nam tham gia tìm hiểu và xúc tiến chuyển giao mô hình quỹ tiết kiệm tương hỗ BĐS cần được nhanh chóng triển khai.
Hai là, triển khai mạnh mẽ Quỹ tiết kiệm nhà ở mà Bộ Xây dựng đang tiến hành. Việc này không chỉ đơn thuần là kênh giải quyết tài chính nhà ở cho đối tượng xã hội, mà còn là một kênh thu hút và cung ứng vốn đầu tư cho thị trường.
Ba là, khai thông các nguồn vốn trong dân. Một trong những nguồn vốn có thể dễ huy động nếu có kênh dẫn là nguồn tiền kinh doanh vàng miếng. Cần có chính sách tạo kênh dẫn nguồn tiền này sang thị trường BĐS.
Bốn là, tăng cường các biện pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối.
“Phân định BĐS phục vụ sản xuất”
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội
Việc siết tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đã khiến hàng loạt dự án làm đến 17 - 18 tầng buộc phải dừng lại, những dự án mới chỉ làm xong nửa móng có nguy cơ "chết yểu", vì chưa thể huy động được vốn. Nếu không được bơm vốn, DN BĐS sẽ khó khăn, thậm chí có nguy cơ đắp chiếu, phá sản.
Chính phủ cần phân định rõ đâu là BĐS phục vụ sản xuất để tránh tình trạng hàng loạt DN bị "chết oan" khi không vay được vốn, vì bị xếp chung vào lĩnh vực phi sản xuất. Quỹ tín thác, nguồn vốn trong dân, cũng như sáp nhập, hợp tác đầu tư là những kênh cấp vốn dồi dào, cần được khai thông để tiếp sức cho thị trường BĐS.
“Sàng lọc, phân loại dự án để tiếp tục cho vay”
Ông Phan Thành Mai, Trưởng ban điều hành mạng các sàn giao dịch BĐS miền Bắc
Lãi suất cho vay cao khiến nhiều DN càng sản xuất càng lỗ, nên cắt giảm cả sản xuất và nhân sự. Mặt khác, các dự án đình trệ dẫn tới các đơn vị cung cấp vật liệu cũng không ký được hợp đồng, ảnh hưởng đến đầu ra của nhiều lĩnh vực sản xuất khác.
Trong khi đó, đưa BĐS vào lĩnh vực phi sản xuất và hạn chế cho vay như Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước càng khiến DN gặp bất lợi. Cần sàng lọc, phân loại các mảng dự án khác nhau trong lĩnh vực BĐS để tiếp tục cho vay.
“Tiết kiệm chi phí”
Ông Trương Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam
Việc thắt chặt tín dụng nói chung là đúng, nhưng thắt chặt trong lĩnh vực BĐS mà chưa có sự phân định rõ ràng là chưa phù hợp. Trong giai đoạn khó khăn này, mỗi DN đều có cách đi riêng, nhưng cũng có những công thức chung, đó là làm sao để tiết kiệm được chi phí sản xuất. Ví dụ, để làm một dự án BĐS thì giá thành của nó phụ thuộc rất nhiều vào thiết kế và xây dựng. Các DN có thể tiết kiệm trong khâu thiết kế để giảm giá thành cho sản phẩm BĐS, mà vẫn làm gia tăng giá trị mà không bị giảm chất lượng. Các DN cũng nên xem lại khâu đầu tư, nên cắt bớt những khoản đầu tư kém hiệu quả, tập trung đầu tư nhanh hơn để thu hồi vốn nhanh và giảm áp lực về lãi suất ngân hàng.
“Không nên siết chặt tín dụng đột ngột”
Ông Trần Văn Thành, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhà Việt Nam
Thông thường, khi thực hiện một dự án, các DN bao giờ cũng lên kế hoạch về tài chính dài hơi. Song thời gian qua, do tín dụng bị siết khá đột ngột, làm cho kế hoạch bị đảo lộn, DN vi phạm các cam kết với khách hàng, bị khách hàng kiện đòi bồi thường. Có DN phải đi vay nóng với lãi suất cao để trả tiền lương cho nhân viên, trang trải chi phí hoạt động… Theo tôi, lãi suất vay hiện nay tuy cao, nhưng DN vẫn xoay xở được, còn nếu tín dụng bị siết chặt thì hàng loạt DN gặp rủi ro dài hạn và nguy cơ phá sản là cao. Cách tốt nhất để giải cứu thị trường lúc này là Nhà nước xem xét cho các DN vay để thực hiện dự án.
“Không nên xem BĐS là lĩnh vực phi sản xuất”
Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland
BĐS là một ngành sản xuất đặc biệt quan trọng, là đầu tàu kéo theo hàng loạt ngành nghề khác phát triển. Do vậy, nếu BĐS gặp khó, các ngành nghề kéo theo như xây dựng, các nhà máy xi măng, sắt thép… cũng gặp khó khăn.
Theo tôi, không nên xem BĐS là lĩnh vực phi sản xuất và không nên khóa chặt tín dụng đối với lĩnh vực này. Nhà nước nên xem xét cho các DN địa ốc được vay để phát triển dự án. Dĩ nhiên, không phải dự án nào cũng cho vay, mà có sự lựa chọn, DN nào làm ăn tốt, dự án khả thì nên xem xét cho vay.
“Chính sách hỗ trợ tín dụng cần linh hoạt”
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty BĐS Hưng Gia Việt
Các DN kinh doanh trong lĩnh vực BĐS hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Ở khu vực phía Nam, tình trạng trầm lắng của thị trường BĐS đã kéo dài từ đầu năm 2008. Cơ quan quản lý cần phải có giải pháp giải quyết các vấn đề nan giải của thị trường BĐS, đặc biệt chú trọng đến vấn đề an sinh xã hội, có chính sách hỗ trợ phát triển những phân khúc nhà ở với giá cả hợp lý, chính sách về thuế chuyển nhượng BĐS cần phải được hướng dẫn thi hành rõ ràng, minh bạch và công bằng. Chính sách hỗ trợ tín dụng cần linh hoạt và hướng đến những người lao động có nhu cầu nhà ở thật sự.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com