Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. |
Nhập siêu cao có một phần do tâm lý chuộng hàng ngoại, là nước thu nhập thấp nhưng ôtô sang nhất, điện thoại sang nhất ở Việt Nam đều có cả, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu trước Quốc hội, tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội sáng 6/8.
Những thông tin xung quanh vấn đề này cũng đã được Bộ trưởng Hoàng trao đổi với VnEconomy ngay sau đó, bên hành lang nghị trường.
Thưa ông, ôtô sang nhất, điện thoại sang nhất đều đã được nhập về Việt Nam giá trị lên tới bao nhiêu?
Theo tôi thì ôtô sang nhất đã về đến rồi, còn giá trị thì vô cùng bởi vì sang Việt Nam thì do quy định về thuế của mình bây giờ nó cao. Do vậy về đến Việt Nam có loại mà cả tiền mua ôtô lẫn nộp thuế lên mấy tỷ đồng.
Số lượng loại này có nhiều không, thưa ông?
Số lượng cũng tương đối đấy. Nhập khẩu về điện thoại thì lên tới hàng tỷ USD một năm. Ôtô thì cũng cỡ như thế. Cả ôtô và linh kiện ôtô.
Xu hướng nhập ôtô sang như thế thời gian gần đây có tăng không và riêng trong năm nay thì thế nào, Bộ trưởng có thể cho biết cụ thể hơn?
6 tháng đầu năm có tăng trong đó có lý do là có những dòng xe trong nước không sản xuất được mà người tiêu dùng có nhu cầu mình không cấm được.
Thứ hai nữa là vì mình bắt đầu chính sách thuế, kể cả đối với xe cũ, xe đã qua sử dụng và kể cả quy định về yêu cầu kỹ thuật bắt đầu có hiệu lực từ tháng 6 và tháng 7/2011 thì người ta nhập trước để đón đầu việc tăng thuế, đón trước yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn kỹ thuật.
Ví dụ bây giờ khi nhập mới ôtô anh phải có chính hãng người ta có giấy ủy quyền, anh phải có hệ thống bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Nên xu hướng 6 tháng đầu năm nhập xe tăng là để tránh việc tăng thuế, tránh các quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhưng chắc chắn 5 tháng cuối năm còn lại xu hướng này sẽ giảm.
Bên cạnh ôtô thì Việt Nam sẽ sử dụng hàng rào thuế quan để hạn chế nhập các hàng xa xỉ như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Việc sử dụng hàng rào thuế quan nó cũng có cái khung của nó, mình đã có cam kết rồi, cam kết với tổ chức thương mại thế giới, cam kết với các nước ASEAN, hiệp định tự do song phương với một số nước… Chúng ta không thể tăng thuế hơn nữa mà chỉ có thể giữ nguyên hoặc giảm theo lộ trình.
Việc áp dụng thuế như vừa rồi đối với một số mặt hàng đã đến mức trần, bây giờ biện pháp thuế cũng chỉ là một phần, như tôi nói là phải dùng biện pháp kỹ thuật, biện pháp này được phép yêu cầu đảm bảo chất lượng, yêu cầu về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu vấn đề môi trường… và đấy là những biện pháp kỹ thuật mà không có ai có thể ngăn chúng ta được mà chúng ta phải làm.
Cái đó hết sức quan trọng, không chỉ đảm bảo kiểm soát nhập khẩu mà còn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và cũng dần dần làm sao cho sản phẩm Việt Nam có điều kiện cạnh tranh hơn.
Tôi cho rằng ý thức dùng hàng Việt Nam không chỉ hạn chế nhập khẩu mà còn là tự tôn dân tộc, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển.
Thực ra cơ cấu hàng nhập khẩu của mình, hàng tiêu dùng không đến 7%, còn hơn 93% là máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu cho đầu tư, cho sản xuất và để cho gia công hàng xuất khẩu nữa.
Trong 7%, thì không phải chỉ có ôtô, điện thoại di động, còn những hàng tiêu dùng khác rất cần; ví dụ như chị em cũng cần son phấn, mỹ phẩm chứ không phải hoàn toàn hàng xa xỉ cả.
Như vậy Bộ trưởng cho rằng nhập khẩu hàng tiêu dùng vẫn rất cần thiết?
Cần thiết, vì người tiêu dùng có quyền sử dụng hàng chất lượng cao, mình không cấm được. Hơn nữa bây giờ mình gia nhập WTO rồi, những sản phẩm đó không được phép cấm nhập, chỉ được áp thuế quan mà thuế quan thì nó có khung của nó.
Ngoài ra, mình phải tăng cường thông tin tuyên truyền để cho người dân ủng hộ chủ trương Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam chứ không phải chỉ có lời nói, từ từng gia đình cho đến cơ quan, xí nghiệp.
Bây giờ thiết bị ngoại thấy đẹp, thấy mẫu mã bắt mắt…, thì hàng Việt cũng có nhiều mặt hàng chất lượng không kém, giá thấp hơn thì không dùng. Cái đó là tâm lý chứ thực ra ảnh hưởng của nhập hàng tiêu dùng, nhất là hàng thiết yếu thì như cơ cấu tôi đã nói, không phải vì nhập hàng tiêu dùng đó mà dẫn tới nhập siêu cao.
Vậy tỷ lệ nhập khẩu 7% hàng tiêu dùng có nên giảm không, thưa Bộ trưởng?
Quan điểm của tôi là người dân có quyền lựa chọn hàng tiêu dùng cho bản thân, chất lượng cao, giá cả phải chăng, mẫu mã phù hợp. Đấy là quyền của người tiêu dùng, không phải chỉ có ở Việt Nam mà tôi nghĩ trên thế giới cũng như vậy.
Câu chuyện là thế này, trong cái hàng tiêu dùng đó, cái gì là vẫn cần cho đời sống thì vẫn cần phải nhập trong khi chúng ta chưa sản xuất được. Còn cái gì chưa thật sự cần thiết thì theo tôi từng gia đình, từng người tiêu dùng và từng đơn vị nên cân nhắc trước khi mua sắm, đấy là văn hóa tiêu dùng.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com