Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã lên tiếng phản hồi về các vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng quỹ.
Sau hơn 2 năm thực hiện Quỹ bình ổn xăng dầu, dư luận đang có nhiều ý kiến lo ngại về việc quản lý cũng như sử dụng quỹ.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi khá cởi mở và thẳng thắn với ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục Trưởng cục Quản lý giá về vấn đề này.
Thưa ông, để góp phần bình ổn giá xăng dầu trên thị trường, Bộ Tài chính đã hình thành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, ông có thể cho biết các doanh nghiệp xăng dầu đã thực hiện việc trích lập quỹ và sử dụng quỹ cụ thể ra sao? Các quy định này có được doanh nghiệp thực hiện nghiêm?
Theo nhiệm vụ được Chính phủ giao (tại Điều 26, Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 25/10/2009 về kinh doanh xăng dầu) Bộ Tài chính ban hành Thông tư 234/2009/TT-BTC.
Nguyên tắc chung của Thông tư này đề ra là: Trích lập quỹ và sử dụng Quỹ phải do Nhà nước chỉ đạo thống nhất, chứ không phải các doanh nghiệp tự quyền trích và tự quyền sử dụng. Tuy quy định là Quỹ bình ổn giá lập và được để tại doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp phải chấp hành các quyết định của Bộ Tài chính về mức trích, thời gian trích; mức sử dụng, thời gian sử dụng.
Qua kết quả theo dõi kiểm tra, đối chiếu hàng năm của Bộ Tài chính thì các doanh nghiệp đầu mối đều thực hiện đúng các quy định đó.
Tuy nhiên ý kiến dư luận cho rằng, các doanh nghiệp chưa công khai, minh bạch, chưa sử dụng quỹ sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao. Liệu thời gian qua quỹ có thực sự phát huy được hiệu quả trong việc điều tiết giá trên thị trường?
Việc sử dụng Quỹ như: mức bao nhiêu, vào thời gian nào, khi nào chấm dứt để giữ bình ổn giá luôn được Bộ Tài chính thông báo công khai bằng văn bản và các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã hỗ trợ việc công khai đó.
Về hiệu quả của Quỹ: Chỉ nói đơn giản từ đầu năm đến giờ nếu không có quỹ bình ổn giá kết hợp với biện pháp điều tiết thuế của Nhà nước thì các doanh nghiệp đã phải điều chỉnh tăng giá nhiều lần do giá thế giới tăng. Giữ được giá bình ổn trong thời gian qua để tránh tác động bất lợi đến sản xuất, đời sống đó là hiệu quả chung của các giải pháp điều hành, trong đó có đóng góp của Quỹ Bình ổn giá.
Việc này sẽ được đánh giá, tổng kết để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Thực tế, do phạm vi, quy mô hoạt động của các doanh nghiệp khác nhau nên tổng số tiền trích, sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá tại mỗi doanh nghiệp có khác nhau. Vậy việc kiểm tra, kiếm soát việc sử dụng quỹ này tại mỗi doanh nghiệp tiến hành ra sao thưa ông?
Quỹ bình ổn giá được trích lập và quản lý tại một tài khoản riêng và chỉ sử dụng cho mục đích bình ổn giá, không được sử dụng vào mục đích nào khác.
Việc kiểm tra, giám sát Quỹ này được tuân theo một quy trình nhất định như: định kỳ từng doanh nghiệp phải báo cáo tình hình trích, lập, sử dụng và số dư của Quỹ hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của Bộ Tài chính.
Đồng thời, vào cuối năm, các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính sẽ trực tiếp kiểm tra, đối chiếu cụ thể đối với DN về tình hình trích, lập, sử dụng Quỹ qua tài khoản 357 - Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp.
Được biết, từ ngày 22/7 đến hết tháng 8-2011 Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành kiểm toán các đầu mối nhập khẩu xăng dầu về việc trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá. Việc tổ chức kiểm toán là hoạt động thông lệ bình thường hay xuất phát từ nguyên nhân đặc biệt nào khác ?
Kiểm toán Nhà nước hiện đang thực hiện việc kiểm toán Quỹ là kiểm toán đang làm theo Luật kiểm toán, có chương trình, kế hoạch cụ thể nhưng cũng không loại trừ kế hoạch kiểm toán đột xuất. Dù bất kỳ lý do gì thì đó cũng là công việc bình thường, góp phần giúp công tác quản lý có hiệu quả hơn. Về trách nhiệm liên quan đến quản lý Quỹ, chúng tôi cũng đã sẵn sàng phục vụ công tác kiểm toán theo lịch được phân công.
Những doanh nghiệp đầu mối lớn, có lượng xăng dầu lớn, Quỹ bình ổn cũng lớn. Đây là khoản tiền không nhỏ được lấy từ đóng góp của người dân. Có ý kiến cho rằng khoản kinh phí này cần được tính lãi. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Việc có tính lãi hay không, tôi nghĩ chúng ta cần nhìn vào bản chất của Quỹ. Quỹ được quy định là để tại doanh nghiệp tại một tài khoản riêng và chỉ sử dụng vào mục đích bình ổn giá; có nghĩa là doanh nghiệp không được sử dụng vào mục đích kinh doanh- đây là điều cấm doanh nghiệp vi phạm. Tiền đó không phải doanh nghiệp vay mà là “giữ hộ Nhà nước” để sử dụng ngay khi có quyết định bình ổn giá của Nhà nước. Trong trường hợp đặt ra phải tính lãi, ai sẽ là người trả với bản chất Quỹ như trên?
Giả sử có cơ chế cho doanh nghiệp vay Quỹ đó, có tính lãi thì Quỹ có thể tăng thêm, nhưng nguồn lãi ấy (nếu coi là chi phí doanh nghiệp bỏ ra) lại phải hạch toán vào chi phí kinh doanh xăng dầu sẽ làm tăng giá vốn của doanh nghiệp; mặt khác khi Nhà nước cần bình ổn giá tức thời thì lấy đâu ra nguồn lực… khi nguồn lực đó đang trên đường lưu thông. Chính vì vậy việc này cần phải được nghiên cứu kỹ càng.
Xung quanh chuyện lỗ-lãi của Petrolimex, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn nhất, nhiều ý kiến cho rằng việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, hạch toán cũng như sử dụng quỹ bình ổn của doanh nghiệp này có vấn đề. Theo ông có nên kiểm toán hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp này.
Kiểm toán các doanh nghiệp Nhà nước là công việc bình thường, pháp luật đã quy định. Tôi nghĩ cần phải làm và hàng năm đã làm chứ không đặt ra vấn đề nên hay không nên nữa.
Thực tế đúng là Petrolimex kinh doanh không chỉ mỗi xăng dầu, lợi nhuận thu được có từ nhiều nguồn thu khác. Tuy nhiên khi doanh nghiệp lỗ (trong kinh doanh xăng dầu) thì có nhà nước hỗ trợ, nhân dân góp sức, doanh nghiệp chẳng “thiệt” gì. Con số lãi lớn được doanh nghiệp này công bố khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Có ý kiến cho rằng việc trích lập quỹ nên lấy từ lợi nhuận của doanh nghiệp thay vì lấy từ tiền của người dân.
Nếu nói như vậy thì chưa hoàn toàn chuẩn xác, bởi vì trong điều kiện kinh doanh bình thường, thị trường diễn biến bình thường thì doanh nghiệp kinh doanh được quyền chủ động “lời ăn, lỗ chịu” làm sao bây giờ lại có cơ chế hỗ trợ (bù lỗ hoặc hỗ trợ về thuế) của Nhà nước.
Chỉ khi thị trường có biến động bất thường, giá cơ sở tăng cao, Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp không được điều chỉnh tăng giá mà phải thực hiện các biện pháp bình ổn giá - thì mới có chính sách hỗ trợ bằng việc linh hoạt chính sách thuế (chứ không phải bù lỗ), cho sử dụng Quỹ bình ổn giá; thậm chí còn yêu cầu doanh nghiệp không được tính lãi kinh doanh như một số tháng đầu năm…
Cơ chế hỗ trợ để bình ổn giá thị trường như vậy suy cho cùng là hỗ trợ người tiêu dùng. Trong thời điểm phải bình ổn giá ấy: Khi Nhà nước giảm thuế tức là Người tiêu dùng không phải nộp thuế qua giá xăng dầu và giá cũng được giữ ổn định không tăng; Nhà nước cho doanh nghiệp sử dụng Quỹ bình ổn giá để doanh nghiệp không tăng giá; cũng chính là “gián tiếp trả lại” phần đóng góp của người tiêu dùng lập Quỹ bình ổn giá qua giá xăng dầu.
Trong thời gian tới, nguồn lực để lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên lấy từ đâu, có ý kiến nên lấy từ lợi nhuận của doanh nghiệp cũng là những đề xuất sẽ được xem xét. Tôi tiếp thu và hoan nghênh các đề xuất đó.
Theo ông các quy định về trích lập, sử dụng quỹ đã chặt chẽ, hợp lý chưa, có cần phải sửa đổi, bổ sung điều gì không, đặc biệt ở khâu kiểm tra, giám sát doanh nghiệp thực hiện?
Quỹ bình ổn giá xăng dầu là giải pháp mới được thực hiện; khi ban hành Thông tư hướng dẫn, trước đó Bộ Tài chính đã xin ý kiến góp ý rộng rãi và đã làm đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy thế nhưng không phải đã là “tròn trịa”, thực tế thực hiện đã khẳng định: Các quy định về trích, lập, sử dụng, quản lý cơ bản là chặt chẽ, nhưng có những nội dung cần được tổng kết, rút kinh nghiệm để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung như: Những nội dung về chi phí kinh doanh; chế độ giám sát, kiểm tra đối chiếu; trách nhiệm công khai Quỹ…
Xin chân thành cảm ơn ông!
Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
(Báo điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com