Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lãi suất cao đang “đè nặng” lên tăng trưởng

Lạm phát cao và lãi suất cao đang song hành và cùng gây áp lực mạnh lên chi phí của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng hoặc đứng bên bờ phá sản. Nền kinh tế đang đứng trước trải nghiệm khó khăn, có thể có tác động tích cực về mặt dài hạn (thông qua tái cấu trúc) nhưng trước mắt thì đang vật vã với thu nhập giảm và thất nghiệp gia tăng.

Ông Cấn Văn Lực,


Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh đã và đang gặp nhiều khó khăn trong năm 2011 bởi ba lý do chính sau. Thứ nhất, lãi suất cho vay của các ngân hàng cao, đồng thời NHNN khống chế tăng trưởng tín dụng không quá 20% trong năm 2011. Thứ hai, chi phí đầu vào của doanh nghiệp năm nay tăng cao (từ 15-20%, gồm cả yếu tố tỷ giá). Thứ ba, đầu ra của doanh nghiệp cũng có khó khăn do cầu giảm cả trong và ngoài nước. Ở trong nước, với chính sách thắt chặt chi tiêu công và với khó khăn của bên mua, cầu hàng (đặc biệt là các mặt hàng xi măng, sắt-thép…) có xu hướng giảm. Ở nước ngoài, với biến động trên thị trường Nhật Bản và châu Âu, về cơ bản, nhu cầu một số mặt hàng suy giảm.

Nếu không thể vay được ngân hàng, doanh nghiệp buộc phải ngưng trệ các hoạt động đang triển khai, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Do vậy, doanh nghiệp phải chèo lái để hoạt động cầm cự bằng các nguồn vốn sẵn có, hay huy động từ người thân, bạn bè… Cũng có một vài doanh nghiệp vay với lãi suất cao để duy trì hoạt động kinh doanh sản xuất với tư tưởng cố gắng hoà vốn.

Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng theo tôi, chưa đến mức các doanh nghiệp phá sản ngay và hàng loạt nhưng Chính phủ cần có các chính sách quyết liệt và đồng bộ hơn nữa ngay từ bây giờ. Cụ thể, một là, quyết định dứt khoát, mạnh mẽ, kiên quyết để tạo ra sự đột phá mới về chất lượng và hiệu quả cho đầu tư công. Song song là rà soát lại chính sách đầu tư, những dự án không cần thiết phải dứt khoát dừng lại hoặc không triển khai. Hai là, giúp ngân hàng giảm lãi suất bằng cách bơm một phần vốn qua thị trường mở, qua đó, lãi suất có thể giảm trong quý III, IV. Ba là, cần phải hết sức cân nhắc trong việc tăng giá các mặt hàng cùng một lúc, phải có lộ trình cụ thể và giãn thời gian tăng. Bốn là, thị trường vàng, ngoại hối cần tiếp tục duy trì ổn định, không bị xáo trộn. Năm là, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp như chống lạm phát, giảm lãi suất; đáp ứng các nhu cầu chính đáng về ngoại tệ; hỗ trợ chi phí, thuế nhập khẩu cho một số ngành như thép, xi măng…

Ông Quách Mạnh Hào,

Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Thăng Long

Trong Hội nghị báo chí tài chính cuối tháng 9/2010, tôi đã đưa ra quan điểm e ngại về việc thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát trong điều kiện mặt bằng lãi suất đã cao sẽ khiến lãi suất còn cao hơn nữa và sẽ dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp khó khăn, đình đốn sản xuất, kéo theo các hệ lụy như phá sản, thất nghiệp. Tôi cũng đã dùng cụm từ "lạm phát đình đốn" để nói về khả năng này, nghĩa là lạm phát không những khó giảm mà doanh nghiệp và nền kinh tế còn khó khăn. Đã gần 8 tháng kể từ khi tôi suy nghĩ như vậy và hiện tại thì chúng ta đang nhìn thấy cả lạm phát và lãi suất đều ở mức cao và các doanh nghiệp thì đang khó khăn.

Tất nhiên, chúng ta không nên bàn về sự lựa chọn chính sách nữa bởi lựa chọn nào cũng cần sự đánh đổi. Ở đây, sự đánh đổi chính là giữa lạm phát và thất nghiệp, cả hai đều là vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, còn có rất nhiều vấn đề mà những người làm chính sách phải suy nghĩ. Chẳng hạn như cách tiếp cận coi lạm phát tổng thể là đối tượng cần phải chống có hợp lý bằng nếu đối tượng là lạm phát cơ bản không? Và trong những thời điểm như hiện tại, liệu có nên tạo ra cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách thực hiện đối xử tín dụng khác nhau giữa các thành phần khác nhau trong nền kinh tế theo hướng ưu tiên khu vực hoạt động hiệu quả? Tôi nghĩ rằng, dường như chúng ta đang chơi ván cờ lớn nhưng trước khi đi một nước cờ chúng ta chưa thực sự tính toán cho các nước cờ sau.

Ông Nguyễn Đức Hưởng,

Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank)

Lãi suất cho các doanh nghiệp vay hiện nay đang cao ở mức không bình thường do hai nguyên nhân: Thứ nhất, chính sách thắt chặt tiền tệ khiến lãi suất liên ngân hàng, tái cấp vốn, cầm cố, ký quỹ… có thể tăng tiếp và đẩy lãi suất đầu ra tăng; Thứ hai, thiếu thanh khoản ở các ngân hàng nhỏ nên lãi suất huy động bị dâng lên cao để huy động vốn bù đắp thanh khoản tạm thời. Do vậy, nước lên, thuyền lên và với lãi suất trên 20%/năm như vậy thì khó có doanh nghiệp nào có thể chịu đựng được. Tình hình này tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến việc phá sản của nhiều doanh nghiệp. Cũng chính vì vậy, ngân hàng rất sợ các doanh nghiệp đang đầu tư dở dang và không tiên lượng được lực của mình, cứ cố gắng theo đuổi kinh doanh và vay tiền với bất cứ giá nào. Doanh nghiệp phá sản sẽ gây hệ luỵ trở lại hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

Theo tôi, trước hết, bản thân các doanh nghiệp phải tự cứu mình, xem thực lực của mình đến đâu, nên làm gì, không nên làm gì chứ không thể chỉ trông đợi vào sự hỗ trợ của Chính phủ. Về phía cơ quan quản lý, để chống lạm phát, hạn chế tín dụng là cần thiết song không nên sử dụng biện pháp hành chính mà nên áp dụng các công cụ mang tính thị trường nhiều hơn để có hiệu quả dài hạn.

Về phía LienVietBank, Ngân hàng có những biện pháp riêng để hỗ trợ doanh nghiệp như: đối với doanh nghiệp truyền thống xuất khẩu, có nguồn tiền (USD và VND) gửi tại LienVietBank có thể sẽ được Ngân hàng cho vay với lãi suất chỉ khoảng 16% -17%/năm... Khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn tiếp tục được vay với lãi suất ưu đãi. Lý do có thể cho vay với những lãi suất ưu đãi như hiện nay là do LienVietBank có nguồn vốn lớn (tổng tài sản sau 3 năm thành lập là gần 40.000 tỷ VND nhưng mới cho vay trên 10.000 tỷ VND nên dư địa cho vay còn khá lớn) và chú ý khách hàng truyền thống, thường xuyên có các dịch vụ thanh toán, nguồn ngoại tệ lưu tại LienVietBank.

Một chuyên gia tài chính, ngân hàng

Nền kinh tế hiện nay đã có một số những tín hiệu tích cực đáng ghi nhận: sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 thì tình hình thị trường ngoại hối và thị trường vàng đã được kiểm soát và phần nào ổn định, tín dụng tăng trưởng theo hướng chỉ đạo của NHNN và nhiều biện pháp của Chính phủ đang được thực hiện để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, vẫn có một khâu mà Chính phủ và các cơ quan chức năng hầu như không kiểm soát được mặc dù có những răn đe quyết liệt: đó là lãi suất cả đầu vào (huy động) và đầu ra (cho vay) tiếp tục nằm ở mức rất cao.

Lãi suất cao là vấn đề rất bức xúc đối với các doanh nghiệp hiện tại. Nhiều doanh nghiệp đã giảm, tạm ngưng sản xuất để chờ thời điểm thuận lợi hơn. Theo tôi, thật sự không chỉ các doanh nghiệp là nạn nhân của lãi suất cao mà các ngân hàng cũng bị đẩy vào tình trạng bị động với lãi suất. Lãi suất đầu vào đã cao ngất ngưởng 19-20%/năm thì lãi suất đầu ra cũng buộc phải cao. Ngân hàng đã bị động, các doanh nghiệp còn bị động hơn bởi họ phụ thuộc chủ yếu nguồn vốn vào ngân hàng. Khi các thành phần kinh tế phải chịu bị động lớn như vậy thì đây có lẽ là lúc sự vận hành của nền kinh tế thị trường sẽ có tác dụng mạnh nhất, bắt đầu đào thải những thành phần kinh tế không có khả năng đáp ứng điều kiện của thị trường.

Dù vậy, vẫn phải chấp nhận thiệt hại của nền kinh tế để nó tự điều chỉnh, đi vào lành mạnh. Một doanh nghiệp phá sản sẽ ảnh hưởng đến các nhà cung cấp, các ngân hàng… sẽ gây ra hiệu ứng domino là điều chắc chắn. Tuy nhiên, hiệu ứng này sẽ dừng lại ở mức độ nền kinh tế có thể chịu đựng được và tiến trình phục hồi sẽ bắt đầu từ đây. Nền kinh tế có nhiều yếu tố không lành mạnh do sự tăng trưởng quá nóng và đây là lúc phải trả giá, nhưng đó chính là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc tất cả mọi tầng lớp xã hội.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Còn thắt chặt tiền, lãi suất khó giảm
  • "Doanh nghiệp Việt Nam thiếu tầm nhìn xa"
  • Cần chuyên trách và cả tài chính
  • Luật đã lạc hậu!
  • Tháo ngòi nổ" để giảm lãi suất
  • Quy định lãi suất trần 14% không có hiệu quả
  • Lãi suất cao đang đe doạ nền kinh tế
  • Không tiếp tục trói mình vào USD
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi