Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2011. Khá nhiều quy định mới về quản lý, khai thác khoáng sản đã được luật hoá. Tuy nhiên, nhiều khoảng trống vẫn chưa được lấp đầy. Đây là nhận xét của ông Phạm Quang Tú – Phó viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) khi trao đổi với DĐDN.
Theo ông Tú, các địa phương và DN vẫn chưa thể triển khai nhiều hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, khi luật mới có hiệu lực mà thiếu hướng dẫn.
- Thưa ông, không phải đến bây giờ chúng ta mới nói đến việc tiết kiệm tài nguyên. Nhưng thực sự điều này đã triển khai ra sao, theo ông ?
Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo. Số lượng người tăng lên thì nhu cầu sử dụng tài nguyên khoáng sản cũng tăng lên. Do đó, tốc độ khai thác và mức độ cạn kiệt cũng tăng theo. Chính vì vậy, chúng ta phải ban hành và sửa đổi Luật và các văn bản dưới Luật để đảm bảo quản lý khai thác và sử dụng khoáng sản có hiệu quả hơn.
Trong tiến trình phát triển đất nước, trong một thời gian dài, chúng ta đã buộc phải khai thác và xuất thô nhiều loại khoáng sản nhằm thu hút tài chính, tạo lực và đà cho phát triển đất nước. Chúng ta đã phải chịu thiệt thòi của thực tế mặc dù là nước có tài nguyên khoáng sản nhưng lại hưởng lợi thấp hơn nhiều những nước mà chúng ta XK khoáng sản cho họ.
Hiện ngành khai thác khoáng sản đang đóng góp gần 11% GDP của cả nước nhưng nguồn thu của dầu khí đã chiếm khoảng 95% nguồn thu đó. Trong khi, thực trạng quản lý khai thác kém hiệu quả khiến nguồn thu cho ngân sách cả địa phương và trung ương đều rất hạn chế. Ngoài ra, công nghệ khai thác, chế biến ở VN còn rất thô sơ.
- Hiện Luật mới đã có những quy định chặt chẽ hơn trong quản lý khai thác, từ phân cấp trách nhiệm đến điều kiện khai thác hay lập quy hoạch. Theo ông như vậy đã đủ chưa ?
Cần nhìn nhận rằng Luật đã bổ sung nhiều quy định mới, tích cực, nhưng dẫu sao Luật vẫn chỉ mới dừng lại điều chỉnh ở tầm vĩ mô. Để đảm bảo thực thi cần có những văn bản dưới Luật tốt, cụ thể và chi tiết. Ví dụ như trong Luật nói cần phải lập chiến lược và quy hoạch tổng thể cho ngành khoáng sản là rất đúng, nhưng như thế thì vẫn rất chung chung. Vấn đề là một quy hoạch vừa tổng thể vừa chi tiết trên toàn quốc gia thì chúng ta chưa có. Từng địa phương, từng loại khoáng sản phải được xây dựng một quy hoạch rõ ràng từ đó đưa ra kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý.
Tôi ủng hộ quan điểm phải thắt chặt các điều kiện khai thác để tiết kiệm tài nguyên. Các điều kiện về chế biến sâu phải ngày càng tăng lên để đảm bảo giá trị gia tăng trong từng loại khoáng sản. Nhà nước cần sử dụng tốt hơn công cụ về thuế. Ví dụ như sử dụng biểu thuế cao hơn nữa cho các hoạt động chế biến và xuất thô khoáng sản và giảm thuế cho các hoạt động chế biến sâu để từ đó, chỉ những DN áp dụng những công nghệ tiên tiến, trình độ quản lý chuyên nghiệp, tỷ suất lợi nhuận cao mới có thể tham gia lĩnh vực khai khoáng. Vì mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo tiết kiệm tài nguyên, thà chúng ta “đắp chiếu” để đấy còn hơn cho khai thác mà hiệu quả kinh tế không cao.
- Những quy định về việc xã hội hoá hoạt động điều tra cơ bản địa chất hay đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản được đánh giá là khá tiên tiến trong Luật mới. Ông có nhận xét gì về những quy định này?
Đây là những điểm mới và tiến bộ của Luật và tôi hi vọng sẽ góp phần xoá bỏ được cơ chế xin – cho lâu nay. Nhưng vấn đề quan trọng là xây dựng các văn bản hướng dẫn sao cho việc triển khai đúng tinh thần của luật. Không phải cứ DN nào tham gia điều tra địa chất, thăm dò cũng là “mặc nhiên” được quyền vào khai thác. Quy định về đấu giá không dựa trên nguyên tắc định giá mà chỉ dựa trên phần trăm mà DN trả lại cho Nhà nước nên nguy cơ về việc “tù mù” trữ lượng vẫn hiện hữu. Đấu giá nhưng không dựa trên việc đã xác định trữ lượng tài nguyên đã được thăm dò là bao nhiêu thì rất có thể sẽ bị vòng khép kín từ điều tra địa chất, thăm dò, đến khai thác “che mắt”. Và như thế khả năng thất thoát vẫn sẽ xảy ra. DN có thể bỏ thầu, trúng thầu 5 hay 10% giá trị mỏ, nhưng nếu trữ lượng thật gấp nhiều lần trữ lượng thăm dò thì sao?
- Luật mới cũng đã quy định rõ hơn về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác cũng như việc ký quỹ khắc phục môi trường của DN, thưa ông ?
Đúng là Luật đã quy định địa phương và người dân nơi có mỏ khoáng sản khai thác được Nhà nước điều tiết một phần khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng các công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác. DN phải ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan. DN cùng với chính quyền địa phương bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản...
Tuy nhiên, đó vẫn là những quy định chung chung. Còn mức độ đầu tư bao nhiêu, cụ thể như thế nào thì cũng cần phải được xác lập cụ thể trong các văn bản hướng dẫn. Trong khi đó mặc dù Luật đã có hiệu lực nhưng cho đến nay việc xây dựng các Nghị định và các văn bản hướng dẫn khác vẫn đang xây dựng. Tôi cho rằng mức độ đầu tư cũng cần tương xứng và hợp lý cho những nơi chịu nhiều hậu quả về kinh tế cũng như môi trường.
Chính sách hiện hành của chúng ta cũng có quy định DN phải ký quỹ để đảm bảo khắc phục môi trường. Nhưng lâu nay việc ký quỹ vẫn chưa thực sự có hiệu quả. Thứ nhất, số tiền ký quỹ thường nhỏ hơn so với số tiền mà DN phải đầu tư khắc phục môi trường sau khi khai thác khoáng sản, nên DN sẽ dễ dàng “bỏ của chạy lấy người”. Ngoài ra ở nhiều địa phương việc sử dụng quỹ phục hồi môi trường vẫn còn bất cập, sai mục đích. Một vấn đề khác nữa là trách nhiệm xã hội của DN cần được thực hiện một cách có hiệu quả hơn nữa.
Nói tóm lại, những quy định hướng dẫn luật cần được cụ thể và sớm ban hành. Có như vậy, mục tiêu của luật mới có thể đạt được.
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com