Cùng với những biến động khó lường trên thị trường tài chính thế giới, ngày 8.8, thị trường tài chính Việt Nam cũng có những phản ứng không thuận.
Giá vàng ngày 8.8 đã vọt qua mức 44 triệu đồng/lượng, gây không ít tâm lý bất an cho thị trường và các nhà đầu tư trong nước. Báo Lao Động đã phỏng vấn TS Nguyễn Trí Hiếu, người đã có 32 năm làm việc trong ngành ngân hàng tại California (Mỹ - ảnh) xung quanh vấn đề này.
Với tư cách là một chuyên gia tài chính ngân hàng, ông đánh giá thế nào về mức xếp hạng tín nhiệm của Mỹ bị đánh tụt?
Quyết định này của Standard & Poor’s gây ngạc nhiên trong thị trường tài chính, nhưng với những người am hiểu thì đây là điều đã được dự báo trước. Sự kiện này có thể gây bất ngờ, nhưng không quá “sốc” cho thị trường. Sự thỏa hiệp của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ Mỹ về việc tăng trần nợ công chỉ là giải pháp chính trị tạm thời, chứ không phải là giải pháp dài hạn. Trên thực tế, các chỉ số vĩ mô (tỉ lệ thất nghiệp, việc làm...) cho thấy kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục đi vào trì trệ và suy thoái. Vì thế, triển vọng Mỹ vượt qua khủng hoảng và ổn định kinh tế trong 12 tháng tới là thấp. Hậu quả của việc tụt hạng tín nhiệm là phản ứng tiêu cực của TTCK. Chắc chắn ngày hôm nay (9.8), chúng ta sẽ nhìn thấy sự mất điểm của S&P 500 kéo theo sự rớt điểm của sàn giao dịch chứng khoán toàn thế giới.
Sự kiện này tác động thế nào đến nền kinh tế toàn cầu, thưa ông? Đã có những dự báo cho rằng, USD sớm muộn cũng sẽ bị thay thế bởi một đồng tiền khác trong giao thương quốc tế. Ý kiến của ông thế nào?
Hậu quả trước tiên là chi phí huy động vốn của Chính phủ Mỹ sẽ tăng. Nhưng sẽ không dừng ở đó, mà hậu quả sẽ còn ảnh hưởng đến cơ cấu của toàn bộ thị trường tài chính, làm tăng mặt bằng lãi suất trên thị trường Mỹ. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể là bao nhiêu sẽ do TTCK định đoạt. Các quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn, phụ thuộc vào tài sản của Mỹ (Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ...) sẽ phải chịu tác động tai hại là giá trị của những trái phiếu đó sẽ “bốc hơi” từng ngày. Những NHTƯ đang ôm một đống trái phiếu sẽ thấy mất hàng tỉ USD trong nháy mắt và đây là mối bận tâm của các NHTƯ đang nắm giữ lượng trái phiếu lớn.
Về lâu dài, hậu quả của nó sẽ là nghiêm trọng, nếu trong vòng 12 tháng tới nền kinh tế của Mỹ đi vào suy thoái và không có hồi phục đáng kể. Mặc dù hiện nay việc giảm hệ số tín nhiệm của trái phiếu Chính phủ Mỹ mới ảnh hưởng đến lãi suất trái phiếu, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến đồng USD trên toàn thế giới. Có dự đoán cho rằng USD có nguy cơ bị thay thế bởi đồng tiền khác (như CNY chẳng hạn).
Cá nhân tôi cho rằng, việc Mỹ có khả năng vỡ nợ là điều không thể xảy ra. Nước Mỹ có khả năng tài chính lớn lao và vì thế, Chính phủ Mỹ sẽ tìm ra giải pháp để xử lý nợ cho các con nợ trên thế giới, có thể là trả lãi trước.
Tôi cho rằng, khả năng USD bị thay thế bởi đồng tiền khác khó xảy ra trong 10 năm tới, dù Trung Quốc và một số nền kinh tế khác đang nổi lên. Việc tìm kiếm một đồng tiền khác có thể thanh toán các giao dịch thương mại dễ dàng, thuận tiện như USD là không dễ trong thời gian gần...
Việc giảm định mức tín nhiệm trái phiếu Chính phủ Mỹ có những tác động tiêu cực, nhưng mặt khác, nó lại tạo ra những hiệu ứng tích cực. Nước Mỹ coi đó là tiếng chuông cảnh tỉnh cho thấy đến lúc phải có sự thay đổi. Chính nợ công đã đưa nước Mỹ vào những khó khăn lớn lao và lúc này cần thức tỉnh để có những giải pháp trung hạn và dài hạn. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các quốc gia khác trên thế giới: Không nên xem USD là nơi trú ẩn an toàn và dựa quá nhiều vào tài sản của người Mỹ.
Những tác động đó ảnh hưởng thế nào tới nền kinh tế Việt Nam? Với tư cách là một chuyên gia, ông có lời khuyên nào cho các nhà đầu tư trong lúc này?
Tôi cho rằng, trong ngắn hạn Việt Nam ít chịu ảnh hưởng. Trong quá khứ chúng ta đã thấy tỉ giá giao dịch VND và USD trong nước không thuận chiều so với biến động của đồng tiền này trên thế giới, vì thế sự gắn kết, ràng buộc giữa USD và VND không rõ ràng. Nhưng về lâu dài, nếu các tổ chức xếp hạng tín dụng khác tiếp tục đánh tụt hạng đối với trái phiếu Chính phủ Mỹ thì USD sẽ phải chịu tác động mạnh. Sự tương quan giữa VND và USD vì thế khó thoát khỏi xu hướng chung.
Có một thực tế cho thấy là giá vàng đang ngày càng cao. Vàng, USD được xem là nơi trú ẩn an toàn với nhà đầu tư VN. Nguyên nhân đẩy giá vàng tăng cao do các yếu tố cộng hưởng: Giá vàng thế giới tăng cao, đồng USD yếu, tâm lý... Giá vàng gần đây đã có xu hướng tăng và xu hướng đó sẽ còn tiếp tục. Các TTCK mở cửa hôm nay đã có dấu hiệu USD giảm, nên giá vàng tăng là đúng, không tăng mới là không bình thường.
Còn lời khuyên với nhà đầu tư, tôi cho rằng thị trường vàng đang trải qua những biến động lớn. Giá vàng tăng rồi sẽ giảm, khó có thể giữ mức tăng thế này mãi. Thị trường đang rất nhiều tin xấu. Nếu trong tương lai có tin tốt hơn thì giá vàng sẽ lại giảm và như thế sẽ dẫn đến đầu tư vàng là rủi ro.
Nhưng trong rủi ro vẫn có cơ hội sinh lời, bởi không ai biết trước xu thế tăng sẽ còn kéo dài trong bao lâu nữa. Thế nên, các nhà đầu tư không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ, mà nên chia đầu tư của mình vào nhiều chỗ: Ngoại tệ khác, bất động sản... Trong khi thị trường suy giảm, vẫn có những phân khúc thị trường có khả năng sinh lời. Tuy nhiên, quyết định cụ thể thế nào còn tuỳ thuộc vào sức chịu đựng và khả năng tài chính của các nhà đầu tư...
Xin cảm ơn ông!
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com