Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Phải minh bạch hóa được giá thành của điện”

picture
Ông Vương Đình Huệ.
Mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới được kiểm toán trong năm 2008, nhưng do mục tiêu minh bạch hóa giá thành sản xuất điện nên năm 2011, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục được kiểm toán

Đó là khẳng định của Tổng kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ xung quanh kế hoạch kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty và tổ chức tài chính, ngân hàng trong năm 2011 của cơ quan này.

Trao đối với báo giới bên lề cuộc họp báo triển khai kế hoạch kiểm toán các đơn vị trên, ông Vương Đình Huệ nói:

- Cùng với các cuộc kiểm toán chuyên đề và các dự án lớn, năm nay, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán báo cáo tài chính của 27 tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại... Trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội...

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng rất quan tâm đến tình hình biến động giá cả như giá xăng, giá điện vừa qua. Chính vì vậy, với mong muốn thông qua hoạt động kiểm toán năm 2011, chúng tôi sẽ tiếp tục có những kiến nghị điều chỉnh về cơ chế chính sách cho phù hợp hơn, cố gắng làm rõ cái nào cần điều chỉnh, cái nào cần phải thực hiện cắt giảm chi phí, đặc biệt các chi phí gián tiếp, quản lý, giảm hao phí…

Đó có phải là lý do để Kiểm toán Nhà nước đưa EVN vào kế hoạch kiểm toán năm nay, dù tập đoàn này mới được kiểm toán năm 2008?


Đúng là chúng tôi mới kiểm toán EVN năm 2008, chu kỳ chưa được 3 năm, nhưng do điện là mặt hàng nhà nước đang quản lý giá và đã neo giá và bao cấp quá lâu nên cần phải kiểm toán lại để giúp Chính phủ có cơ sở để điều hành giá theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố khách quan gây khó khăn cho EVN như mua điện giá cao, tỷ giá điều chỉnh, giá đầu vào tăng cao... thì chúng tôi phải minh bạch hóa được giá thành của điện. Qua đó có thể xem những yếu tố nào thì EVN có thể tiết giảm chi phí, để việc điều chỉnh giá không đến mức độ cao quá, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và nền kinh tế.

Sau lần kiểm toán EVN trong năm 2008, hiện Kiểm toán Nhà nước đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm toán lĩnh vực này. Năm nay, chúng tôi tiếp tục làm rõ những vấn đề đã kiến nghị sau lần kiểm toán trước, xem những yếu tố nào chấp hành đúng, cái nào chưa tốt.

Vậy còn xăng dầu cũng tăng giá liên tục trong năm 2010 nhưng tại sao Petrolimex lại không có trong kế hoạch kiểm toán trong năm nay?

Đối với Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thì kế hoạch kiểm toán có điều chỉnh một chút so với kế hoạch ban đầu. Lúc đầu chúng tôi dự định sẽ kiểm toán toàn diện Petrolimex, nhưng sau đó do doanh nghiệp này cũng mới được kiểm toán năm 2009 nên chúng tôi quyết định chỉ kiểm toán chuyên đề “hình thành, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu” ở tất cả các đầu mối cung cấp xăng dầu, vì hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quỹ này.

Đặc biệt trong thời gian qua khi giá xăng dầu thế giới tăng qua thì Chính phủ đã áp dụng nhiều các giải pháp như giảm thuế nhập khầu đến 0% mà doanh nghiệp vẫn kêu lỗ, trong khi đó có ý kiến cho rằng quỹ bình ổn xăng dầu đã cạn.

Trong bối cảnh như thế, chúng tôi quyết định sẽ kiểm toán để xem xét việc trích lập quỹ bình ổn xăng dầu này như thế nào. Không chỉ kiểm toán ở Petrolimex mà sẽ kiểm toán tất cả các đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu để đánh giá việc trích lập thực tế sử dụng có đúng mục tiêu hay không, tác dụng thực sự của quỹ này đối với việc thực hiện lộ trình giá xăng dầu theo cơ chế thị trường như thế nào...

Nếu kết quả kiểm toán cho thấy, giá thành của điện và xăng dầu không cao như các doanh nghiệp công bố thì Kiểm toán Nhà nước sẽ xử lý như thế nào và trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?

Việc làm rõ giá thành của điện, xăng dầu chính là một trong những mục tiêu của hoạt động kiểm toán tại các đơn vị này.

Ví dụ với điện, chúng tôi sẽ làm rõ các yếu tố tạo nên giá thành cao là do đâu, có phải là do mua điện ở những đầu mối ngoài EVN hay là do bổ sung từ nhiệt điện, than, dầu...

Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ làm rõ những yếu tố có thể khiến cho giá thành giảm giá có được các đơn vị áp dụng tối đa hay không, có cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết hay không...

Tất cả các giải pháp trên sẽ được kiểm toán làm minh bạch, bởi hiện nay người dân cả nước chia sẻ với các doanh nghiệp này thì đổi lại các tập đoàn cũng phải có trách nhiệm chia sẻ với cả nước bằng cách phấn đấu hết mức để mà tiết giảm các chi phí. Còn nếu có vi phạm hoặc làm trái quy định ở khâu nào thì chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xử lý, kỷ luật cá nhân liên quan từng khâu.

Hiện nhiều ý kiến vẫn cho rằng, nhìn chung các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vẫn hoạt động kém hiệu quả. Thực tế qua các cuộc kiểm toán hàng năm, các ông thấy tình hình cụ thể như thế nào?

Thực tế, khi kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có những tập đoàn lớn được xem như đầu tàu của nền kinh tế, chúng tôi đều thấy kết quả hoạt động của họ không đến nỗi như dư luận đồn thổi.

Ví dụ là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), mặc dù đến 31/12/2009, tổng tài sản của Vinatex chưa đến 1 tỷ USD, giá trị của họ chủ yếu là nguyên, vật liệu, vật tư nhưng tập đoàn này đã tạo việc làm cho hơn 140.000 lao động với thu nhập trung bình 2,5 triệu đồng/tháng. Đây là một tập đoàn của nhà nước nhưng đã cạnh tranh một cách sòng phẳng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hay như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), tổng tài sản đến cuối năm 2009 của tập đoàn này là khoảng 19 tỷ USD. Khi kiểm toán chúng tôi đã rất mừng vì trong số 19 tỷ USD đấy thì vốn chủ sở hữu đã chiếm trên 60%.

Riêng năm 2009, tốc độ tăng trưởng về vốn chủ sở hữu, doanh thu... của Petro Vietnam đều tăng trên 20%, và tập đoàn đã bổ sung vốn chủ sở hữu năm 2009 so với 2008 là trên 30.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 23.000 tỷ là từ lợi nhuận. Các chỉ số của công ty mẹ lớn hơn rất nhiều so với các công ty con....

Ngoài ra, tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, dù tổng tài sản của tập đoàn này đến cuối 2009 cũng khoảng 6 tỷ USD, nhưng họ đã cạnh tranh ngang ngửa với các tập đoàn mạnh của thế giới. Đây cũng là một trong số ít doanh nghiệp đạt doanh thu trên 100.000 nghìn tỷ đồng trong năm 2010. Tập đoàn Viettel cũng xấp xỉ 100.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu đánh giá hiệu quả kinh tế của các tập đoàn, tổng công ty nói chung, thì chưa thật tương xứng với vốn liếng và tài sản hiện có.

(Theo Vneconomy)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi