Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển nguồn nhân lực: Mũi đột phá để Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp

Vĩnh Phúc hiện là một trong những địa phương đi đầu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và trong nước và đi kèm theo đó là nhu cầu ngày càng lớn về nguồn nhân lực.

Phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Lê Xuân Đăng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc về việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng trên địa bàn tỉnh.

Xin ông chia sẻ về thực trạng nguồn nhân lực tại Vĩnh Phúc và so với mặt bằng chung của cả nước? Chính quyền địa phương có hỗ trợ gì về đào tạo và tuyển dụng đối với doanh nghiệp (DN) trên địa bàn?

Trước hết là về thực trạng nguồn nhân lực tại tỉnh. Trong những năm qua, cùng với việc ban hành nhiều nghị quyết về ưu đãi đầu tư nhằm thu hút DN trong và ngoài nước đầu tư tại tỉnh, Vĩnh Phúc luôn quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực, để đáp ứng kịp thời cho các nhà đầu tư.

Đến hết năm 2010, Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 19 khu công nghiệp (KCN), với trên 100.000 lao động.                                            

Hiện nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn bình quân vào khoảng hơn 22.000 người mỗi năm. Đến khi hai DN có vốn FDI lớn là Compal và Honhai cùng một số DN khác đi vào hoạt động thì số lao động cần tuyển dự tính sẽ là trên 30.000 người mỗi năm. Thực tế này đang tạo áp lực rất lớn về nguồn lao động có chất lượng của Vĩnh Phúc.

Trước mắt, tỉnh đang chuẩn bị nguồn lao động có tay nghề cao cung cấp cho hai tập đoàn Compal và Honhai.

Để đáp ứng nhu cầu này, trong những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đẩy mạnh công tác giới thiệu việc làm, tìm kiếm việc làm mới cho DN phù hợp với trình độ đào tạo của người lao động. Cụ thể, là các công việc như:

- Phối hợp với các DN cung cấp đầy đủ thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, chế độ lao động, tiền lương, tiền công, đặc biệt là chế độ cho người lao động theo quy định của Luật Lao động, để người lao động biết trước khi đăng ký việc làm.

- Phối hợp với UBND các thành phố, huyện, thị xã, thị trấn, các xã, phường, các cơ sở dạy nghề, các trường chuyên nghiệp trên địa bàn để đăng tin thông báo tuyển dụng lao động.

- Mở phiên giao dịch việc làm vào ngày 10 hàng tháng, tạo điều kiện để DN và người lao động có điều kiện gặp gỡ, trao đổi. Qua đó, người lao động tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của DN và hiểu biết hơn về DN mà họ có nguyện vọng xin vào làm việc.

Nhờ có các hoạt động này mà đến nay, về cơ bản, tỉnh đáp ứng đủ nhu cầu lao động cho các KCN và 90% công nhân đang làm việc tại các DN là người Vĩnh Phúc. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tính đến phương án phối hợp với các tỉnh trong khu vực để tuyển thêm lao động về làm việc tại tỉnh.

Liên quan đến việc hỗ trợ các DN trong công tác đào tạo và tuyển dụng lao động, theo Nghị quyết số 03/2002/NQ-HĐ về việc quy định chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn Vĩnh Phúc và Quyết định số 2475/2002/QĐ-UB ngày 9/7/2002 quy định ưu đãi đầu tư tại địa bàn Vĩnh Phúc, các dự án được hưởng ưu đãi là dự án đầu tư mới, sử dụng lao động chưa qua đào tạo là người của tỉnh Vĩnh Phúc thì sẽ được tỉnh hỗ trợ kinh phí một lần để đào tạo nghề là 500.000 đồng/người. Trường hợp DN tuyển dụng lao động đã được đào tạo nghề ở mức cơ bản thì DN được hỗ trợ 200.000 đồng/người.

Được biết, phát triển nguồn nhân lực luôn là chiến lược, là nhiệm vụ cấp thiết để Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp trong tương lai gần. Vậy định hướng, chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hoá luôn được lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm và xác định là mũi đột phá quan trọng để xây dựng tỉnh trở thành tỉnh công nghiệp.

Ngày 22/7/2005, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐND về dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động ở vùng dành đất phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2005 – 2010.

Ngày 4/7/2007, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 16/2007/NQ-HĐND về chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm giai đoạn 2007 - 2010.

Ngày 15/12/2008, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 34/2008/NQ-HĐND về quy định một số chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, người nghèo, thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn từ năm 2009 đến năm 2010.

Đối chiếu với các quy định trên, người tham gia học nghề ở cả 3 cấp trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề đều được hỗ trợ học phí, tùy theo đối tượng. Mức hỗ trợ cao nhất đến 300.000 đồng/tháng. Riêng đối với người lao động thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 100% học phí và được hỗ trợ tiền ăn và tiền đi lại mỗi tháng (bằng 50% mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định trong từng thời kỳ).

Hiện nay, thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc được UBND tỉnh giao tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng về đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới ba tháng cho lao động nông thôn, nhằm cung ứng nguồn lao động qua đào tạo cho các DN, với mục tiêu từ 70 đến 80% đối tượng học nghề được giải quyết việc làm. Mục tiêu đào tạo nghề ở cả 3 cấp trình độ đạt trên 28.000 người/năm.

Từ nay đến năm 2015, tỉnh sẽ đào tạo nghề cho trên 150.000 người và tập trung đào tạo đối với nhóm nghề công nghiệp-xây dựng (chiếm 60% tổng số). Về cơ cấu,  trình độ cao đẳng nghề chiếm 11,0%; trung cấp nghề chiếm 26,0%; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng: 63%; theo đúng mục tiêu tại Quyết định số 7/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày 2/10/2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt “Quy hoạch Phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”.

Tuy đã có những chuyển biến tích cực, song nhìn chung, nguồn nhân lực có trình độ cao còn hạn chế về số lượng. Vậy Vĩnh Phúc có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao là bài toán khó với tất cả các tỉnh, đòi hỏi sự quan tâm đồng bộ của các bộ, ngành ở cấp Trung ương và các cấp, các ngành ở tỉnh cũng như sự nỗ lực của các cơ sở dạy nghề.

Trong thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung chỉ đạo theo các hướng sau:

Thứ nhất, yêu cầu các cơ sở dạy nghề rà soát số lượng, chất lượng thiết bị dạy nghề và khả năng đáp ứng nhu cầu thực hành của thiết bị. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đầu tư hoàn thiện thiết bị dạy nghề để đảm bảo trình độ tay nghề cho học sinh sau khi tốt nghiệp.

Thứ hai, phối hợp với các cơ sở dạy nghề khác trên địa bàn để khai thác tối đa công suất của thiết bị dạy nghề đã được đầu tư.

Thứ ba, phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để đưa học sinh đến thực tập ngay tại DN, nhằm giúp học sinh tiếp cận với tác phong lao động công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật và thiết bị sản xuất tiên tiến, hiện đại của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Là tỉnh giáp Hà Nội, một thị trường có sức thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao,  Vĩnh Phúc có biện pháp gì để cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực này với Hà Nội, thưa ông?

Thủ đô Hà Nội có sức thu hút lao động rất lớn và có nhu cầu sử dụng nhiều lao động ngoại tỉnh. Do vậy, để thu hút lực lượng lao động có tay nghề cao làm việc tại Vĩnh Phúc, UBND tỉnh và Sở Lao động – Thương bình và Xã hội yêu cầu các DN trên địa bàn thực hiện tốt chính sách thu hút, ưu đãi người lao động có chuyên môn cao, thực hiện nghiêm túc các quy định sau:

Thứ nhất, về thời gian và hình thức thông báo tuyển dụng: người sử dụng lao động phải thông báo ít nhất 7 (bảy) ngày trước khi nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động và phải thông báo trên một trong các phương tiện thông tin đại chúng như báo ở Trung ương hoặc địa phương; đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương hoặc địa phương. Đồng thời, người sử dụng lao động phải niêm yết các nhu cầu tuyển lao động tại trụ sở ở nơi thuận tiện cho người lao động biết.

Thứ hai, nội dung thông báo tuyển dụng phải đầy đủ, chính xác cho từng vị trí công việc gồm: số lượng lao động cần tuyển cho từng vị trí công việc cần tuyển; trình độ chuyên môn; ngành nghề và cấp đào tạo; mức lương và các khoản thu nhập khác cho từng vị trí cần tuyển...

Cuối cùng, thực hiện tốt các chính sách về pháp luật lao động về bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động… cho người lao động.

(Theo Báo đầu tư)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Người nước ngoài nhìn nhận: Dự cảm thách thức và kỳ vọng Việt Nam cất cánh
  • Hướng dẫn mới về lưu hành xe quá tải trọng: “Phá rào” giúp DN
  • Bảo vệ trẻ em: Chưa thực chất
  • Phó thủ tướng: “Kiềm chế lạm phát là ưu tiên số một”
  • Hiệu quả công việc của cán bộ Hải quan : DN đã có “thước đo”
  • Ngành cà phê: Tập hợp thành “bó đũa”
  • ‘Giảm tín dụng, chứng khoán, bất động sản sẽ không bị sốc’
  • Để doanh nghiệp tự cạnh tranh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi