Năm 2011, việc huy động và bố trí vốn cho các dự án hạ tầng giao thông gặp rất nhiều khó khăn. Tổng vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho 78 dự án hạ tầng giao thông năm 2011 là 11.000 tỷ đồng, giảm 6.400 tỷ đồng so với năm 2010. Nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA được Chính phủ giao chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, nên nhiều khả năng đến đầu quý III sẽ hết vốn. Việc huy động vốn ngoài ngân sách cũng gặp nhiều khó khăn do lãi suất tại các ngân hàng thương mại đang ở mức rất cao, ảnh hưởng lớn tới việc phát hành trái phiếu công trình.
Việc thiếu vốn cho xây dựng cơ bản sẽ dẫn tới tình trạng một số công trình đã thi công và hoàn thành thủ tục thanh toán, nhưng không bố trí được nguồn vốn để thanh toán cho nhà thầu; công trình thi công dở dang thì hết vốn, gây bức xúc trong xã hội.
Bộ Giao thông - Vận tải đã có kế hoạch gì để sử dụng một cách hợp lý nhất nguồn vốn hạn hẹp này?
Bên cạnh việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bổ sung vốn đối ứng còn thiếu cho các dự án ODA, cho phép ứng trước kế hoạch năm 2012; Bộ đã chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương rà soát, báo cáo chi tiết tiến độ triển khai dự án. Năm nay, vốn được ưu tiên cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm và các hạng mục thi công dang dở có nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Với các gói thầu đã ký hợp đồng nhưng chưa khởi công, Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu tạm dừng triển khai.
Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, Bộ sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư theo các hình thức: xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT), xây dựng – chuyển giao (BT) và hợp tác công – tư (PPP) nhằm nâng tỷ lệ vốn đầu tư ngoài ngân sách vào lĩnh vực hạ tầng giao thông lên khoảng 50%. Trong đó, hướng đột phá năm nay là việc khởi động thành công Dự án Đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết – công trình thí điểm đầu tư theo hình thức PPP.
Bộ Giao thông - Vận tải sẽ có giải pháp gì để có thể chuyển dịch cơ cấu vốn đầu tư hay xã hội hóa thành công vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng – vấn đề đã được Bộ đề cập nhiều, nhưng kết quả còn hạn chế?
Trước đây, để có vốn đầu tư cho lĩnh vực này, chúng ta dựa hoàn toàn vào ngân sách. Trên thế giới, không có quốc gia nào làm như thế cả. Do vậy, ngoài vốn ngân sách, còn một kênh huy động nữa là xã hội hóa nguồn lực vào kết cấu hạ tầng dưới hình thức BT, BOT hay gần đây là PPP.
Đây cũng là điều bắt buộc phải triển khai, bởi nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông giai đoạn 2011 – 2020 vào khoảng 559.000 tỷ đồng, trong khi ngân sách nhà nước dự kiến chỉ có thể bố trí tối đa 260.000 tỷ đồng.
Cần phải nhìn nhận một thực tế là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng hầu hết có tổng vốn đầu tư lớn, có chỉ tiêu tài chính thấp, trong khi các nhà đầu tư chỉ bỏ tiền ra khi họ thấy trước được khoản lợi nhuận hợp lý. Do vậy, để thu hút vốn từ khu vực tư nhân, Chính phủ cần có những hỗ trợ nhất định. Thành thật mà nói, đầu tư vào hạ tầng giao thông hiện nay, nhà đầu tư chưa được hưởng những ưu đãi khác biệt so với các lĩnh vực khác.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com