Chỉ trong tháng 2, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tỷ giá cũng như tăng giá một số mặt hàng thiết yếu. Người dân hết sức quan ngại vì những quyết định này sẽ tác động trực tiếp đến đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, những chính sách trên đều là “cần thiết” và “hợp lý”. Chúng tôi trao đổi với ông Fiachra Mac Cana để có thêm góc nhìn về vấn đề này.
Quan điểm của ông đối với những chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian qua như thế nào?
Tuy mỗi lần điều chỉnh tỷ giá chính thức thường gây ra những lo ngại về sức ép lạm phát gia tăng.
Nhưng việc điều chỉnh lần này được coi là sự chính thức hóa các giao dịch "không chính thức" khi mà trên thị trường, bao gồm cả các ngân hàng thương mại (NHTM), luôn tồn tại mức giao dịch danh nghĩa 19.500 đồng/USD và mức thực tế quanh 21.000 đồng.
Tỷ giá tăng thêm tới 9,3%, mặc dù nhìn vào số tuyệt đối thì thấy cao nhưng đây là kết quả của việc một thời gian dài kiềm chế tỷ giá.
Bởi vì, lẽ ra phải điều chỉnh nhiều lần theo hình bậc thang, nhưng do để ổn định vĩ mô, NHNN đã không dám thay đổi tỷ giá.
Tiền đồng được phá giá nhằm thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá liên ngân hàng (NH) và thị trường tự do, bình thường hóa thị trường ngoại hối.
Thế nhưng, đến nay, cốt lõi của vấn đề là tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do vẫn đang có khoảng cách với tỷ giá chính thức.
Tuy nhiên, khi nói về thị trường vàng thì tình hình lại khác. Vậy có đúng không khi nói “giá vàng đang quyết định tất cả”?
Thật ra, nếu bình thường thì các biện pháp vừa qua của NHNN đã có thể kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, giá vàng đang quyết định tất cả. Giá vàng tăng thì giá USD cũng tăng lên, như vậy các chính sách dù đúng và nằm trong tính toán của Nhà nước cũng không thể đem lại kết quả như mong muốn.
Thêm vào đó, nhu cầu về hàng hóa mùa Tết luôn tăng cao, lượng tiền vào thời điểm đó cũng tăng lên tương ứng. Để giảm lạm phát, đáng lẽ NHNN phải giảm cung ứng tiền vào nền kinh tế, giảm cung tiền vào NHTM.
Ông nói mọi diễn biến thị trường đều nằm trong tính toán của NHNN nhưng kết quả vẫn không đạt được như mong muốn. Điều này có nghĩa là gì?
Ví dụ, tôi là một NH nhỏ, nghiệp vụ của NH là huy động tiền từ công chúng để cho vay. Như vậy, hằng ngày tôi phải có tiền để trả lãi suất và các khoản chi phí kinh doanh. Khi thiếu tiền đồng (hay còn gọi là thiếu thanh khoản), tôi sẽ vay NHNN.
Tuy nhiên, nếu là NH quá nhỏ thì chắc chắn tôi sẽ không vay được NHNN mà phải vay từ thị trường liên NH. Với quy trình đó, nếu NHNN bơm tiền ổn định cho NH thì thị trường liên NH sẽ ổn định, lãi suất tại thị trường này sẽ thấp.
Ngược lại, nếu NHNN rút tiền một cách đột ngột, thị trường liên NH thiếu tiền đồng, NHTM thiếu tiền, hệ quả là lãi suất tăng liên tục sau một thời gian ngắn, thậm chí có thể tăng lên 22 - 23%.
Như vậy, nếu cần tiền, NH nhỏ phải vay liên NH, và phải trả lãi suất 23%. Bên cạnh đó, NHNN cũng tính toán được rằng, trong tháng 2, lượng kiều hối về Việt Nam sẽ tăng rất cao và ngoại tệ về các NHTM cũng rất nhiều. Do vậy, NHNN tiến hành biện pháp giảm cung tiền xuống còn 15%, buộc các NHTM đổi USD ra tiền đồng.
Đây chính là "cuộc chơi" giữa NHNN, NHTM và doanh nghiệp (DN) có vốn chủ sở hữu nhà nước. Bằng chứng là NHNN đang muốn sử dụng lợi thế của mình rút tiền đồng ra khỏi thị trường bằng cách tăng lãi suất liên NH buộc NHTM bán USD.
Nhưng đến nay, NHNN chưa thực hiện được ý đồ của mình vì NHTM không cho ai vay, cũng không mua trái phiếu, thậm chí NHTM còn đang dư thừa tiền đồng... nên họ không nhất thiết phải bán USD cho NHNN.
Nói như ông thì mọi quyết sách của NHNN trong thời gian qua chưa đạt được hiệu quả mong muốn và cần có biện pháp mạnh mẽ hơn?
Với lợi thế của mình, NHNN sẽ không khoanh tay chờ đợi, dự báo sắp tới NHNN sẽ tiếp tục rút tiền để VND mạnh hơn nữa. Vậy chỉ có thể nói rằng, NHNN không được kiên nhẫn trong các chính sách của mình.
Trên thực tế, khi NHNN tăng lãi suất lên 12%, đồng thời cắt nguồn cung tiền tăng trưởng tín dụng từ 23% xuống dưới 20%, cắt cung tiền vào nền kinh tế xuống 15%, nhưng vấn đề tỷ giá vẫn trên 22.000 đồng/USD.
Tăng lãi suất không được, NHNN dùng biện pháp hành chính; dùng biện pháp hành chính không hiệu quả, NHNN tính đến việc không cho buôn bán vàng miếng. Những biến động bất thường của giá vàng và dầu trên thế giới đã làm cho vấn đề lạm phát trong nước càng trở nên khó giải quyết bằng các biện pháp kiềm chế thông thường.
Ông đánh giá thế nào về nguy cơ nền kinh tế rơi vào trạng thái “đình lạm”?
Đình lạm tức là nền kinh tế tăng trưởng chậm ở mức 2 - 3%, nhưng lạm phát vẫn cao. Nếu chúng ta cứ siết chặt cung tiền nhưng lạm phát vẫn cao thì “đình lạm” sẽ xảy ra.
Điều này đã từng xảy ra ở châu Âu vào năm 1973-1978, trong 5 năm lạm phát cao nhưng tăng trưởng kinh tế không có khiến nền kinh tế rơi vào khó khăn.
Như vậy, với Việt Nam, về mặt lý thuyết, kiểm soát lạm phát, NHNN phải nâng lãi suất lên thật cao để huy động, nhưng nhiều yếu tố khiến chỉ nâng một mức nào đó để giảm lạm phát.
Với mức nâng không đủ, huy động không thể thực hiện theo mong muốn, như vậy lạm phát vẫn còn trong khi nền kinh tế không tăng trưởng. Từ đó, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng đình lạm.
Ví dụ, khi lạm phát cao, NHNN và Chính phủ sẽ kiểm soát về tỷ giá bằng cách nâng lãi suất. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam không chấp nhận lãi suất cao lên tới 30 - 35% vì nó ảnh hưởng đến hoạt động của các DN và để lại hậu quả cho nền kinh tế.
Như vậy, NHNN sẽ chỉ đưa lãi suất lên tối đa 25%, mức này chưa kiểm soát được lạm phát. Cuối cùng xảy ra tình trạng đình lạm, thông thường nó sẽ kéo dài vài năm.
Trong tình hình như thế, nếu DN nào có khả năng chuyển giá vào giá thành sản phẩm thì công ty đó sẽ thoát khỏi khó khăn.
Xin cảm ơn ông!
(Báo Doanh nhân Sài Gòn điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com