Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tân Tổng bí thư: “Tôi không có mục đích làm để tạo dấu ấn”

Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời gian tới cần có chất vấn trong Đảng.

“Tôi không có mục đích làm để tạo dấu ấn, để đánh bóng mình. Cứ làm cho tốt nghị quyết của Đảng là tốt rồi”, tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời tại cuộc họp báo ngay sau khi bế mạc Đại hội Đảng XI.

Nhấn mạnh thành công của Đại hội lần này, Tổng bí thư cho biết ông đã dự 5 kỳ đại hội Đảng toàn quốc, nhưng chưa có lần nào bầu Ban chấp hành Trung ương có số dư đến hơn 24% như lần này. Số dư nhiều như vậy nhưng bầu một lần đủ số lượng 175 ủy viên chính thức, người trúng cử phiếu thấp nhất là 67%, Tổng bí thư cho biết.

“Bầu Bộ Chính trị cũng có số dư, yêu cầu 15% - 20% nhưng trên thực tế là 70%, song khi bầu rất tập trung”, ông Trọng cho biết thêm.

Chức danh Tổng bí thư cũng được lấy phiếu giới thiệu tại Đại hội, “dù không bầu trực tiếp nhưng lấy phiếu giới thiệu cũng hết sức quan trọng”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Về câu hỏi phản ánh băn khoăn số ủy viên trúng cử tuyệt đại đa số nằm trong nhân sự do Trung ương khóa trước giới thiệu, Tổng bí thư giải thích, nhân sự do Trung ương giới thiệu qua một quá trình chuẩn bị rất công phu và được cung cấp thông tin đầy đủ. Còn nhân sự do Đại hội giới thiệu ít thông tin, có khi chỉ có 1- 2 ý kiến giới thiệu thôi. Tuy nhiên cũng có đến 7 trường hợp vừa rồi Trung ương giới thiệu song không trúng cử, ông Trọng cho biết.

Cũng theo đánh giá của tân Tổng bí thư, Đại hội lần này toát lên sự đoàn kết đồng thuận, sau khi thảo luận đi đến thống nhất nhiều vấn đề, thực sự dân chủ chứ không phải dân chủ hình thức.

Một trong những vấn đề được tranh luận sôi nổi tại tại Đại hội này là đặc trưng kinh tế tại dự thảo Cương lĩnh. Trả lời câu hỏi về cảm giác khi Đại hội tiến hành biểu quyết vấn đề này và chọn phương án khác với dự thảo văn kiện, Tổng bí thư nói, văn kiện Đại hội đã biểu quyết thông qua thì phải nghiêm túc chấp hành. Nhưng dù thế nào chăng nữa, sẽ không ảnh hưởng gì đến chính sách nhất quán của Việt Nam, là chúng ta xây dựng cơ sở vật chất chủ nghĩa xã hội, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Liên quan đến câu hỏi về triển khai chất vấn trong Đảng, dù đã có chủ trương song chưa thực hiện được nhiều, theo Tổng bí thư, thời gian tới cần có chất vấn trong Đảng. Vấn đề là cần xây dựng quy chế như thế nào để thực hiện được và trao đi đổi lại, cùng thấy trách nhiệm, cùng tìm ra giải pháp.

“Như tôi đã nói nhiều lần ở Quốc hội, việc chất vấn chí ít để hiểu lẫn nhau, gợi cho nhau suy nghĩ, cùng thấy trách nhiệm và cùng giải quyết”.

Tạo dấu ấn lãnh đạo trong nhiệm kỳ này cũng là thông tin các nhà báo muốn biết, và Tổng bí thư trả lời: “Tôi không có mục đích làm để tạo dấu ấn, để đánh bóng mình. Cứ làm cho tốt nghị quyết của Đảng là tốt rồi”.

Theo Tổng bí thư, đương nhiên, khi thực hiện thì phải có trọng tâm, trọng điểm. Trước hết, Tổng bí thư và Ban chấp hành Trung ương phải lo thực hiện chủ đề của Đại hội.

Sắp tới, phải chăm lo xây dựng Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, một trong những bài học quan trọng rút ra từ kinh nghiệm thời gian qua, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Cũng theo ông, việc chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết là vấn đề chiến lược. Đổi mới hệ thống chính trị, rồi chủ động và tích cực hội nhập quốc tế và quan trọng là phấn đấu tạo nền tảng đến 2020 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. “Giữa thế kỷ này, Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành nước công nghiệp hiện đại. Xa hơn nữa thì tính sau, vì thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội còn rất dài, cứ từng bước rồi chúng ta rút kinh nghiệm tổng kết và phát triển”, Tổng bí thư nói.

Trên cương vị mới, Tổng bí thư sẽ thăm nước nào đầu tiên, các nhà báo tiếp tục đặt câu hỏi.

“Tôi nói thật là vừa mới nhận chức Tổng bí thư xong, giờ nghe các bạn gọi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa quen tai, còn thấy ngượng, chưa kịp nghĩ đến việc đó. Chắc sau này sẽ suy nghĩ. Còn đi đâu thì còn có Ban đối ngoại Trung ương, và còn phải xem có lời mời thì mới đi được”, Tổng bí thư cởi mở chia sẻ.

Vì giới hạn thời gian họp báo chỉ có 30 phút, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới trả lời được một phần nhỏ những câu hỏi của giới báo chí. Song, hơn một lần ông nhấn mạnh đến sự đóng góp của báo chí vào thành công của Đại hội Đảng XI.

(Theo Vneconomy)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Nâng cao giá trị cà phê Việt Nam
  • Đắk Lắk hướng tới xuất khẩu cà phê giá trị cao
  • Điều chỉnh cơ cấu nhập khẩu để bớt lệ thuộc Trung Quốc
  • Ba việc cần làm cho doanh nghiệp phát triển
  • Bàn về “kiềm chế nhập siêu”
  • Không nên nâng mức khởi điểm chịu thuế
  • Chuyện kiều hối và sự "kích cầu" thị trường nhà đất
  • Xuất khẩu gạo: "Tự tin trước cạnh tranh mới"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi