Ông Đặng Như Lợi. |
Thông tin đề xuất điều chỉnh tăng lương tối thiểu trước lộ trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khiến nhiều doanh nghiệp kêu khó, còn người lao động cũng cho rằng, họ lo nhiều hơn vui.
Trao đổi với VnEconomy, ông Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - một chuyên gia về lao động, tiền lương- cho rằng, việc điều chỉnh tiền lương, xét ở mặt tổng thể là cần thiết. Bởi, theo nguyên tắc là khi mức trượt giá cao, lương không đảm bảo được cuộc sống thực tế thì phải điều chỉnh sao cho phù hợp. Chủ trương điều chỉnh là đúng nhưng phải xem mặt trái của nó.
Vậy mặt trái ở đây là gì thưa ông?
Bản thân doanh nghiệp hiện nay, với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đã đội chi phí đầu vào lên rất nhiều. Với những doanh nghiệp mà giá sản phẩm bán ra cũng tăng giá theo tốc độ tăng chỉ số giá đầu vào thì không bị ảnh hưởng, nhưng những doanh nghiệp mà sản phẩm không tăng được giá, trong khi chi phí đầu vào tăng, nay cộng thêm tăng lương mấy chục phần trăm chắc chắn sẽ gặp khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động là điều khó tránh khỏi.
Theo số liệu báo cáo của các trung tâm giới thiệu việc làm, tính đến ngày 20/5/2011, cả nước có 146.538 người đến đăng ký thất nghiệp, tăng 131,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu điều chỉnh lương lên cao như đề xuất, doanh nghiệp không làm ăn được có thể sa thải lượng lớn lao động nữa và tỷ lệ thất nghiệp lại gia tăng.
Đấy là chưa kể đến việc, trong trường hợp nếu Chính phủ không kiểm soát được mức tăng CPI, giá cả lại tăng cao, chẳng lẽ lại đề xuất tăng lương? Nếu thấy giá tăng, lương lao động không đủ sống thì đề xuất tăng lương; lương tăng, giá lại tăng, cuối cùng sẽ tạo thành một vòng luẩn quẩn không thoát ra được và cũng không có doanh nghiệp nào chịu nổi.
Ý ông là tăng lương vào thời điểm này là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp?
Đúng là ở vào thời điểm này hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn và khả năng doanh nghiệp cũng khác nhau. Với những daonh nghiệp sử dụng lao động chất lượng cao thì chắc họ không quan tâm đến việc tăng lương tối thiểu. Còn các doanh nghiệp gia công, sử dụng nhiều lao động thì khả năng trả lương cao là khó vì đầu ra của họ không tăng.
Ngoài ra, việc lương tối thiểu vùng hiện nay mà đem áp dụng với doanh nghiệp cũng chưa thật sự hợp lý. Phân theo vùng nhưng lương lại không phân theo ngành nghề. Trong khi một vùng có nhiều loại hình doanh nghiệp, với hao phí lao động khác nhau, hiệu quả lao động khác nhau, đầu ra hoàn toàn khác nhau, vậy làm sao có thể chỉ có một loại lương giống nhau. Đây cũng là vấn đề cần giải quyết.
Theo ông giải pháp là gì khi không tăng lương thì không đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động?
Vấn đề là ở chỗ đó. Vì suy nghĩ như thế nên mới tạo ra vòng luẩn quẩn.
Ở đây, các nhà làm chính sách cũng cần phải xem lại. Chính sách điều hành phải mang tính lâu dài, phải có sự chuẩn bị và có tính “phòng” chứ không phải để xảy ra rồi mới “chống” như bây giờ.
Thực tế, điều hành của chúng ta hiện nay vẫn mang tính đối phó, toàn xử lý vấn đề kiểu chạy theo. Vấn đề cốt lõi ở đây là làm sao để tốc độ giá giảm xuống, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp thì đâu cần phải tăng lương.
Một thiếu sót căn bản phải kể đến nữa, đó là hiện hệ thống công đoàn của chúng ta quá yếu, không đại diện được cho quyền lợi của người lao động, không có tiếng nói cũng không có khả năng đàm phán lương cho lao động.
Thực tế, nếu như công đoàn và giới chủ có mối quan hệ tốt, hai bên có thể bàn bạc để quyết định tiền lương cụ thể, hợp lý trong từng thời điểm, phù hợp với điều kiện của mỗi doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của cả hai bên.
Trong thời buổi khó khăn, công đoàn có thể chấp nhận một mức lương thấp hơn để cùng doanh nghiệp vượt qua, khi khó khăn đi qua, doanh nghiệp có thể tăng lương theo đúng công sức mà lao động bỏ ra và theo sự điều tiết của thị trường.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com