Thực hiện cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” do Bộ Chính trị phát động, góp phần kích cầu và kích thích sản xuất, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các doanh nghiệp triển khai tháng khuyến mãi Hà Nội 2010 từ ngày 1/11- 30/11/2010. PV trao đổi với ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội xung quanh sự kiện này.
- Dự kiến 350- 500 DN tham gia với khoảng 1.000 điểm khuyến mãi trên địa bàn thành phố, ông đánh giá thế nào về quy mô của Tháng khuyến mãi Hà Nội 2010 ?
Đây là hoạt động rất có ý nghĩa đối với ngành thương mại Thủ đô. Tuy nhiên theo tôi nghĩ quy mô chưa hẳn đã quyết định thành công của tháng khuyến mãi. Tôi nghĩ với điều kiện tổ chức hiện nay không nên tham nhiều điểm mà cần đi vào chất lượng, lựa chọn các DN, đơn vị có uy tín đồng thời tổ chức mạng lưới khuyến mãi sao cho thật hợp lý, rộng khắp để người dân có cơ hội tiếp cận dễ dàng. Tránh cảnh đầu voi đuôi chuột.
Điều quan trọng là tháng khuyến mãi không chỉ giúp người dân có điều kiện mua sắm giá rẻ mà còn tạo được một thói quen, một không khí mua sắm văn minh, tránh cảnh chen lấn xô đẩy. Đồng thời cũng thấy được diện mạo mới của ngành thương mãi Thủ đô. Sau tháng khuyến mãi này cũng cần thống kê người tiêu dùng được hưởng lợi bao nhiêu từ chênh lệch giá do khuyến mãi.
- Đâu là yếu tố quyết định thành công của tháng khuyến mãi, thưa ông?
Để tháng khuyến mãi thành công thì khâu kiểm tra giám sát vẫn là quan trọng nhất. Nhưng với khoảng 1.000 điểm khuyến mãi trên toàn địa bàn thành phố Ban tổ chức khó có đủ người để thường xuyên kiểm tra. Vì vậy Ban tồ chức yêu cầu các DN ký cam kết và có báo cáo cụ thể, định kỳ trong thời gian diễn ra tháng khuyến mãi. Trên cơ sở đó nắm bắt được tình hình cũng như rút ra kinh nghiệm cho những năm tiếp theo.
Thứ hai, Ban tổ chức cần có các cuộc khảo sát, thống kê sức mua và nhu cầu có khả năng thanh toán của người tiêu dùng để tập trung vào các sản phẩm thị trường đang có nhu cầu lớn. Như vậy sẽ tạo ra hiệu ứng tốt hơn trong việc kích cầu và kích thích sản xuất.
Thứ ba, hàng hóa khuyến mãi phải là sản phẩm có chất lượng tốt, tránh đưa hàng tồn kho, hàng lỗi mốt. Chuẩn bị được một cơ số tương đối với từng mặt hàng để tránh tình trạng chưa bán đã hết. Tỷ lệ khuyến mãi hợp lý đừng xốc quá. Tôi nghĩ giảm từ 10 - 30% là hợp lý, tránh tình trạng các DN chạy đua khuyến mãi, đẩy giá bán lên cao sau đó tăng tỷ lệ khuyến mãi nhưng thực chất khuyến mãi thì rất lớn mà giá trị thực người tiêu dùng được hưởng chẳng đáng bao nhiêu. Về lâu dài, Ban tổ chức cần có cách thức cũng như phối hợp với các ngành khác như du lịch để coi đây là dịp quảng bá các sản phẩm, thương hiệu VN đến với du khách quốc tế khi đến Hà Nội. Các nước xung quanh chúng ta như Singapore, Malaysia rất thành công trong việc kết hợp các chương trình khuyến mãi mua sắm và du lịch. Có lẽ chúng ta cũng nên học hỏi và nâng tầm tháng khuyến mãi.
- Hiện Hiệp hội siêu thị Hà Nội đã có sự chuẩn bị như thế nào cho hoạt động này, thưa ông ?
Hiện nay 21 thành viên của Hội đã đăng ký tham gia với khoảng 500 điểm khuyến mãi trên địa bàn thành phố ở những vị trí đắc địa. Và chắc chắn các siêu thị sẽ là nơi thu hút nhiều khách nhất trong tháng khuyến mãi. Vì vậy các DN hội viên cũng đã có sự chuẩn bị khá kỹ cho tháng khuyến mãi cả về số lượng, chất lượng hàng hóa cũng như phong cách phục vụ. Hi vọng tháng khuyến mãi năm nay sẽ tạo ra dấu án đối với người tiêu dùng trong dịp Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Phan Nam // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com