Dự tính, CPI quý I/2011 sẽ tăng khoảng 6%, về các biện pháp điều hành giá cả, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa khi trao đổi với PV cho rằng, phải thực hiện toàn bộ các biện pháp mà Nghị quyết 11 đã đưa ra là cắt giảm 10% chi thường xuyên (đang giao các bộ, các địa phương thực hiện) và cắt giảm đầu tư công.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần phải làm quyết liệt hơn, như đi đôi với cắt giảm chi tiêu thường xuyên là cắt giảm 30% chi tiêu công và phân bổ cho các bộ, địa phương tự sắp xếp.
* Đối với các giải pháp về giá sắp tới ra sao, thưa ông?
- Bộ Tài chính đang tổ chức 14 đoàn kiểm tra, đi xuống các DN kinh doanh mặt hàng quan trọng để kiểm tra việc điều chỉnh giá xăng dầu điện, tỉ giá vừa qua tác động như thế nào vào giá vốn. Điều này để tránh tình trạng DN nào cũng lấy cớ tỉ giá tăng để tăng giá bán hàng. Nếu DN bị tác động trực tiếp của tỉ giá mới có thể tính toán vào giá thành như xăng, phân bón. Điều này là bất khả kháng. Còn đối với các DN lâu nay vẫn mua theo giá thị trường thì không thể lợi dụng chuyện tỉ giá được.
Tuy nhiên, đi đôi với kiểm soát, chúng ta cũng phải chấp nhận có những mặt hàng chịu tác động thực sự để đảm bảo sản xuất kinh doanh diễn ra bình thường; cũng như việc bình ổn giá không có nghĩa là cố định giá.
14 đoàn thanh tra Bộ Tài chính sẽ tập trung vào các lĩnh vực là thép, ximăng và thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, các địa phương tiếp tục kiểm soát chặt cước vận tải; Bộ Y tế kiểm soát chặt việc kê khai giá thuốc; Bộ Tài chính cũng tiếp tục kiểm soát chặt giá sữa. Đây là các mặt hành chịu tác động trực tiếp của điều chỉnh của tỉ giá, giá điện và giá xăng, dầu.
* Một số mặt hàng an sinh xã hội như viện phí, học phí… công tác điều hành giá sắp tới sẽ ra sao, thưa ông?
- Viện phí, học phí thì Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo phải có trách nhiệm xây dựng lộ trình. Chúng ta thực hiện lộ trình theo hướng thị trường, nhưng phải đảm bảo người nghèo có thể tiếp cận được. Ví dụ, chúng ta xóa bỏ cơ chế bao cấp trong y tế thì phải thực hiện bảo hiểm cho người nghèo. Giáo dục cũng có các hình thức như vậy.
* Trước đây, các sai phạm về giá bị phát hiện nhưng không bị xử lý mạnh. Ông có cho rằng đây là nguyên nhân khiến vi phạm vẫn tái diễn?
- Đúng là năm trước có DN sai phạm về giá, nhưng chế tài xử lý theo cơ chế cũ nên không đủ tính răn đe. Ví dụ, không niêm yết giá chỉ bị xử phạt 200.000 đồng hay mức hạt cao nhất chỉ là 30 triệu đồng đối với vi phạm quá nghiêm trọng là thấp.
Hiện Bộ Tài chính và các bộ, ngành đang gấp rút hoàn thành dự thảo sửa đổi Nghị định 169 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giá, trình Chính phủ ban hành theo hướng nâng chế tài xử phạt, bổ sung nhiều hành vi vi phạm mới xuất hiện. Theo đó, có thể tịch thu phần hạch toán không đúng của DN vào ngân sách nhà nước; nặng hơn có thể rút giấy phép kinh doanh hoặc chuyển qua hình sự nếu phát hiện có dấu hiệu phạm pháp.
Tuy nhiên, mức xử phạt cao nhất vẫn bị khống chế bởi quy định về xử phạt hành chính như lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu thì mức phạt cao nhất theo Nghị định 107 là 70 triệu đồng. Tuy nhiên, dự thảo mới ngoài phạt tiền sẽ có chế tài bổ sung để có tính răn đe.
* Các giải pháp trên liệu đã triệt tiêu hết nguyên nhân gây tăng giá chưa, thưa Cục trưởng?
- Giá chỉ là ngọn. Nguyên nhân căn cơ của lạm phát là tiền nhiều hơn hàng. Giải pháp của Nghị quyết 11 là nhằm vào cái căn bản ấy: Giảm tốc độ tín dụng, giảm bội chi ngân sách, giảm đầu tư công... để giảm tổng tiền. Tuy nhiên, Nghị quyết 11 mới ban hành được 1 tháng và bước đầu có tác động, phải cần thêm một vài tháng nữa mới có tác dụng.
* Như vậy CPI có đảm bảo được mục tiêu 7%?
- Hiện chưa có quyết định điều chỉnh mục tiêu lạm phát (cả năm 7%). Nhưng như tôi đã phát biểu trước đó, CPI 7% là khó thực hiện.
- Cảm ơn ông!
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com