Mặc dù đã lần thứ ba tập thể các DN nhựa tham gia sản xuất mũ bảo hiểm (MBH) tại TP HCM gửi đơn kiến nghị, kêu cứu đến Chính phủ và các bộ ngành liên quan về vấn nạn MBH giả, nhái, biến tướng MBH... khiến các DN chân chính “sống dở, chết dở”. DĐDN có cuộc trao đổi cùng ông Lý Ngọc Thắng - Đội trưởng Đội quản lý thị trường (QLTT) 3A TP HCM xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, nhiều DN cho rằng hiện MBH đang lưu hành trên thị trường có thể đến 70% là MBH rởm các kiểu. Ông nghĩ thế nào ?
Các DN nói vậy là không sai, thậm chí con số còn có thể nhiều hơn. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý hiện nay là tình hình làm MBH rởm đang tăng cao hơn trước và lộng hành quá đáng !
Trước đây, MBH rởm còn làm bề ngoài cho giống MBH. Ví dụ làm tem giả, tên giả, hình dáng nhìn bề ngoài cũng cố gắng sao cho giống MBH thật, chỉ khác là chất lượng không được kiểm định. Còn trong khoảng hơn một năm trở lại đây, trên thị trường ồ ạt xuất hiện loại mũ đội thay MBH (đang chiếm đến 90% các loại MBH rởm). Loại mũ này tự đặt bất cứ tên gì mà không cần nhái tên của các hãng mũ uy tín, hình dáng mũ biến đổi đủ kiểu, không thèm dán tem... giả, dùng tay bóp mạnh cũng vỡ.
- Điều đó có nghĩa lực lượng QLTT không hề khó “bắt” những loại mũ này cũng như cơ sở sản xuất ra chúng ?
Với các biến tướng của MBH thì ai cũng phát hiện rất dễ chứ không riêng gì QLTT. Tuy nhiên, khi QLTT vào các cơ sở đang sản xuất các loại biến tướng này, dù biết họ sản xuất để bán cho người sử dụng thay MBH nhưng không thể xử phạt theo quy định sản xuất hàng giả, hàng nhái bởi không có căn cứ.
- Như vậy là chúng ta thiếu quy định về pháp luật đối với những sản phẩm này, thưa ông ?
Để tìm căn cứ xử phạt các loại mũ “không phải MBH”, tôi đã hỏi trực tiếp Trung tâm đo lường kiểm định chất lượng và đã được trả lời là chỉ có quy chuẩn chất lượng kỹ thuật cho MBH thành phẩm. Cụ thể như kiểm định độ va đập, độ đâm xuyên, chịu lực... chứ không có quy chuẩn nào cho các loại mũ không phải là MBH tự đặt tên là mũ thể thao, mũ đi bộ, thậm chí không cần đặt tên gì...
- Theo ông, có thể vận dụng các quy định khác để xử phạt được không ?
Với các dạng sản xuất nêu trên chỉ có thể phạt theo các quy định như: Phạt “hộ kinh doanh cá thể” vi phạm quy định “không công bố chất lượng sản phẩm” mức tối đa 1,5 triệu đồng/hộ/lần; phạt hành vi “không giấy phép kinh doanh”, không đăng ký kinh doanh mức tối đa 400.000 đồng/hộ/lần. Rõ ràng là mức phạt rất thấp, không đủ sức làm cho họ bỏ nghề, chỉ cần tiếp tục hành nghề vài ngày là thu hồi lại vốn ngay.
- Nếu phục kích bắt được thành phẩm sản xuất MBH biến tướng thì sao, thưa ông ?
Việc QLTT bắt quả tang thành phẩm là rất khó, còn nếu bắt được thì xử lý cũng rất nhiêu khê như phải lập biên bản, niêm phong hàng mẫu mang đi kiểm định...
- Còn việc tịch thu các điểm bán MBH rởm, MBH biến tướng ở các vỉa hè thì sao, thưa ông ?
QLTT không có quyền bắt phạt các điểm kinh doanh vĩa hè, các điểm kinh doanh không tên, không địa chỉ, đó là trách nhiệm và quyền hạn của chính quyền địa phương, lực lượng cảnh sát trật tự...
- Không lẽ QLTT bó tay với nạn MBH rởm, MBH biến tướng ?
Tôi cho rằng trước mắt, hãy cứ căn cứ vào quy định phải đội MBH khi ngồi mô tô - xe máy tham gia giao thông. Như vậy, hễ CSGT phát hiện ai ngồi mô tô - xe máy tham gia giao thông mà đội các loại mũ không phải là MBH thì cứ phạt. Như đã nêu, hiện các loại biến tướng MBH đang chiếm có thể đến 90% tổng số MBH rởm, nếu CSGT vào cuộc thì vấn nạn MBH sẽ giảm ngay. Đồng thời chính quyền địa phương, ban quản lý chợ dẹp ngay các điểm bán các sản phẩm rởm này ở các khu vực thuộc thẩm quyền của mình.
- Liệu CSGT có thể phân biệt được MBH nào thật, MBH nào giả ?
Nếu là MBH nhái, giả... thì cũng khó phân biệt, nhưng nếu là biến tướng MBH như nêu trên thì ai cũng có thể phân biệt. Nếu CSGT “diệt” hết các loại biến tướng MBH thì chắc chắn những người sản xuất các biến tướng MBH này sẽ quay lại sản xuất MBH rởm, lúc đó là trách nhiệm của chúng tôi.
Như đã nêu tại DĐDN số 24 ra ngày 25/3/2011, tập thể các DN sản xuất MBH đã liên tục gửi 3 đơn khiếu nại, kêu cứu đến các ngành chức năng về vấn nạn MBH. Trong đó, đơn kiến nghị mới nhất của các DN về vấn đề trên vào ngày 14/2/2011 gửii Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Văn Phong. Ngày 15/3 vừa qua, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã có công văn số 1542/VPCP/KNTN về việc “xử lý kiến nghị của DN sản xuất MBH” gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ KH-CN; Bộ Công thương, các DN liên quan... CV 1542 đã nhắc lại rằng 8 DN (có tên cụ thể) đã tiếp tục có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn nạn MBH giả nhái... CV 1542 cũng nhắc lại rằng về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại văn bản 2791/VPCP- KNTN ngày 28/4/2010 của VPCP. Tuy nhiên, cho đến nay Bộ KH-CN, Bộ Công thương chưa báo cáo kết quả thực hiện. Sau đó CV 1542 đề nghị hai bộ nêu trên báo cáo kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2011. |
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com