Kim ngạch xuất khẩu nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm 6 tháng năm 2011 ước đạt 1,027 tỷ USD. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu không kể kim ngạch xuất khẩu vàng, nhập siêu 6 tháng đầu năm 2011 sẽ phải cộng thêm gần 1 tỷ USD vào con số 6,65 tỷ USD như công bố của Tổng cục Thống kê.
Như vậy, ước tính đã có gần 20 tấn vàng xuất khẩu, chủ yếu tập trung trong thời gian gần đây, nhưng đã “cứu” lại phần nào trạng thái cán cân thương mại vốn tăng rất mạnh trong những tháng cuối quý 1 và đầu quý 2 năm nay.
Nhìn nhận về diễn biến này, Tổng cục Thống kê cho rằng cũng khó để gọi là tạm thời. Vụ trưởng Vụ Thương mại Dịch vụ Lê Thị Minh Thủy trả lời VnEconomy.
Có quan điểm cho rằng xuất khẩu vàng vừa qua chỉ là tạm thời và Việt Nam vẫn nhập là chính. Dữ liệu lịch sử về xuất, nhập khẩu mặt hàng này của Tổng cục Thống kê có đồng quan điểm?
Xuất khẩu vàng đúng là yếu tố chính đẩy kim ngạch tháng 6 lên cao so với tháng 5 tới 7,8%. Nếu không kể vàng thì chỉ tăng 2,5%. Đây nên coi là yếu tố không thường xuyên và phụ thuộc vào chênh lệch giá giữa trong nước và thế giới, nhưng cũng khó để gọi là tạm thời.
Bởi vì, tổng nhập từ 2005 đến nay cao hơn xuất, lượng vàng trong dân còn nhiều. Hơn nữa nhập vàng lậu là có và còn khó kiểm soát hơn xuất lậu, đây là nguồn cho tái xuất.
Nếu coi xuất khẩu vàng là yếu tố không thường xuyên, loại trừ yếu tố này thì còn yếu tố nào hỗ trợ cân bằng hơn cán cân thương mại quốc tế?
Nhập siêu tháng 6 xuống 400 triệu USD còn do nhập khẩu, đặc biệt là nhóm hàng máy móc, nguyên liệu cho sản xuất trong nước giảm khá nhiều so với 3 tháng trước đây, do tác động của tình hình giá cả, thị trường trong nước.
Nghị quyết 11 ban hành cuối tháng 2 nhưng cũng như năm 2008, độ trễ là 3 - 4 tháng. Còn tháng 3 đến tháng 5, nhập khẩu vẫn khá cao do hàng về theo các hợp đồng ký từ trước để phục vụ các đơn hàng xuất khẩu và bán ra trong nước đã được ký.
Để tiếp tục chu kỳ sản xuất, khi chỉ số PPI (chỉ số giá nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất - PV) tăng mạnh hơn CPI, các doanh nghiệp khó có thể duy trì tình trạng sản xuất không có lãi, thậm chí lỗ. Trong khi đó, tiếp cận vốn thì khó khăn. Điều này cũng cho thấy yếu tố giảm nhập siêu chủ yếu đến từ nhóm hàng tư liệu sản xuất.
Còn kiểm soát chặt hàng tiêu dùng không tác động nhiều đến giảm nhập khẩu, nhưng lại hỗ trợ cho giá cả hàng sản xuất trong nước có thể cạnh tranh đúng nghĩa với hàng nhập, đặc biệt là nhập lậu.
Nhưng cũng theo Tổng cục Thống kê, cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay có sự thay đổi, tỷ trọng nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng từ 7,2% lên 8,2%. Thay đổi này có liên quan đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước?
Tỷ trọng nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng chủ yếu trong quý 1/2011 do đáp ứng nhu cầu tiêu dùng Tết. Đến quý 2 đã giảm nhiều do nhu cầu thấp hơn, nhà nước kiểm soát mạnh hơn.
Hàng tiêu dùng nhập khẩu nhiều sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng trong nước, nhưng một phần quan trọng hơn nhiều là hàng tiêu dùng nhập lậu từ Trung Quốc, giá bán rất rẻ do trốn thuế. Cái này không kiểm soát được, nhưng nếu quan sát trên thị trường thì thấy rõ.
Một điểm đáng chú ý khác là nhập khẩu ôtô nguyên chiếc 6 tháng đầu năm, ngoài việc tăng 40% về lượng, tính theo giá bình quân tăng 6,2% so với cùng kỳ. Các con số này cho thấy điều gì?
Giá bình quân ôtô nguyên chiếc nhập khẩu tăng so cùng kỳ trước hết vì giá cả thế giới nhìn chung tăng, mặc dù mức tăng còn thấp hơn mức tăng giá nguyên nhiên vật liệu.
Hơn nữa, do tỷ trọng xe nhập từ các nước Nhật, Đức, Anh, Nga, Đài loan, Trung Quốc tăng lên trong khi giá nhập của các thị trường này tăng mạnh hơn Hàn Quốc, mà tỷ trọng xe nhập từ Hàn Quốc lại giảm từ 57% xuống 43%.
Một nguyên nhân nữa có thể do cơ cấu chủng loại xe nhập khác nhau, nhưng số liệu của Tổng cục Thống kê không có chi tiết đến thế.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com