Tiềm lực dự trữ hùng mạnh về tài chính và hàng hóa không những giúp các quốc gia giảm thiệt hại, ổn định kinh tế vĩ mô, mà còn vượt qua khó khăn, phục hồi tăng trưởng kinh tế và chuẩn bị cho chu kỳ phát triển mới. Việc đánh giá lại các nguồn lực và sử dụng lực lượng dự trữ quốc gia một cách hợp lý là hết sức cần thiết.
Thực trạng dự trữ quốc gia
Trong những năm gần đây, cùng với sự biến đổi của khí hậu toàn cầu, các hiện tượng lũ quét, nước biển dâng cao, bão lụt... ngày một gia tăng cả về tần suất và mức độ ảnh hưởng. Bên cạnh đó, quá trình CNH, HÐH, tiến trình đô thị hóa nhanh, xuất hiện nhiều khu công nghiệp, khu đô thị tập trung dân số lớn đòi hỏi phải có phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản khi có sự cố hỏa hoạn, động đất,... Mặt khác, tác động của khủng hoảng
kinh tế thế giới đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp đồng bộ và kịp thời để can thiệp thị trường, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, những danh mục mặt hàng dự trữ quy định tại Nghị định 196/2004/NÐ-CP vẫn còn thiếu một số phương tiện, thiết bị phục vụ cho việc ứng cứu, khắc phục các sự cố hỏa hoạn và động đất, cứu hộ trên biển và nguyên vật liệu thô dùng trong sản xuất công nghiệp. Về tổng thể, danh mục mặt hàng hiện có tuy đa dạng song còn phân tán, dàn trải, không đủ chủng loại, trong đó có loại còn lạc hậu công nghệ từ 20 đến 25 năm.
Theo ''Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020" thì tổng mức dự trữ quốc gia hằng năm cần được bố trí tăng dần, tổng mức dự trữ quốc gia đến năm 2010 phải tăng gấp hai lần năm 2005 và đến năm 2020 tăng gấp hai lần năm 2010. Nếu so với GDP, thì giá trị hàng dự trữ hiện có ở tỷ lệ rất thấp, trong khi đó yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra đối với ngành dự trữ quốc gia trong tình hình mới là khá nặng nề. Theo Pháp lệnh Dự trữ quốc gia, dự trữ Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm về hàng để cứu trợ cứu nạn khi cần thiết. Tuy nhiên, với tiềm lực dự trữ như hiện nay, đứng trước tình hình biến động và khủng hoảng tài chính, kinh tế xảy ra ở các nước trên thế giới, cộng với những hậu quả do biến đổi khí hậu và thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra tại các vùng miền của nước ta thì lượng hàng dự trữ còn quá mỏng. Nguyên nhân là, từ trước đến nay việc dự trữ được thực hiện cả bằng tiền và bằng hàng, nhưng ngân sách hằng năm dành cho ngành dự trữ còn hạn chế; đặc biệt, việc dự trữ bằng hàng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Dự trữ quốc gia là vấn đề lớn, có ý nghĩa chiến lược cần được đầu tư tăng dần, đồng thời phải rất linh hoạt. Ðể bảo đảm yêu cầu điều hành dự trữ quốc gia và giảm bớt chi ngân sách cho công tác quản lý, bảo quản bằng hiện vật, phương thức dự trữ bằng tiền với tỷ lệ khoảng 10-20% tổng mức dự trữ cũng được đặt ra. Ðây là sự phối hợp có hiệu quả giữa nhiều phương thức dự trữ nhằm chủ động hơn trong điều hành: khi giá thị trường lên cao thì đưa hàng dự trữ ra để bình ổn giá; ngược lại khi giá thị trường xuống thấp thì sử dụng tiền dự trữ để mua hàng vào. Trong những năm gần đây, Chính phủ đã xuất hàng dự trữ quốc gia phục vụ công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, cứu đói, cứu trợ, viện trợ với hàng trăm nghìn tấn gạo, hàng nghìn tấn giống cây trồng và hàng triệu liều vắc-xin phòng dịch; vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia trị giá hàng nghìn tỷ đồng... Tuy nhiên, trong trường hợp thiên tai kéo dài và trên diện rộng với mức độ nghiêm trọng thì tổng mức dự trữ quốc gia hiện nay chưa thể đáp ứng được nhu cầu.
Ngoài ra, hệ thống kho tàng dự trữ quốc gia còn phân tán, tích lượng chứa thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao, dự trữ chủ yếu vẫn theo mô hình và công nghệ kho bảo quản truyền thống, chưa được ứng dụng những công nghệ tiên tiến có thể bảo quản khối lượng lớn, mức độ tự động hóa cao. Cơ chế quản lý dự trữ quốc gia đang được đổi mới song vẫn còn những điểm chưa thật sự thích ứng với cơ chế thị trường. Theo Pháp lệnh Dự trữ quốc gia, mua hàng nhập kho dự trữ quốc gia được thực hiện theo kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hàng dự trữ quốc gia chủ yếu mua theo phương thức đấu thầu; trừ những mặt hàng có tính đặc thù như: hàng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, cơ yếu... áp dụng phương thức mua trực tiếp. Thời gian vừa qua đã tổ chức đấu thầu mua một số mặt hàng nông sản không đạt kết quả do những hàng hóa đó là sản phẩm của hộ nông dân, hộ cá thể, các doanh nghiệp kinh doanh không mua trữ sẵn để bán; mua theo phương thức đấu thầu phải qua nhiều giai đoạn như: lập hồ sơ mời thầu, phê duyệt, đăng báo, bán hồ sơ,... thường mất từ 20 đến 25 ngày, rất dễ lỡ mất thời vụ, không mua được...
Ðể phát huy vai trò của dự trữ quốc gia
Hoạt động dự trữ quốc gia có vai trò quan trọng đối với việc phát triển bền vững, bảo đảm ổn định chính trị - kinh tế - xã hội. Dự trữ quốc gia là nguồn dự trữ chiến lược của Nhà nước nhằm chủ động đáp ứng những yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, dự trữ quốc gia còn có nhiệm vụ tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp thiết khác của Nhà nước. Ðể phát huy vai trò của dự trữ quốc gia trong tình hình khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay cần thực hiện tốt các giải pháp.
Một là, về trung hạn và dài hạn, phải rà soát, bổ sung, hoàn thiện danh mục hàng dự trữ quốc gia theo hướng tập trung vào những mặt hàng thật sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu công tác dự trữ quốc gia, tránh dàn trải; tập trung nguồn lực ngân sách tăng dự trữ quốc gia các mặt hàng chiến lược, thiết yếu. Tiếp tục hoàn thiện "Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020". Trước mắt, phải nhanh chóng bổ sung vào danh mục này một số loại vật tư, trang thiết bị để sẵn sàng ứng cứu, khắc phục thiên tai, dịch bệnh xảy ra, đồng thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nền kinh tế. Loại bỏ khỏi danh mục những trang, thiết bị đã lạc hậu, có kế hoạch đầu tư, trang bị mới. Chuyển một số mặt hàng thiết yếu, dân sinh về cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách thuộc Bộ Tài chính quản lý.
Hai là, tăng dần ngân sách hằng năm cho dự trữ quốc gia để nâng mức tồn kho hàng hóa và dự trữ bằng tiền, bảo đảm ít nhất bằng 1% GDP vào năm 2010; trong đó, dự trữ bằng tiền chiếm 20% tổng mức dự trữ bao gồm cả nội tệ và ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu mua bổ sung kịp thời hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu bổ sung cho dự trữ quốc gia. Tăng lượng dự trữ quốc gia về lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ an sinh xã hội và bình ổn thị trường; nâng mức tồn kho dự trữ lương thực quy thóc lên mức bình quân 10 kg/người vào năm 2010 để đáp ứng các yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay. Danh mục mặt hàng cần dự trữ sẽ được đề xuất theo hướng lựa chọn những loại hàng chiến lược để bảo đảm tốt an ninh tài chính và an sinh xã hội.
Ba là, hoàn thiện quy hoạch hệ thống kho dự trữ quốc gia trên cơ sở quy hoạch kho dự trữ của từng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia; lựa chọn đầu tư xây dựng các loại hình kho, công nghệ bảo quản tiên tiến, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.
Bốn là, nghiên cứu áp dụng các phương thức mua, bán hàng dự trữ quốc gia phù hợp với điều kiện thực tế, tính chất từng mặt hàng và những quy định hiện hành của Nhà nước. Ngày 27-11-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2008/NÐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; theo đó, nâng cấp Cục Dự trữ quốc gia thành Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Ðây không chỉ là thay đổi về tổ chức mà còn là một mốc phát triển, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của dự trữ Nhà nước. Do vậy cần thực hiện hoàn thiện quy trình định giá mua, bán hàng dự trữ quốc gia; quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm phối hợp giữa Tổng cục Dự trữ Nhà nước với các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc tiếp nhận, phân phối, quản lý, sử dụng hàng đã xuất khỏi kho để cứu đói, cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn.
Năm là, xây dựng cơ chế dự trữ quốc gia tham gia bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở bảo đảm nguồn hàng hóa đủ mạnh, tổ chức mạng lưới mua, bán phù hợp với từng trường hợp; xác định các phương án mua, bán hàng dự trữ quốc gia để tham gia bình ổn giá thị trường; thực hiện quy định về đặt hàng dự trữ quốc gia với các bộ, ngành; ký hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia đối với các đơn vị dự trữ thuộc bộ, ngành.