Đó là nghi vấn Tổng Công ty Lương thực 2 (Vinafood 2) lập công ty sân sau; doanh nghiệp (DN) thành viên của VFA bán phá giá; những bất cập trong vai trò điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua.
Giá gạo xuất khẩu hiện đang có chiều hướng tăng. Trong ảnh:
Chuyển gạo xuất khẩu lên tàu ở cảng Sài Gòn. Ảnh: N.HỮU
Saigon Food đâu chỉ “làm” gạo...
Hôm 6-10, một tờ báo đưa tin Vinafood 2 mở Công ty Saigon Food ở tòa nhà Suntec (Singapore) với vốn pháp định chỉ 1 USD. Qua một số hợp đồng mua bán gạo ký giữa Vinafood 2 và Saigon Food, bài báo nghi vấn đây là công ty “sân sau” của Vinafood 2 nhằm mua gạo từ VN với giá rẻ để tái xuất sang châu Phi, hưởng chênh lệch giá.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thọ Trí thừa nhận: “Vinafood 2 có mở Saigon Food ở Singapore nhưng báo chí nói đó là công ty “sân sau” thì “đau” cho Vinafood 2 lắm!”. Theo ông Trí, việc thành lập Saigon Food đã được Chính phủ chấp thuận và Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp phép, vốn đầu tư là 10 tỉ đồng (ông Trí trưng ra một số văn bản).
Phóng viên Báo NLĐ đặt nghi vấn: Có khuất tất trong việc sử dụng vốn đầu tư của Saigon Food hay không, bởi hồ sơ do cơ quan đăng bạ Singapore cung cấp cho biết vốn của DN này chỉ là 1 đô la Singapore? Ông Trí nói: “Làm gì có chuyện vốn 1 đô la Singapore!”. Khi chúng tôi đưa ra 2 tờ hồ sơ nêu trên, ông Trí nói ông không biết chuyện này, để hỏi lại...
Sau cuộc họp, phóng viên Báo NLĐ hỏi: “Liệu việc mở Saigon Food ở Singapore có hiệu quả hay không bởi sau khi mua gạo của công ty “mẹ” (Vinafood 2) với giá 400 USD/tấn, Saigon Food phải tái xuất với giá cao hơn rất nhiều mới có thể có lãi do cả “mẹ” lẫn “con” đã phải chịu rất nhiều khoản thuế.
Nếu bán bằng giá hoặc cao hơn chút đỉnh thì cầm chắc lỗ, trong khi gạo VN khó có thể bán được với giá cao đột biến. Ông Trí giải thích: “Đúng là như vậy. Nhưng thực ra Saigon Food đâu phải chỉ “làm” gạo mà còn nhiều thứ khác nữa...”.
Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.Ảnh: N.TRINH
Phớt lờ chuyện bán phá giá
Ông Trí phân trần việc dư luận chỉ trích VFA lạm quyền, không dân chủ, năng lực yếu, phân bổ quota... là oan cho hiệp hội. VFA đã từng xin rút lui, đề nghị giao Bộ Tài chính định giá sàn, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm đăng ký hợp đồng nhưng Chính phủ không đồng ý.
Liên quan đến thông tin rằng các DN hội viên của VFA bán phá giá gạo gần đây là do việc áp đặt giá sàn, phóng viên Báo NLĐ đặt câu hỏi: “Việc áp giá sàn có phi thị trường không vì DN muốn xuất khẩu gạo với giá nào phải xin VFA phê duyệt, trong khi VFA không chịu trách nhiệm về sự thành bại của DN?”.
Ông Nguyễn Thọ Trí không trả lời thẳng câu hỏi này, chỉ nói chung chung việc áp giá sàn là để nông dân có lãi, DN có lợi tức, kìm hãm mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bảo đảm an ninh lương thực, chứ không phải để VFA chứng tỏ quyền hành.
“Đã đưa ra giá sàn mà còn “linh động” cho DN bán thấp hơn, vậy thì áp đặt giá sàn làm gì để phải tranh cãi chuyện bán phá giá?” - nhiều phóng viên cùng đặt vấn đề. Ông Trí cũng cho biết việc bỏ giá sàn là ngoài tầm của hiệp hội; VFA chưa từng đề cập chuyện các DN hội viên bán phá giá.
Giải đáp của ông Trí không được báo giới đồng tình, bởi trong ba tháng gần đây, ông Trí đã ít nhất một lần tuyên bố sẽ bêu tên và xử lý các DN phá giá. Thực tế, những DN bị nghi bán phá giá đều là thành viên của VFA nên ai cũng hiểu hiệp hội muốn bỏ qua chuyện này, nếu đưa ra ánh sáng thì có khác nào VFA “vừa ăn cướp vừa la làng”!
Lập liên minh xuất khẩu gạo với Campuchia Theo VFA, 9 tháng đầu năm nay, số lượng hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký là 5,798 triệu tấn, trong đó đã giao hàng được 4,975 triệu tấn. Các thành viên VFA đã mua lúa vụ hè thu đợt 2 được 380.214/500.000 tấn. Giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL đã tăng lên 4.200-4.300 đồng/kg. Ông Nguyễn Thọ Trí cho biết giá gạo xuất khẩu hiện đang có chiều hướng tăng khoảng 30 USD/tấn so với tháng trước. Những tháng cuối năm sẽ có nhiều hợp đồng lớn. |
Lưu ý đề xuất cơ chế xuất khẩu gạo hiệu quả Ngày 7-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị quyết số 50/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2009. Nghị quyết lưu ý Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuấtcơ chế xuất khẩu gạo có hiệu quả, bảo đảm an ninh lương thực và tiêu thụ lúa, gạo cho nông dân. Cũng trong nghị quyết này, Chính phủ nhận định trong thời gian tới, dự báo kinh tế trong nước có khả năng tiếp tục đà phục hồi song vẫn còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng còn ở mức thấp; xuất khẩu giảm nhiều và khả năng chậm được cải thiện, cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt. Tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng cao. Giá vật tư, nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng tăng, gây áp lực đến mặt bằng giá cả, tỉ giá ngoại tệ và tăng chỉ số giá tiêu dùng. Tình hình giải quyết việc làm vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế. Thiên tai, dịch bệnh có những diễn biến phức tạp... Trong những tháng cuối năm, cần tiếp tục ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, tiếp tục rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhằm thực hiện tốt các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. |
(Theo Nguyễn Hải -Dương Quang // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com