Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bộ Công Thương công bố cách tính giá điện mới

Giá điện 2011 được điều chỉnh ở mức có tác động thấp nhất đến nền kinh tế, đời sống người dân và bù đắp một phần chi phí cho ngành Điện. 

Bộ Công Thương họp báo công bố việc điều chỉnh giá điện năm 2011 - Ảnh Chinhphu.vn

Hôm nay 26/2/2011, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo công bố việc điều chỉnh giá điện năm 2011.

Bù đắp một phần chi phí

Theo Bộ Công Thương, giá điện của Việt Nam trong những năm qua vẫn thấp hơn giá thành, không đảm bảo được cân bằng tài chính cho đơn vị sản xuất điện, không hấp dẫn được các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, dẫn đến tình trạng chậm đầu tư các nguồn điện mới.

Do vậy, mục tiêu tăng giá điện lần này là đưa giá điện tiệm cận dần với giá thị trường, giúp ngành điện huy động đủ vốn cho nhu cầu đầu tư các công trình điện mới. Đồng thời, khuyến khích các hộ tiêu thụ điện đổi mới công nghệ, sử dụng điện tiết kiệm.

Thực tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất nhiều phương án khác nhau, tuy nhiên, Chính phủ chọn phương án tăng 15,28% với tiêu chí giảm thiểu các chi phí và lợi nhuận để có tỷ lệ tăng giá ở mức hợp lý trên cơ sở cân đối chi phí đầu vào, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hạn chế tối đa tác động đến đời sống người dân, phù hợp với lộ trình theo cơ chế thị trường nhằm thu hút đầu tư vào ngành điện, hạn chế tình trạng thiếu điện.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giá bán điện bình quân năm 2011 sẽ là 1.242 đồng/kWh, tăng 165 đồng/kWh so với giá điện bình quân thực hiện năm 2010; thời gian áp dụng từ ngày 1/3/2011.

Hỗ trợ người thu nhập thấp

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, giá bán điện được áp dụng biểu giá điện bậc thang cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt gồm 7 bậc.

Khác với những năm trước, giá điện bậc thang đầu tiên trong biểu giá điện sinh hoạt chỉ áp dụng cho các hộ thu nhập thấp (là các hộ thường xuyên có mức sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng) với mức giá chỉ bằng 80% giá bán điện bình quân 2011. Các hộ thu nhập thấp phải đăng ký sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng theo hướng dẫn của bên bán điện.

Nếu trong 3 tháng liên tiếp, tổng lượng điện sử dụng của hộ đó vượt quá 150 kWh thì bên bán điện sẽ tự động chuyển sang mức giá điện của bậc thang thứ 2 và các bậc tiếp theo.

Giá điện cho các bậc thang thứ 2 (0-100 kWh) áp dụng cho các hộ sử dụng điện thông thường, có giá ở mức bằng giá bán điện bình quân được duyệt; giá bán điện cho các bậc thang tiếp theo tăng dần để khuyến khích tiết kiệm điện.

Các hộ thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng quy định sẽ được hỗ trợ giá điện cho 50kWh/tháng với mức hỗ trợ là 30.000 đồng/hộ/tháng tương ứng với 60% tiền điện và giá bán lẻ thực tế.

Nhân viên Điện lực Hải Phòng ghi chỉ số công tơ. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo thống kê mới nhất cả nước có 3,5 triệu hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp. Việc chi trả tiền bù cho hộ nghèo hàng năm sẽ được lấy từ ngân sách.

Tác động không lớn

Theo tính toán, việc tăng giá điện sẽ tăng trực tiếp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,46%.  

Đối với hộ tiêu thụ 100kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng thêm là 32.000 đồng; hộ tiêu thụ 200kWh/tháng, phải trả thêm 39.000 đồng; hộ tiêu thụ 300kWh/tháng, trả tăng thêm 45.000 đồng. Đối với hộ tiêu thụ 400kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng thêm là 52.000 đồng.

Riêng nhóm khách hàng mua điện tạm thời và mua điện ngắn hạn (sinh viên, người thuê nhà) sẽ tiến hành thí điểm áp dụng giá điện trả trước sử dụng thẻ.

Số tiền điện làm tăng thêm giá thành đối với các ngành sản xuất từ 0,01- 1,33%. Đối với các ngành sản xuất thép, xi măng, sợi tỷ lệ tăng giá thành sản phẩm khoảng 0,38- 1,33%.

Tác động của tăng giá điện đến khối hành chính, giá thành các ngành sản xuất sự nghiệp là không lớn.

Cũng theo Bộ Công Thương, giá điện mới khuyến khích các hộ tăng cường sử dụng điện vào giờ thấp điểm để được hưởng giá thấp hơn 10% - 20% so với giá điện bình quân.

Một trong những vấn đề lo ngại là việc “té nước theo mưa”, lợi dụng điều chỉnh giá điện để tăng giá các mặt hàng bất hợp lý.

Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi sát những biến động do ảnh hưởng của tăng giá điện ở cả 2 khu vực sản xuất và tiêu dùng.

Nếu có những ảnh hưởng lớn, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp điều chỉnh. Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường sẽ được đẩy mạnh để hạn chế tiêu cực, tránh tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá bất hợp lý các mặt hàng, gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống nhân dân.

(Theo Minh Huệ // Tin Chính phủ)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi