Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bộ Công thương tổ chức giao ban trực tuyến tình hình sản xuất, kinh doanh quý I-2011: Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế

Ngày 4-4 tại Hà Nội, với sự chủ trì của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến tháng 3 giữa hai đầu cầu TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để tập trung đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp và thị trường trong nước quý I-2011.
 

Theo Bộ Công thương, sản xuất công nghiệp quý I phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, nhất là lạm phát cao, giá cả đầu vào của hầu hết nguyên, nhiên liệu tăng, lãi suất ngân hàng và tỷ giá biến động... Tuy nhiên, giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khu vực ngoài quốc doanh đạt tới 16,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 22,6% so với cùng kỳ, hoạt động thương nghiệp thu hút thêm nhiều nguồn lực và sự tham gia của giới đầu tư...

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 3 tháng đầu năm 2011, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 2,372 tỷ USD, bằng 66,9% so với cùng kỳ 2010. Về giải ngân, ước tính trong hai tháng đầu năm 2011, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 2,54 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2010. Trong các dự án đầu tư nước ngoài, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ nhất với 76 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 1,55 tỷ USD, chiếm 65,37% tổng vốn đầu tư đăng ký từ đầu năm đến nay. Tới thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh đang là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 1,08 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm.

Cũng tại cuộc họp này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, hiện nay bên cạnh những khó khăn về nguồn cung thì hiệu quả sử dụng điện ở Việt Nam là rất đáng lo ngại. Mặc dù Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương ban hành hướng dẫn về tiết kiệm điện là 10% nhưng việc sử dụng năng lượng, trong đó có vấn đề sử dụng điện vẫn còn thiếu hiệu quả, gây lãng phí, thiết bị công nghệ lạc hậu, hiệu suất sử dụng thấp. Theo thống kê, việc tiêu thụ điện cho sản xuất của Việt Nam đang còn lãng phí cao nhất trong khu vực. Bộ trưởng lấy ví dụ, ở Việt Nam để tăng trưởng kinh tế 1 thì tăng trưởng điện phải tiêu tốn gần 2-2,5 lần, trong khi các nước lân cận chỉ từ 1-1,5 lần. Điều đó cho thấy việc sử dụng điện cần phải tính đến hiệu quả.

Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành cho biết, EVN đã đình hoãn, giãn tiến độ gần 300 công trình, hạng mục công trình với tổng số tiền 12.572 tỷ đồng, so với kế hoạch đầu tư của năm 2011 là 65.875 tỷ đồng. Bên cạnh đình hoãn, giãn tiến độ các công trình, Tập đoàn cũng thực hiện thoái vốn ở các công ty cổ phần với tổng số tiền là 414 tỷ đồng; giảm cấp vốn cho đầu tư xây dựng hơn 11.500 tỷ đồng...

Với việc quản lý kinh doanh xăng dầu theo tinh thần Nghị định 84 của Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định, mặc dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng hai lần trong quý I nhưng vẫn chênh lệch giá tới hơn 2.000 đồng/lít so với các nước có chung đường biên giới trên bộ và trên biển với Việt Nam. Vì vậy, xăng dầu vẫn "chảy" qua các cửa khẩu ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Kiên Giang... Trong khi đó, để bảo đảm lượng xăng dầu cung ứng ra thị trường trong điều kiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phải ngừng sản xuất để bảo dưỡng, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã phải tăng thị phần thêm 20%. Việc tăng thị phần này trong quý I đã gây ra khoản lỗ 2.630 tỷ đồng cho Petrolimex; trong đó phần phát sinh do chênh lệch tỷ giá từ ngày 11-2 vừa qua là 1.834 tỷ đồng... Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng cho biết, với sản lượng xăng dầu bán ra thị trường trong quý I là 1,3 triệu tấn sản phẩm các loại đã lỗ tới 180 tỷ đồng mặc dù Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã sản xuất được 1,27 triệu tấn xăng dầu. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, trong thời gian tới, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh nhanh hơn các nhiên liệu khác.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, trong quý I-2011, điều đáng lo ngại là tỷ lệ lạm phát liên tục tăng trong các tháng khi chỉ số CPI của tháng 3 tăng 2,17% so với tháng 2-2011. Điều đó đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất và ảnh hưởng tới đại bộ phận người dân. Do đó, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị thuộc Bộ Công thương, thời gian tới Bộ sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ.
 

(Theo Hồng Sơn - Thanh Mai/HNMO)

  • Thí điểm thông quan điện tử với tàu biển xuất, nhập cảnh
  • Thêm giấy tờ trong xin cấp chứng nhận xuất xứ
  • Viễn cảnh cung ứng điện năm 2011
  • Sắp tới, giá xăng dầu sẽ còn điều chỉnh nhanh hơn trước
  • Nhà máy đường lo ngại đường nhập khẩu
  • Đề xuất miễn, giảm thuế VAT
  • VCCI: Nhiều ngành có năng lực sử dụng vốn kém
  • Giữa tháng 4 thanh tra thuế 7 mặt hàng thiết yếu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi