Nhu cầu điện tăng mạnh, thiếu hụt trầm trọng, đó là viễn cảnh của cung ứng điện năm 2011. Và đối tượng lo lắng nhất là các DN.
Thiếu điện gay gắt
"Khách hàng trọng điểm" là cách mà TP Hải Phòng nói về các DN sử dụng trên 3 triệu kWh điện mỗi năm. Ban chỉ đạo điều hành cung ứng điện thành phố còn tổ chức họp với 67 khách hàng trọng điểm này và 14 quận, huyện trực thuộc. Nội dung của cuộc họp là thông báo triển khai kế hoạch cung ứng điện mùa khô 2011 và phương án phân bổ sản lượng điện trên địa bàn thành phố. Nói ngắn gọn, đây là cuộc họp thông báo cách phân bổ "hạn ngạch" điện cho các hộ sử dụng lớn nhất.
Theo Ban chỉ đạo, dự kiến nhu cầu sử dụng điện toàn thành phố Hải Phòng vào mùa khô năm 2011 là 10,5 triệu đến 11 triệu kWh/ngày, với công suất max lên đến 550 MW vào các giờ cao điểm. Trong khi đó thì sản lượng điện được cấp trung bình của Hải Phòng trong các tháng 3,4,5,6/2011 là 7,96 triệu kWh/ngày, công suất cao nhất là 487 MW. Nghĩa là thiếu khoảng 2,54 triệu đến 3,04 triệu kWh/ngày và 63 MW vào giờ cao điểm so với nhu cầu sử dụng.
Thiếu điện đã là hiện thực và đương nhiên không DN nào hi vọng có đủ điện để sản xuất. Thế nên được cấp bao nhiêu điện chính là điều các DN quan tâm nhất khi tổ chức sản xuất. Điều đó giải thích vì sao có rất nhiều... khách không mời (không sử dụng quá 3 triệu kWh điện mỗi năm) cũng tham dự cuộc họp, ngoài 67 khách hàng trọng điểm theo giấy mời của UBND thành phố. Thực tế, theo cách tính của thành phố, mỗi "khách hàng trọng điểm" dù đã được ưu tiên cấp điện, nhưng bình quân cũng chỉ được sử dụng 84% nhu cầu do Cty Điện lực Hải Phòng xác định (không phải DN đăng ký). Điện lực Hải Phòng cũng thông báo, từ tháng 3/2011, Cty này đã kiểm tra lượng sử dụng thực tế từng ngày của từng khách hàng trọng điểm để xác định nhu cầu tiêu dùng và phương án phân bổ sản lượng thực tế nhất.
"Trọng điểm" vẫn... chê !
Công thức bán điện cho khách hàng trọng điểm tại Hải Phòng xác định như sau: lấy sản lượng điện tiêu thụ bình quân 6 tháng đầu năm 2010 cộng với sản lượng điện mở rộng sản xuất mỗi ngày của mỗi DN, sau đó nhân với tỉ lệ % điện được phân bổ chung cho Hải Phòng. Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo còn gửi Bảng dự kiến phân bổ sản lượng điện/ngày cho mỗi hộ "khách hàng trọng điểm". Theo đó, phương án phân bổ điện không những đã giảm mạnh không theo hình dung của DN, mà còn chia nhỏ sản lượng điện được sử dụng theo từng ngày.
DN đã phản ứng với phương án phân bổ được chi tiết bằng bảng dự kiến này. Đại diện Cty TNHH thép VSC-POSCO khẳng định: "Chúng tôi không thể chạy nửa máy nếu tiết giảm điện theo cách phân bổ này". DN này đề nghị: ngành điện nên xác định sản lượng được sử dụng của mỗi DN và thông báo trước. Từ đó DN xác định thời gian sản xuất và thông báo cho ngành điện cấp đủ tổng "hạn ngạch" dùng trong thời gian ấy, dùng hết thì DN sẽ dừng sản xuất chờ "hạn ngạch" mới. Đa số các DN đều đồng ý với đề nghị này. Quan điểm DN cho rằng nên thực hiện tiết giảm theo hình thức luân phiên cắt điện, chứ không nên giảm đều trên sản lượng cung ứng mỗi ngày. Một DN gay gắt: "Áp dụng phương án như ngành điện thì DN phá sản là chắc".
Theo ông Nguyễn Đăng Quang – Trưởng phòng Đầu tư, phụ trách kỹ thuật – Cty Liên doanh sản xuất Thép Việt Úc (Vinausteel), thì việc ngành điện lấy trung bình sản lượng điện tiêu thụ bình quân 6 tháng đầu năm 2010 để làm một trong những căn cứ tính "hạn ngạch" điện áp dụng cho năm 2011 không chính xác. Ông Quang nói, Vinausteel đã đầu tư tới gần 50 tỷ VND để giảm được tới 25% lượng điện tiêu thụ cho mỗi tấn sản phẩm. Nhưng với cách tính "hạn ngạch" này, thì càng giảm điện tiêu thụ, DN càng bị giảm mạnh sản lượng được phân bổ.
Phân bổ... quyền lợi
Vấn đề "hạn ngạch" điện tại Hải Phòng có thể xem như thực tế tiêu biểu trong phân phối điện khu vực phía Bắc mùa khô 2011. Cần nói rõ là, sản lượng điện của EVN cấp cho Hải Phòng (trung bình 487 MW/ngày) vẫn ở mức cao hơn so với phần đông các tỉnh khác tại khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, nhìn từ Bảng dự kiến phân bổ sản lượng điện mỗi ngày của Hải Phòng có thể thấy, 67 "khách hàng trọng điểm" đã "tiêu thụ" tới 43% sản lượng điện cấp cho toàn thành phố mỗi ngày. Hơn 1 vạn DN khác, 1,8 triệu dân của 14 quận huyện toàn thành phố sẽ chỉ được sử dụng 57% sản lượng điện còn lại.
Nhìn ngược lại, ngành điện mong muốn các DN phải trung thực và tiết kiệm hơn trong đăng ký sử dụng. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - PGĐ Cty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng dẫn chứng: KCN Nomura đăng ký sử dụng điện bình quân là 440.000 kWh/ngày. Nhưng thực tế từ đầu năm tới giờ, KCN này chỉ sử dụng... 313.000 kWh/ngày. Sản lượng điện chênh lệch giữa đăng ký và thực sử dụng của KCN Nomura vào khoảng 127.000 kWh/ngày, tương đương tiêu thụ điện của... cả huyện Tiên Lãng.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com