Người tiêu dùng chọn mua đường ở siêu thị - Ảnh: TL. |
Hiệp hội mía đường Việt Nam lo ngại lượng đường mà Bộ Công Thương cấp phép nhập khẩu trong bối cảnh các nhà máy đường trong nước đang tồn kho nhiều, đường tiêu thụ khó khăn, giá giảm mạnh từ đầu tháng 3 tới nay.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn sáng ngày 30-3 ông Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, hiện Bộ Công Thương đã cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu 250.000 tấn đường của năm nay.
Trong đó, 50.000 tấn đường sẽ được nhập sau ngày 15-4, kèm theo gần 140.000 tấn đường được cấp phép trước đây nên lượng đường trong nước đang có dấu hiệu cung vượt quá cầu.
“Trong vài ngày tới hiệp hội sẽ gửi công văn đến Bộ Công Thương và đề nghị gia hạn thời gian nhập khẩu 50.000 tấn đường vừa được bộ này cấp phép nhập từ 15-4 để tránh việc giá đường trong nước tiếp tục hạ như thời gian qua”, ông Phái cho biết qua điện thoại.
Việc giá đường trong nước giảm trong thời gian qua, theo ông Phái do đầu năm 2011 Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo sản lượng đường sản xuất trong nước ở mức 1 triệu tấn. Vì thế, Bộ Công Thương đồng ý nhập khẩu 250.000 tấn đường để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Đường, muối, lá thuốc lá, trứng gia cầm, muối là những mặt hàng mà Việt Nam bảo hộ sản xuất trong nước theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hàng năm, căn cứ trên dự báo cung cầu các mặt hàng này mà Bộ Công Thương cấp phép nhập khẩu theo phương thức hạn ngạch thuế quan, tức trong hạn ngạch thì thuế suất thấp, ngoài hạn ngạch thì thuế suất cao nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. |
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của hiệp hội thì năm 2011 cả nước sản xuất được 1,1 triệu tấn đường, tăng 100.000 tấn so với dự báo trước đó.
Theo một số doanh nghiệp sản xuất đường ở phía Nam, hiện nhu cầu tiêu thụ đường trong nước đang xuống thấp, nhiều nhà máy có lượng đường tồn kho lớn, trong khi đó, thị trường Trung Quốc đang thiếu đường nên một số doanh nghiệp tìm cách bán đường qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, chủ yếu là các nhà máy đường phía Bắc. Hiện các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ giá mía nguyên liệu thấp xuống thấp, chỉ ở mức trên 900.000 đồng/tấn, thấp hơn 100.000 đồng/tấn cho mía 10 chữ đường (CS) so với giá mía ở phía Nam nên giá thành sản xuất 1kg đường tại các nhà máy phía Bắc thấp hơn phía Nam.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com