Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị chuyển hướng kích thích kinh tế

Hôm qua, Chính phủ đã bắt đầu phiên họp thường kỳ của tháng 10 trong hai ngày. Trong ngày đầu phiên họp, Chính phủ đã nghe các báo cáo của bộ Kế hoạch và đầu tư về tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và mười tháng đầu năm.

Cũng trong phiên họp này, bộ Kế hoạch và đầu tư cũng sẽ báo cáo kết quả thực hiện chính sách kích thích kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội từ cuối năm 2008 đến nay và dự kiến các giải pháp chính sách trong thời gian tới.

Sản xuất tăng trưởng đi kèm nhập siêu tăng mạnh

Theo báo cáo của bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư, trong tháng 10, trên một số lĩnh vực kinh tế, mức tăng trưởng tiếp tục được cải thiện. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10 ước đạt 63.700 tỉ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2008 (khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 8,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,4%). Một số ngành sản xuất có mức độ tăng trưởng cao như: điều hoà nhiệt độ tăng 48,5%, ximăng tăng 19,3%, thép tròn các loại tăng 18,7%, giày dép tăng 16,2%, tủ lạnh, tủ đá tăng 30,4%...

Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm tiếp tục bị suy giảm về sản lượng như chế biến thuỷ sản giảm 7,7%, ôtô giảm 6,8%, sữa bột giảm 12,2%, giấy bìa giảm 13,4%, kính thuỷ tinh và gạch ốp lát giảm 12,2%, v.v.

Cũng theo bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 10 tháng đầu năm ước đạt 958.274 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2008 trong đó, thương nghiệp tăng 18%, khách sạn nhà hàng tăng 18,2%, các dịch vụ khác tăng 19,6%. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 10 tiếp tục bị giảm mạnh (giảm 25,1% so với tháng 9), chỉ đạt 227.900 lượt khách. Tính chung 10 tháng, khách du lịch đến Việt Nam giảm 16,3%, đạt khoảng 3 triệu lượt khách.

Số liệu từ tổng cục Thống kê và bộ Công thương cho thấy, ước tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đạt 4,75 tỉ USD tăng 4,5% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 46,34 tỉ USD giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2008. Kim ngạch nhập khẩu tháng 10 ước đạt 6,65 tỉ USD tăng 4,3% so với tháng trước. 77% tổng kim ngạch nhập khẩu vẫn từ các nước châu Á.

Như vậy, nhập siêu đã có dấu hiệu tiếp tục tăng mạnh: lượng nhập siêu tháng 10 đã lên tới 1,9 tỉ USD, vượt quá dự báo của bộ Công thương trước đây (khoảng 1,5 tỉ USD). Tổng nhập siêu trong 10 tháng đã lên tới 8,78 tỉ USD, bằng 19% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng nhanh: 10 tháng đầu năm có 70.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2008 nhưng số vốn đăng ký chỉ đạt 360.000 tỉ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.

Về thu, chi ngân sách, các con số thống kê cho biết, tổng thu ngân sách tính tới 15.10.2009 đạt khoảng 305.000 tỉ đồng, giảm 8,2% so với cùng kỳ, đạt 78,2% dự toán năm. Chi ngân sách đạt khoảng 371.000 tỉ đồng, bằng 75,6% dự toán và tăng 5,3% so với cùng kỳ.

Căn cứ trên diễn biến tình hình kinh tế trong và ngoài nước tháng 10, bộ Kế hoạch và đầu tư đưa ra dự báo, quý 4, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi trên hầu hết các lĩnh vực. Bộ này dự báo, tốc độ tăng giá trị tăng thêm quý 4 của khu vực nông, lâm, thuỷ sản là 2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,4%, khu vực dịch vụ tăng 8%. Giá trị tăng thêm ngành xây dựng sẽ vào khoảng 13,8% và ngành công nghiệp tăng khoảng 5%. Tăng trưởng GDP cả nước trong quý 4 dự báo đạt 6,8%.

Thay đổi chính sách kích thích kinh tế

Theo báo cáo của bộ Kế hoạch và đầu tư về kết quả thực hiện các chính sách kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội đã thực hiện từ cuối năm 2008 đến nay và dự kiến các giải pháp chính sách trong thời gian tới, bộ này đề nghị để hỗ trợ, đạt được các mục tiêu phát triển năm 2010 và các năm tiếp theo, cần chuyển mạnh chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp (miễn, giảm thuế...) sang các hình thức hỗ trợ gắn liền với việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Bộ này cho rằng, các chính sách kích thích kinh tế mới sẽ hướng vào mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế và trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể. “Trước mắt, cần thực hiện hỗ trợ chính sách cho nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ mới để sản phẩm có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao hơn; hỗ trợ phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa; hỗ trợ dự trữ và bảo quản lương thực và một số sản phẩm quan trọng khác…”, bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất.

Cụ thể hơn về chính sách hỗ trợ, theo bộ Kế hoạch và đầu tư, việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay vốn trung, dài hạn theo các quyết định 443/QĐ-TTg, quyết định 497/QĐ-TTg cần cho phép kéo dài thời gian ký kết và giải ngân các hợp đồng vay vốn thêm sáu tháng nữa (đến 30.6.2010). Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa điều chỉnh giảm từ 24 tháng xuống còn 18 tháng, đến 31.12.2011.

Riêng đối với khoản vay mua vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng, thời gian vay được hỗ trợ lãi suất vẫn giữ nguyên như quyết định 497/QĐ-TTg là 12 tháng. Về mức hỗ trợ lãi suất, bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị giảm từ 4% xuống còn 2% hoặc áp dụng mức lãi suất tương đương với lãi suất thực hiện tại ngân hàng Phát triển Việt Nam. Các đối tượng được hỗ trợ 100% lãi suất điều chỉnh thành mức hỗ trợ lãi suất 3%.

Một điểm đáng chú ý khác là bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị không tiếp tục chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động (theo quyết định 131/QĐ-TTg) và các khoản hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và tín dụng chính sách xã hội. Bộ này cũng đề xuất không tiếp tục áp dụng các chính sách miễn, giảm thuế đã thực hiện năm 2009 như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và lệ phí nhưng cho áp dụng chính sách giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ba tháng đối với các doanh nghiệp sản xuất, gia công dệt may, da giày… để giảm gánh nặng thuế do dồn kỳ nộp thuế từ năm 2009; tiếp tục biện pháp hoàn thuế, giãn thời gian nộp thuế nhập khẩu như năm 2009.

Trên cơ sở đề nghị của bộ Kế hoạch và đầu tư, xem xét thêm các tờ trình của các bộ liên quan như: bộ Công thương, bộ Tài chính… và xem xét các ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ tại phiên họp, hôm nay (30.10), Thủ tướng Chính phủ sẽ có kết luận chính thức về việc có tiếp tục các chính sách kích thích kinh tế trong thời gian tới.

 

( Theo Mạnh Quân // SGTT Online)

  • Tái cơ cấu kinh tế nhìn từ thủ tục hành chính
  • Thí điểm cơ chế đấu thầu với tập đoàn kinh tế
  • Gói kích cầu kinh tế thứ hai đã được Chính phủ thông qua
  • Năm 2009: Tốc độ tăng trưởng GDP thấp nhất trong 10 năm gần đây
  • Sản xuất công nghiệp đang có chuyển biến tích cực
  • Phân bổ ngân sách trung ương năm 2010: Ưu tiên thực hiện chính sách cải cách tiền lương
  • Bội chi nên ở mức dưới 6%
  • Đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt gần 2.880 tỷ đồng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi