Ngày 27/10, thảo luận quanh báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2009 và kế hoạch năm 2010, các đại biểu bàn nhiều đến hiệu quả của gói kích cầu vừa qua của Chính phủ cũng như cân nhắc tỷ lệ bội chi hợp lý để đảm bảo phát triển bền vững.
Nhiều đại biểu khi thảo luận đều đánh giá cao hiệu quả mà gói kích cầu số 1 vừa qua của Chính phủ đã tác động lên nền kinh tế, xã hội nước ta, giúp ngăn chặn đà suy giảm kinh tế và hoàn thành đạt và vượt 18/27 chỉ tiêu của năm 2009.
Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng – Hồ Chí Minh nhất trí, gói kích cầu ngắn hạn vừa qua đã hoàn thànhsứ mệnh lịch sử, đến 31/12/2009 thì nên chấm dứt. Bàn về các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trọng tâm năm 2010, ông đề nghị, trong số 9 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, nên tập trung vào việc đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa DNNN, đẩy mạnh hơn nữa xúc tiến đầu tư để thu hút DN nước ngoài, nhất là các tập đoàn lớn, đa quốc gia;
Đồng tình với thời hạn của gói kích cầu số 1, đại biểu Trần Tiến Cảnh – HàNam vẫn băn khoăn tại sao mới chỉ có 20% DN tiếp cận được nguồn vốn này. Ông đề nghị báo cáo Chính phủ cần làm rõ hiệu quả của gói kích cầu đến đâu.
“Gói kích cầu vừa qua của Chính phủ đã phát huy hiệu quả thực tế, nhưng còn mang tính bình quân, dàn trải, một lượng lớn DN khó khăn chưa tiếp cận được nguồn vốn. Theo tôi, chúng ta chưa có trật tự ưu tiên trong cấp vốn, vì vậy chỉ nên thực hiện gói 1 ở mức độ và thời gian như đã đề ra, còn lại là dành cho gói dài hạn nhằm tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, đại biểu Phạm Thị Loan – Hà Nội đề nghị.
Cũng theo đại biểu Loan, nền kinh tế nước ta mới hội nhập nên suy thoái vừa qua là hệ quả của quá trình điều hành kinh tế vĩ mô thời gian qua, của chính sách thắt chặt tiền tệ và một phần là từ ảnh hưởng của kinh tế thế giới. Báo cáo Chính phủ nên có đánh giá sát thực hơn về vai trò tự lực của người dân và doanh nghiệp. Thực tế, mỗi gia đình Việt Nam, nhà nào cũng tích trữ nội lực, đó là an sinh xã hội mà mỗi gia đình đã tự cứu mình, đó là tự lực, tự cường của dân ta. Tiếp đó, là sự vượt khó của các doanh nghiệp. 93-95% doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa số là doanh nghiệp gia đình, vay vốn ngân hàng không phải là chủ yếu mà là tự xoay sở, nên khi khó khăn, ta thấy phá sản rất ít, có thể không phát triển nữa nhưng tự động tạm dừng sản xuất, co cụm lại, tự xoáy sở sang làm việc khác.
Nên duy trì mức bội chi dưới 6%
Đồng ý với những đánh giá về sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ trong thời gian qua, nhưng một số đại biểu vẫn bày tỏ quan ngại về tỷ lệ tăng mức bội chi, hệ số ICOR, nguy cơ tái lạm phát… trong năm 2010.
Đại biểu Trần Văn Thức – Bà Rịa Vũng Tàu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để phát triển bền vững vì hiện tại, hệ số ICOR của Việt Nam năm sau luôn cao hơn năm trước. Đây là dấu hiệu của sự phát triển thiếu bền vững, kém hiệu quả trong sử dụng vốn ngân sách.
Chung đánh giá trên, đại biểu Trần Hồng Việt – Hậu Giang cũng cho rằng, vừa qua, Chính phủ đã tăng chi quá mức cần thiết, hệ số ICOR đẩy lên mức cao hơn 8 – mức cao nhất trong khu vực, đồng thời tỷ lệ dư nợ năm sau cao hơn năm trước… Điều này chứng tỏ nền kinh tế của ta chưa có tích lũy.
Đại biểu Đỗ Duy Lâm – Long An cũng bày tỏ sự lo lắng về mức bội chi 2010. Theo ông, năm tới, mức bội chi nên giảm dưới 6%, để giữ vững tăng trưởng thì thay bằng tăng thu, giảm chi tiêu công, cải thiện chỉ số ICOR…
“Trong muôn vàn khó khăn khách quan, chủ quan, Chính phủ đã điều hành hoàn thành chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên, trong báo cáo, Chính phủ chưa phân tích tại sao nhiều DN không tiếp xúc được nguồn vốn, hoặc nếu có vốn thì lại lấy vốn đó đi đầu tư vào việc khác, không đầu tư vào hoạt động sản xuất. Hay sự ổn định giữa DN được vay và không được vay có khác nhau không, tôi thấy báo cáo chưa đánh giá”, đại biểu Đặng Như Lợi – Cà Mau nêu vấn đề.
Đại biểu Lợi cũng cho rằng, các phương hướng đề ra cho năm 2010 cũng còn nhiều vấn đề, những giải pháp đưa ra để giải quyết yếu kém hiện tại cũng còn hạn chế.
Nhấn mạnh tới mức bội chi, đại biểu Hoàng Thương Lượng – Yên Bái nói: “Chúng ta thống nhất mục tiêu mức hồi phục kinh tế năm 2010 cao hơn mức của năm 2009. Nhưng để ngăn lạm phát cao trở lại, bội chi ngân sách nên từ dưới 6%”.
Ngày mai, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009 và kếhoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010; tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2010.về tình hình phân bổ ngân sách, quyết toán thu chi
(Theo Vân An // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com