Từ đầu năm đến nay, giá đường trong nước có diễn biến theo chiều hướng tăng liên tục. Cho đến thời điểm này, giá đường tại các siêu thị lớn ở Hà Nội như Fivimart, Hapromart, Intimex đã đồng loạt tăng giá mạnh, lên tới 22.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 12/2009. Nếu so với mức giá của tháng 10/2009, giá đường đã tăng thêm gần 5.000 đồng.
Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, đường “sốt” là do giá đường trên thế giới tăng cao, đường cát nhập lậu từ biên giới Tây Nam không vào, trong khi nhu cầu cần đường để sản xuất bánh kẹo và tiêu dùng trong dịp Tết Canh Dần rất lớn…Việc cung không đáp ứng được cầu dẫn đến tình trạng giá đường tăng mạnh trong thời gian qua. Hai tuần gần đây, giá đường trong nước tăng từ 500 - 1.500 đồng/kg. Cụ thể, đường RS từ 14.000 đồng/kg tăng lên 15.500 đồng/kg; đường RE từ 16.000 đồng/kg tăng lên 16.500 đồng/kg… Đây là giá bán buôn tại các nhà máy. Giá bán lẻ lên mức 19.000 - 22.000 đồng/kg, cao kỷ lục từ trước đến nay.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty Mía đường Bến Tre phàn nàn, những ngày qua nông dân trồng mía nâng giá nguyên liệu lên cao, gây khó khăn cho nhà máy. Hiện giá mía 10 chữ đường ở ĐBSCL đã lên 920 - 950 đồng/kg, có nơi 1.050 đồng/kg, thậm chí 1.200 đồng/kg… Tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, thương lái tranh giành nhau mua mía nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy.
Theo Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối, giá đường tinh luyện thế giới ngày 13/1 lên tới 780 USD/tấn, giá đường thô 670-680 USD/tấn. Vì vậy giá đường trong nước cũng tăng theo. Do giá lên cao, nhiều doanh nghiệp có quota nhập khẩu rất khó nhập theo giá thế giới để có lợi cho sản xuất.
Không được tự tiện đẩy giá lên cao:
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ trong nước, năm nay, lượng đường sẽ thiếu hụt 300.000 tấn. Trước mắt Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương thoả thuận cấp hạn ngạch 150.000 tấn để đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà sản xuất đường trong nước. Nếu các nhà máy cam kết không tăng giá so với giá thế giới để bình ổn giá đường trong nước, Bộ Công Thương sẽ hạn chế nhập khẩu để bảo hộ ngành đường, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế nhập khẩu đường theo hướng Nhà nước kiểm soát giá cả, thay vì sự độc quyền giá của các doanh nghiệp; nghiên cứu phương thức đấu thầu “người mua” hạn ngạch quota nhập đường. Theo đó, đơn vị trúng thầu phải bán sản phẩm theo giá chỉ đạo của Nhà nước trong thời gian nhất định, góp phần bình ổn giá đường trên thị trường.
Bên cạnh đó, đường là mặt hàng thiết yếu cần được quản lý về giá. Nhà nước nên có cơ chế cho dự trữ đường để điều tiết trên thị trường. Với mức tiêu thụ cả nước khoảng 1,2 triệu tấn đường/năm, chúng ta chỉ cần dự trữ 200.000 tấn. Các doanh nghiệp tham gia dự trữ sẽ được Nhà nước hỗ trợ vốn vay ngân hàng trong những tháng cao điểm. Đối với các công ty cần đường làm nguyên liệu chế biến bánh kẹo, nước ngọt, sữa… nên ký hợp đồng từ đầu năm với nhà máy theo giá bán buôn tại thời điểm nhận hàng.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, để đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán, đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam yêu cầu các nhà máy giữ giá đường từ 14.000-15.000đ/kg, không được phép cao hơn giá thế giới. Các nhà bán lẻ nên tính toán lại chi phí cho hợp lý, không tự đẩy giá đường lên quá cao khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt.
(Vinanet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com