Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chen lấn quyết toán thuế

Lo bị phạt khi trễ hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thiếu sót trong hàng loạt chứng từ chứng minh nguồn thu nhập, giảm trừ gia cảnh, khiến số lượng người quyết toán thuế TNCN tại Cục Thuế TP HCM ngày cuối quý I đông như hội.

Gần 16h ngày 31/3, thời hạn cuối cùng quyết toán thuế TNCN 2010, lượng người đến Cục Thuế TP HCM để quyết toán vẫn chưa vãn bao nhiêu. Hàng trăm người “mỏi gối, chồn chân”, mướt mồ hôi chờ đợi.

Tắc vì số… tự động

Chờ tại Cục Thuế TP HCM lúc 13h, nhưng sau 2 giờ lấy số thứ tự tự động tại đây, chị Nguyễn Thị Thu vẫn chưa đến được bàn làm việc với cán bộ thuế. Chị cũng như hàng trăm người có mặt tại đây cứ “căng tai” và dõi mắt vào tờ số thứ tự để chờ đến lượt. Đến 15h , số thứ tự đã hơn con số 1.900, nhưng trong và ngoài phòng thuế TNCN còn khoảng 500 người vừa đứng, vừa ngồi để chờ… tiếp.

Trong khi đó, khoảng thời gian từ 14 đến 16h, máy bấm số tự động liên tục bị tắc nghẽn, không chạy nổi do quá tải. Nhiều lần các nhân viên Phòng thuế TNCN đã phải ra máy để giải quyết cảnh kẹt giấy, không bấm được số. “Một phần do  máy này “già” rồi, bấm nhiều quá thì dở chứng; phần nữa do người nộp thuế nôn nóng… cứ nhấn nút loạn lên”, một nhân viên giải thích. Theo ghi nhận, trong khoảng 2 giờ có đến 10 lần máy tự động bấm số không chạy được. “Đông quá, các anh chị khỏi cần lấy số tự động luôn”, một nhân viên của Cục Thuế TP HCM bất lực khi quá nhiều lần phải chỉnh sửa lại máy.

Rối thủ tục

Nhưng sự quá tải nói trên có phải do người nộp thuế “nước đến chân mới nhảy”? Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, kế toán Công ty Kiswel (Hàn Quốc), cho biết: “Thời điểm này mới đến quyết toán thuế TNCN được, vì phải lấy giấy xác nhận thu nhập từ công ty mẹ ở Hàn Quốc, thủ tục và văn bản quyết toán thuế của mình phải dịch sang tiếng Hàn, sau đó bên công ty mẹ xem xét, làm các thủ tục ở Hàn Quốc chuyển về”.

Tuy nhiên, không phải tất cả những người quyết toán thuế TNCN đều dính dáng đến yếu tố nước ngoài như trên, tại sao vẫn chờ đến hạn cuối cùng mới thực hiện? Anh Nguyễn Văn Trung, một người tự đi quyết toán thuế cho bản thân mình, bức xúc: “Tôi đã 4 lần đến cơ quan thuế. Nhưng giấy tờ cứ hết cái này thiếu đến đến cái nọ sai, nên hôm nay mới phải chen lấn thế này”. Anh Trung cho biết, anh làm phiên dịch cho ba nơi và hiện nuôi bố mẹ già. “Người ta yêu cầu chứng từ về tiền công của ba nơi tôi làm việc, nhưng có nơi tôi chỉ làm hợp đồng thời vụ, chi trả qua tài khoản cá nhân, nơi thì sếp đi công tác ba tuần chưa về…”, cầm cả tập giấy trong tay, anh Trung cho biết “phải chạy cả tháng nay, nhưng ngày cuối vẫn không tự tin đã đầy đủ thủ tục hay chưa”.

Cũng như anh Trung, trong số 15 người chúng tôi gặp,  có đến 7 người tới cơ quan thuế lần thứ 3 vẫn chưa… đủ giấy tờ để quyết toán thuế. “Chúng tôi chưa được chỉ dẫn cụ thể về những giấy tờ cần thiết. Nếu tiền công, tiền lương từ nhiều nguồn thu nhập, chúng tôi rất khó tìm các văn bản hướng dẫn chi tiết về việc đó, trong khi cán bộ thuế hướng dẫn cứ… mỗi người một kiểu”, anh Trung nói.

(Báo Đất Việt)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi